Ở chung, ăn riêng vẫn lục đục
Cùng chung sống dưới một mái nhà, nhưng cứ đến cuối giờ chiều, là bếp của mẹ chồng, bếp của con dâu lại cùng đỏ lửa.
Lấy chồng được hơn 1 năm, ban đầu dự tính sẽ ăn chung với bố mẹ chồng và góp tiền hàng tháng, nhưng Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) không thể chịu đựng được tính... keo kiệt, tiết kiệm tối đa tiền mua thức ăn hàng ngày của mẹ chồng. Mỗi tháng, vợ chồng cô góp với bố mẹ 3 triệu, cộng với tiền ăn của ông bà, nhưng bữa nào cũng chỉ rau, đậu, trứng, các món ăn mãi cũng đã chán. “Nhiều hôm hai vợ chồng đi làm về muộn, không nuốt nổi cơm vì ngày nào cũng ăn những món này đã phát chán. Nhưng mẹ chồng tôi chẳng bao giờ chịu hiểu điều đó. Nhiều lần, tôi cố gắng về sớm, mua thêm thức ăn nấu một bữa tươm tất, nhiều đồ ăn thì bà kêu lãng phí, rồi giận. Đến nước này tôi đành xin bố mẹ cho hai vợ chồng ăn riêng”.
Thuyết phục được bố mẹ chồng, hai vợ chồng chị Hạnh ra ăn riêng. Nhưng cũng chính từ đây, lắm chuyện lục đục mới xảy ra.
Căn bếp không rộng, chỉ đặt được một chiếc bếp ga, xoong, nồi Hạnh vẫn dùng chung với nhà chồng. Thế là phải chia ca, mẹ chồng nấu ăn vào lúc 5 giờ chiều, con dâu đi làm về nấu ăn lúc 6 giờ 30. Bố mẹ chồng cùng cô em chồng ăn cơm lúc 7 giờ, hai vợ chồng Hạnh ăn cơm lúc 8 giờ.
Ở chung, ăn chung thường xảy ra nhiều bất hòa giữa mẹ chồng, nàng dâu
(ảnh: internet).
“Mẹ chồng tôi ở nhà nên nhận nấu cơm sớm, thế nhưng bữa ăn nào cụ cũng kêu ca rằng phải nấu sớm, thức ăn nguội, ăn không ngon. Tôi tuy ăn riêng nhưng có món ngon vẫn biếu hai cụ một đĩa, vẫn đóng 1 triệu hàng tháng để mẹ chồng chi trả tiền gas, điện nước. Nhưng cụ vẫn không hài lòng, thường xuyên nhằm lúc tôi nấu ăn và than giá gas tăng, đun hai bếp thế này tốn kém,” Hạnh bực bội nói.
Khổ nhất là mỗi lần mua nhiều thực phẩm chút về nấu món cầu kỳ, cho hai vợ chồng ăn. Hạnh đem biếu bố mẹ chồng một đĩa, nhưng lần nào cô cũng phải nghe những lời chê bai con dâu không biết tiết kiệm, không biết chi tiêu.
Quyết định ra ăn riêng với vợ chồng chị Linh không hề dễ dàng. Mẹ chồng chị khó tính, việc xin ra ăn riêng cũng khá khó khăn, nhưng suy đi tính lại, chị cho đó là việc hợp lý hơn cả, để giải quyết mọi mâu thuẫn. Trước, hai vợ chồng chị cũng đong góp tiền với bố mẹ chồng, nhưng lần nào trong bữa ăn mẹ chồng chị cũng than thở rằng tiền đi chợ chẳng thấm vào đâu, tháng sau có đưa thêm cho cụ, cụ vẫn than. Thêm nữa mẹ chồng chị có kiểu nấu ăn khá... buồn cười. “Bữa ăn thì đầy thịt chẳng có tí rau nào, nấu không được cho mì chính gia vị mà chỉ có nước mắm với bột nêm, ăn mặn đắng, canh rau cải với cá rô nhưng không được cho gừng ăn tanh lắm, nấu canh bắp cải bắt cho sấu vào, gà rang thì bắt cho hành không cho gừng, tôm hấp không được cho phụ gia như gừng, sả… mình đang có bầu nên rất khó ăn.”
Từ ngày ra ăn riêng, vợ chồng chị dọn hẳn tầng 4 làm nơi nấu ăn, tầng 3 chỉ để ở. “Thế nhưng ngày nào, mẹ chồng chị cũng phải lên kiểm tra tủ lạnh, bếp núc xem có ở sạch sẽ không? Hôm nào mình nấu bếp ở phòng trên, mùi thơm bay ra là mẹ chồng bật quạt ở dưới rồi nói to: “để bay bớt cái mùi khó chịu,” rồi thường xuyên đi nói với hàng xóm là con dâu sướng vì về nhà chồng, ra ăn riêng ma chẳng phải mua một cái bát, cái đũa nào.”
Nhưng ăn riêng cũng vẫn xảy ra lục đục (ảnh: internet)
Cũng trong cảnh “một nhà hai niêu cơm”, mà chị Hồng thấy khó chịu bởi những lời chì chiết hàng ngày của mẹ chồng: “Từ ngày ra ở riêng, tôi cũng tiết kiệm được một ít tiền, không như khi ăn với bố mẹ chồng. Đóng ít thì khó, mà đóng nhiều thì mình không có. Thôi thì hai vợ chồng có thế nào ăn vậy, thích ăn gì thì ăn.”
Vợ chồng chị nấu ăn trên tầng thượng, chị cũng biết việc nấu nướng như thế này là bất tiện nên thường xuyên dọn dẹp, lau chùi chỗ nấu ăn thật sạch. “Nhưng ngày nào mẹ chồng tôi cũng than bẩn, con dâu không dọn được chẳng nhẽ phải để cho mẹ chồng dọn? Rồi đến bữa ăn thì cụ nói rất to rằng không hiểu sao mắm, muối, gia vị lại nhanh hết hơn ngày trước, nhà dùng thì vẫn thế, chẳng nhẽ có ai lấy cắp? Nghĩ tức đến phát khóc mà mình chẳng dám cãi nửa lời, chuyện cũng tế nhị. Vì được ra ăn riêng nên mình chấp nhận thời gian đầu hẳn mẹ chồng sẽ xét nét ghê lắm”, chị Hồng cho biết.
Nhiều nàng dâu than thở họ xảy ra chuyện bất hòa chỉ vì ăn chung với bố mẹ chồng, muốn ăn riêng để được tự do. Thế nhưng, trong chuyện ăn riêng cũng không ít tình huống khó xử, khiến mẹ chồng, con dâu lại thêm phần lục đục.