Ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng nhưng đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ
Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư... do tác động của ô nhiễm không khí, trong đó trẻ nhỏ, phụ nữ và người cao tuổi thường là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Nghiên cứu của GS Christopher J. L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016 cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh (Giảng viên chuyên ngành Sức khỏe môi trường, Đại học Y tế công cộng, Hà Nội) cho biết: Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp, các bệnh về mắt do tác động của ô nhiễm không khí, trong đó trẻ nhỏ, phụ nữ và người cao tuổi thường là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Trẻ em: Nhẹ cân, tử vong chu sinh, thai nhi chậm phát triển
Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương với ô nhiễm không khí do quá trình chuyển hóa, trao đổi chất chưa phát triển hoàn thiện. Một số nghiên cứu tổng quan tài liệu của tác giả Smith và cộng sự đăng trên tạp chí Thorax cho thấy trẻ em sống trong các gia đình sử dụng chất đốt sinh khối (ví dụ gỗ, rơm rạ, than củi, lá cây…) để đun nấu và sưởi ấm có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính cao gấp khoảng 2-3 lần so với những trẻ sống trong gia đình sử dụng nhiên liệu sạch.
Còn nghiên cứu ở Guatemala năm 2002 của tác giả Boy Erick và cộng sự đăng trên tạp chí Environmental Health Perspective cho thấy các em bé nói trên nhẹ cân hơn 63g so với các trẻ có mẹ sử dụng các loại nhiên liệu sạch trong đun nấu và sưởi ấm.
Ở Việt Nam, năm 2018 nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Trang Nhung và cộng sự, trường Đại học Y tế công cộng sử dụng số liệu từ năm 2007 đến 2016 cũng cho thấy tỷ lệ nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ em Hà Nội có liên quan đến sự gia tăng của nồng độ các chất ô nhiễm không khí.
Trong đó, thủ phạm chính là các chất ô nhiễm có nguồn gốc từ khí thải của phương tiện giao thông như NO2, CO và PM2,5. Ví dụ, khi trung bình NO2 trong 1 tuần tăng thêm 22µg/m3 thì số ca nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ em Hà Nội tăng thêm 6,1%. Tác động này lên trẻ lớn (1-5 tuổi) lớn hơn trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, năm 2019, nghiên cứu của TS. Trang Nhung và cộng sự cũng cho thấy nồng độ Ozone trong không khí tăng lên cũng làm tăng thời gian nằm viện do các bệnh hô hấp dưới ở trẻ em Hà Nội.
Ngoài ra cũng đã có những công bố về mối liên quan giữa thai nhi chậm phát triển, trọng lượng sơ sinh thấp, nguy cơ tử vong chu sinh cao với tình trạng ô nhiễm không khí.
Phụ nữ: Nguy cơ các bệnh về phổi, thậm chí ung thư phổi
Với phụ nữ thì nguy cơ cao lại từ ô nhiễm không khí trong nhà. Do phụ nữ thường là người đảm nhận công việc nội trợ chính trong gia đình nên có thời gian và tần suất tiếp xúc với các chất ô nhiễm có trong khói chất đốt sinh khối thường xuyên hơn nam giới.
Theo một nghiên cứu của chúng tôi ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương năm 2010, có hơn 66% trên tổng số khoảng 69.000 hộ gia đình sử dụng nhiên liệu sinh khối trong đun nấu, sưởi ấm. Trung bình mỗi ngày các hộ gia đình dành khá nhiều thời gian cho đun nấu. Cụ thể có hơn 52% hộ dành từ 1 đến 2 giờ cho nấu nướng, gần 28% hộ dành ít hơn 1 giờ, gần 15% HGĐ giành 2-3 giờ, 3% HGĐ dành từ 3 đến 5 giờ và cá biệt có 2,5% hộ gia đình dành tới trên 5 giờ cho đun nấu. Phơi nhiễm khói chất đốt sinh khối được chứng minh là có liên quan với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bên cạnh đó là tỷ lệ mắc bệnh lao tăng lên.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc của tác giả Zhao và cộng sự đăng trên tạp chí Science of Total Environment cho thấy ô nhiễm không khí trong nhà còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Nghiên cứu từ Ấn Độ của tác giả Behera và nghiên cứu của tác giả Hernandez-Garduno ở Mexico cho thấy các phụ nữ không hút thuốc lá nhưng có tiếp xúc lâu dài với khói chất đốt sinh khối có nguy cơ mắc ung thư phổi… Đây là lý do giải thích vì sao nhiều phụ nữ có thể mắc ung thư phổi, COPD, đột quỵ và các bệnh đường hô hấp khác mặc dù không hút thuốc lá.
Người già: Tăng nguy cơ biến chứng về tim mạch, đục thủy tinh thể
Ô nhiễm không khí cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không liên quan đến hô hấp ở người già.
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ tử vong ở người già, đặc biệt do các bệnh tim mạch, ung thư. Cụ thể, nó làm gia tăng fibrinogen (yếu tố đông máu), tăng độ nhớt của huyết tương và sự hoạt hóa của tiểu huyết cầu; đồng thời, làm giảm endothelins – là yếu tố giúp co mạch máu, tạo huyết áp. Nghiên cứu khoa học cũng chứng minh ô nhiễm không khí làm tăng huyết áp tâm trương và các biến chứng về tim mạch, đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi. Gia tăng nồng độ bụi mịn trong môi trường có thể dẫn tới thiếu máu cục bộ.
Một vấn đề sức khoẻ khác thường gặp ở người già là bệnh đục thủy tinh thể. Nghiên cứu ở Nepal và Ấn Độ của tác giả Pokhrel và cộng sự đăng trên tạp chí International Journal of Epidemiology cho thấy sử dụng chất đốt sinh khối trong đun nấu ở hộ gia đình có liên quan với bệnh đục thủy tinh thể hoặc thậm chí mù mắt ở người già.
Năm 2016, tác giả Thulasiraj và cộng sự cũng đăng kết quả nghiên cứu trên tạp chí Environmental Health Perspective cho thấy sử dụng khói chất đốt sinh khối có liên quan tới bệnh đục thủy tinh thể ở phụ nữ từ 60 tuổi trở lên. Khói chất đốt sinh khối làm ô nhiễm không khí trong nhà, tăng quá trình oxy hóa và làm giảm lượng axit ascorbate trong huyết tương, carotin và glutathione, thành phần cung cấp chất chống oxy hóa bảo vệ sự hình thành đục thủy tinh thể…
Nói chung, ô nhiễm không khí có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn có ít nghiên cứu về lĩnh vực này và cũng thiếu các chương trình can thiệp giảm nguy cơ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí cho người dân.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh (Giảng viên chuyên ngành Sức khỏe môi trường, Đại học Y tế công cộng, Hà Nội)