Ở Hà Nội giãn cách gần 2 tháng vẫn bị truy tố vì gây tai nạn ở... Đà Nẵng, cô gái có pha xử lý siêu hài khiến "CSGT pha-ke" cứng họng!

Dưới tán hoa hải đường,
Chia sẻ

Nhận được một cuộc gọi lừa đảo nhưng cô gái lại bình tĩnh vạch mặt kẻ xấu. Tuy nhiên, với chiêu thức khá tinh vi như thế này, không ít người dân thật thà sẽ trở thành nạn nhân của chúng.

Các loại hình lừa đảo qua điện thoại ngày càng trở nên phổ biến, điển hình là nhiều vụ việc liên quan đến cuộc gọi mạo danh CSGT “phạt nguội” vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, đối tượng nhắm đến là phụ nữ ngày càng nhiều vì họ nhẹ dạ cả tin và đôi khi là dễ... dọa.

Ở nhà giãn cách 2 tháng trời vẫn vi phạm giao thông?

Mới đây, chị Nguyễn P.A sống tại An Dương, Hà Nội phản ánh nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là Trung tá CSGT tại Đà Nẵng gửi lệnh truy tố chị về việc thuê xe ô tô đâm người rồi bỏ chạy. Người này thông báo tới chị biên bản xử phạt giao thông và yêu cầu cung cấp CMND để đối chiếu.

Chị P.A chia sẻ, mới đầu chị khá bàng hoàng và sợ hãi khi bị gọi đích danh thông báo về vụ việc vi phạm của mình, khá cảnh giác, chị P.A đã cố tình cho thông tin cá nhân không chính xác, thế nhưng người này vẫn có thể đọc được "lệnh truy tố" từ 1 số CMND không có thực.

Sau khoảng 20 phút trò chuyện, nhận ra nhiều khác lạ, chị P.A đã có màn “quay xe” về Hà Nội bằng câu chốt: “Em chỉ xinh thôi chứ không ngu!”

Mặc dù nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, nhưng chị P.A vẫn kiên nhẫn tiếp tục câu chuyện để nắm bắt thủ đoạn nhằm cảnh báo đến người thân, bạn bè của mình.

Nôi dung của cuộc gọi xoay quanh vấn đề chị P.A dùng thông tin cá nhân đăng ký thuê xe tại Đà Nẵng, sau đó gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Chị P.A có ghi âm lại cuộc nói chuyện, thủ đoạn của người đàn ông sử dụng như sau:

“Thông tin cá nhân là đúng nhưng sự việc thuê xe và gây ra tai nạn giao thông không phải do chị gây ra hay sao? Chiếc xe biển số 43A - 47466 vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ, va chạm một người đi bộ, không dừng lại và lái xe rời khỏi hiện trường. Các đồng chí chiến sĩ đơn vị giao thông đã trích xuất lại camera và làm việc với chủ xe. Chủ xe có khai báo là có cho chị Nguyễn P.A thuê chiếc xe này".

Cô gái sống ở Hà Nội bàng hoàng khi CSGT ở Đà Nẵng gửi lệnh truy tố đâm chết người và sự thật khiến mọi người ngã ngửa - Ảnh 1.

Đối tượng xấu tự xưng là cán bộ CSGT TP Đà Nẵng

Bản thân chị P.A vẫn sống và làm việc ở Hà Nội, không thể “phân thân” vào Đà Nẵng thuê xe, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang siết chặt giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nên chuyện gây ra tai nạn rồi bỏ chạy là không thể xảy ra.

Người tự xưng là Trung tá phòng CSGT vòng vo chất vấn lặp đi lặp lại câu hỏi ám thị việc chị P.A thuê xe, gây tai nạn và bỏ trốn: "Vào ngày 6/9 chị có ký kết với chủ xe Hải Đăng ở Đà Nẵng hay không?”

Kế tiếp, người đàn ông dẫn dắt hàng loạt câu hỏi để ám thị việc rất có thể chị P.A đã bị đánh cắp thông tin cá nhân nhằm mục đích xấu.

Tiếp tục trao đổi, chị P.A trực tiếp xin thông tin của chủ xe để liên hệ, người tự xưng là Trung tá nói rằng phía cơ quan công an điều tra đang giam giữ. Người này kiến nghị chị P.A nhanh chóng trình báo lên cơ quan công an TP Đà Nẵng ngay trong ngày.

