Ô nhiễm không khí chẳng những tăng nguy cơ mắc ung thư, trầm cảm mà còn là thủ phạm gây nên loại bệnh chị em nào cũng sợ
Những người sống trong bầu không khí ô nhiễm có tỷ lệ cao bị ung thư, trầm cảm... Nhưng như vậy vẫn chưa phải tất cả. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra thêm 2 hiểm họa sức khỏe mà chị em nào cũng sợ là gãy xương và lão hóa cực nhanh.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã phát hiện ra mối liên hệ mật thiết giữa việc ô nhiễm môi trường và sức khỏe xương. Họ cho biết, xương sẽ bị suy yếu trầm trọng do các chất ô nhiễm nhỏ thấm vào máu khi hít thở. Đồng nghĩa việc sống trong các thành phố ô nhiễm có thể làm cho xương yếu đi, giòn và dễ gãy hơn so với bình thường.
Theo đó, nhóm nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona đã khảo sát 3700 người từ 28 ngôi làng ngoài thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Bắt đầu từ 2009 – 2012, các nhà nghiên cứu đã làm phép đo PM2.5 và carbon đen trong khí quyển ở mỗi làng. Cả hai loại hạt này chủ yếu được sinh ra từ khí thải từ phương tiện giao thông chạy bằng xăng hoặc diesel.
Kết quả cho thấy, phơi nhiễm PM2.5 tại đó là 33 microgram trên mét khối (ug/m3), vượt xa mức 10ug/m3 tối đa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Ngoài ra, so sánh với các thành phố khác mới thấy được độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí, cụ thể là 13ug/m3 ở London, 12 ug/m3 ở New York và 10ug/m3 ở Sydney.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã tham chiếu chéo mức độ ô nhiễm với tia X đo khối lượng xương ở lưng dưới (cột sống, thắt lưng và hông) của người tình nguyện. Số liệu chứng minh rằng, cứ 3ug/m3 bụi mịn sẽ làm giảm 0.57g khối xương ở cột sống và 0.13g ở hông. Bên cạnh đó, sự gia tăng 1ug/m3 carbon cũng làm mật độ xương co lại 1.13g ở cột sống và 0.35g ở hông.
"Nghiên cứu của chúng tôi đã mở ra những phát hiện mới về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe xương. Hít phải các hạt gây ô nhiễm sẽ làm mất khối lượng xương trầm trọng, từ đó làm xương yếu và dễ gãy hơn. Các trường hợp mắc bệnh đều được ghi nhận tại các thành phố bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là ở khu vực Đông Nam Á" – Otavio Ranzani, trưởng nhóm nghiên cứu thông tin trên tờ Dailymail.
Cũng trong công bố trên tạp chí Jama Network Open, khi các loại hạt đó thấm vào máu quá nhiều sẽ đẩy nhanh tốc độ lão hóa, khiến chị em phụ nữ già đi nhanh hơn. Nguy hiểm hơn, chúng còn tích tụ vào cơ thể và làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, các bệnh hô hấp cấp tính như hen suyễn và thậm chí là mất trí nhớ.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2017 của Đại học Columbia đã chứng minh việc hít quá nhiều khói xe cộ sẽ gây nên chứng loãng xương. Khi đó, cơ thể sẽ bị phơi nhiễm không khí bẩn, mức độ hormone tuyến cận giáp giảm mạnh làm việc sản sinh canxi bị gián đoạn. Lâu ngày sẽ làm xương yếu dần và cuối cùng chỉ một tác động nhỏ thôi cũng dễ làm gãy xương.
Bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí
Theo thống kê trên Dailymail, hơn 80% dân số đô thị trên thế giới đang phải hít không khí ô nhiễm hàng ngày. Được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là "kẻ giết người vô hình", nó là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu.
Ô nhiễm không khí còn làm gia tăng các bệnh thoái hóa như Alzheimer, suy giảm trí thông minh, béo phì, ung thư và khả năng nhận thức của trẻ nhỏ. Ngoài ra, nó là tác nhân gây nên chứng lão hóa sớm ở chị em phụ nữ và ảnh hưởng đến tinh trùng của phái nam.
Vậy nên, bản thân mỗi người đều phải có những biện pháp bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra đường, mà cụ thể là tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn khuyến cáo người dân nên làm theo những điều sau:
- Bỏ hoặc tránh xa khói thuốc lá.
- Tắt xe máy khi dừng đèn đỏ.
- Trồng thêm cây xanh góp phần bảo vệ môi trường.
- Đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn cản được bụi mịn do cơ quan chức năng chứng nhận.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng xung quanh nhà.
- Cập nhật thường xuyên các thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy, chủ động phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí.
Theo Dailymail