Với tình hình dịch bệnh việc di chuyển khó khăn và cách thức liên lạc với phía công an TP Đà Nẵng không dễ dàng, người đàn ông "thiện chí" hỗ trợ chị P.A chuyển cuộc gọi này thông qua đường dây nóng của cơ quan công an, kết nối trực tiếp tới phòng điều tra CSGT. Anh ta yêu cầu chị P.A ghi lại một số thông tin để có cơ sở pháp lý tiện cho việc trình báo, thực chất đây là đầu mối để dẫn dắt đến việc chị P.A cung cấp số CCCD và mã OTP của ngân hàng hòng chiếm đoạt tài sản.

Cô gái sống ở Hà Nội bàng hoàng khi CSGT ở Đà Nẵng gửi lệnh truy tố đâm chết người và sự thật khiến mọi người ngã ngửa - Ảnh 2.

Địa chỉ chủ xe được cung cấp thực chất là địa điểm kinh doanh của một quán trà sữa

Dịch bệnh khó khăn khiến những đối tượng lừa đảo - người tự xưng là cán bộ công an phòng CSGT kia có lẽ mới chập chững bước vào nghề nên còn “non tay” để lộ nhiều sơ hở.

Chị P.A cho hay, mới đầu chị có cho số CCCD nhưng sai 4 số cuối cùng, sau đó người đàn ông kia thông báo rằng hành vi vi phạm của chị lưu trên hệ thống trùng khớp với số CCCD chị P.A đã cung cấp.

Địa chỉ cho thuê xe tại 28 Nguyễn Văn Linh, Thanh Khê, Đà Nẵng được người đàn ông cung cấp khi tìm kiếm địa điểm thì nơi này là một... quán trà sữa. Đồng thời, chiếc xe mang biển số 43A - 47466 cũng không tồn tại.

Cô gái sống ở Hà Nội bàng hoàng khi CSGT ở Đà Nẵng gửi lệnh truy tố đâm chết người và sự thật khiến mọi người ngã ngửa - Ảnh 3.

Biển số xe được người đàn ông cung cấp không hề tồn tại trên danh sách đăng kiểm

Thủ đoạn cũ, vẫn đầy nạn nhân mới!

Cũng giống với chị P.A, thời gian gần đây nhiều người dân bức xúc khi bị làm phiền bởi các đầu số lạ tự xưng là cán bộ Sở GTVT TP gửi biên bản xử phạt giao thông, yêu cầu làm theo hướng dẫn để nộp phạt trong khi họ không hề mắc lỗi. Khi nhiều người trả lời nhà chỉ có xe máy thì đầu dây bên kia lập tức tắt máy, gọi lại thì thuê bao.

Thủ đoạn lừa đảo này không mới và cũng xuất hiện tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Dưới hình thức thông báo “phạt nguội”, đối tượng xấu yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin từ Cục CSGT, quy trình “phạt nguội” được thực hiện theo 6 bước: thu thập hình ảnh vi phạm, trích xuất; lập hồ sơ, in thông báo; phát hành thông báo tới chủ phương tiện; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vi phạm và sau cùng là cập nhật kết quả, kết thúc hồ sơ. 

Ngoài ra, khi nhận được quyết định xử phạt, người vi phạm sẽ nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định.

Trước tình trạng này, nhiều người dân lên tiếng phản ánh, đơn cử như anh Q.V sống tại Quận Thanh Xuân ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, kẻ xấu đánh vào tâm lý lo sợ khi vi phạm giao thông của người dân để trục lợi. Đặc biệt với chị em phụ nữ dễ hoang mang, hoảng loạn sẽ rơi vào thủ đoạn lừa đảo của chúng. Cơ quan công an cần kịp thời vào cuộc để ngăn chặn, bởi vì có nhiều người không rành về quy định pháp luật cũng như không cập nhật tin tức thường xuyên nên sẽ dễ dàng bị lừa.”

Khi gặp phải tình huống này chị em nên làm gì?

- Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự ATGT được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.

- Các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

- Chị em cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các cuộc gọi thông báo liên quan tới biên bảo vi phạm giao thông phạt nguội.

- Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, CMND, CCCD, thông tin TKNH, thẻ tín dụng, mật khẩu đăng nhập, OTP, địa chỉ email cho người lạ. Đồng thời không để lộ các thông tin cá nhân này lên mạng xã hội.


Chia sẻ