Khổ vì mẹ chồng quá tiết kiệm

Đinh Liên,
Chia sẻ

Những thứ như máy giặt, máy xay, lò nướng... vợ chồng Lan dư sức mua nhưng mỗi lần bàn, ông bà lại gạt đi: “việc gì phải máy giặt. Có vài bộ quần áo vò tí là xong...".

Về làm dâu được hai năm nay, nhưng chị Hạnh (Kim Giang, Hà Nội) chưa lúc nào cảm thấy thoải mái khi sống với bố mẹ chồng. Tính chị cũng không phải tiêu hoang, nhưng mẹ chồng chị lại quá tiết kiệm, nhiều lúc chị cảm thấy bực tức ở trong lòng.

Thấy mẹ chồng hàng ngày hì hụi vò quần áo bằng tay, vợ chồng chị mua máy giặt về cho cụ đỡ vất vả. Nhưng khổ nỗi, từ ngày mua về, chiếc máy giặt cũng đành vứt xó chỉ vì lí do: “Mẹ thừa thời gian, ở nhà làm cũng được, giặt máy làm gì cho tốn tiền điện.”

Khổ nhất là những buổi sáng sớm, chị Hạnh dậy chuẩn bị đi làm thì thấy mẹ chồng ôm chậu quần áo to đùng ra trước cổng giặt. Không đành, chị lại ngồi xuống vò quần áo cùng mẹ. Vò xong đống quần áo, chân tay rã rời, lại nhanh chóng tới chỗ làm cho kịp giờ. Nhưng vẫn chưa mệt bằng nhiều lần, buổi tối vợ chồng chị định đi nghỉ, thì mẹ chồng lại ở nhà dưới ôm quần áo đi giặt. Dù cụ chẳng nói lời nào, nhưng chị Hạnh cũng đành xuống nhà làm cùng mẹ. “Nói mãi cụ chẳng chịu nghe, quần áo của bé con nhà tôi thì nhiều, lại mùa mưa, giặt bằng máy, vắt khô sẽ nhanh hơn, nhưng cụ vẫn khăng khăng mẹ làm được, kệ mẹ. Nhiều lúc nghĩ vừa bực, vừa thương.”
 
Nhiều nàng dâu tỏ ra khó chịu vì mẹ chồng quá tiết kiệm (ảnh: internet)

Mẹ chồng chị Mai (Hà Đông, Hà Nội) lại không muốn thuê osin, dù gia đình khá giả, chỉ bởi giá trả cho osin quá cao, và nếu có thuê, bà cũng phải sử dụng... hết công sức của người làm mới thôi.

Trước, có mấy lần vợ chồng chị Mai thuê người giúp việc về trông con nhỏ, cho cháu ăn, đi học. Nhưng không ai trụ lại được quá lâu vì: “lúc thì bà bảo người làm khuân đất từ dưới lên tầng 2 để trồng rau. Bắt người ta xách nước từ dưới lên tưới rau mỗi ngày. Không cô osin nào trụ lại được quá lâu nên kết quả là nhà mình ai cũng bị làm quá tải.

Nhà không nghèo khó nhưng bà luôn bắt mình và con mình phải sống theo kiểu của bà. Phải chịu khó và tiết kiệm như vậy. Mua cái tủ, cái ghế cũng chờ bà quyết định. Hôm mình và ông xã đi mua bộ ghế cho phòng riêng của hai đứa thì bị bà mắng hơn tháng trời. Hai vợ chồng quyết định mua ô tô. Bà quát: “mua để mỗi tuần chở vợ nó về bên ngoại chắc?”. Quần áo của mình, con mình cũng do bà chọn mua (hàng si), cho đỡ tốn kém. Mọi cuộc sống của mình gần như là phải theo sự sắp xếp của bà.”

Không ủng hộ cách sống quá dành dụm của bố mẹ chồng nhưng trường hợp của chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) lại khác. Cũng từ quê ra thành phố sống như gia đình chồng nhưng Lan không thể chấp nhận được kiểu sinh hoạt tằn tiện của bố mẹ. Hằng ngày, ông bà ở nhà nấu cơm, cơm nguội ăn không hết, có khi còn bốc mùi, các cụ vẫn đem hấp lại từ bữa nọ sang bữa kia. Lan đi làm về mệt, nhai hạt cơm cứng queo mà không thể nuốt được.

Rồi mỗi lần sờ đến tủ lạnh, thấy đủ các thứ đồ chín, không biết để từ bao giờ, lẫn với đồ sống mà bố mẹ chồng tiếc đem cất dồn lại... Lan thấy ớn. Cô bảo bỏ đi thì các cụ không cho, còn nói dỗi: “Anh chị không ăn được thì cứ để đấy cho chúng tôi”. Lan bực nhất là mỗi lần ông bà được đem biếu bánh kẹo đắt tiền thì không ăn mà mang ra cho đứa cháu có cửa hàng tạp hóa bán lại.

Việc mua sắm đồ đạc trong nhà cũng khiến Lan ấm ức. Những thứ như máy giặt, máy xay, lò nướng... vợ chồng Lan dư sức mua nhưng mỗi lần bàn, ông bà lại gạt đi: “việc gì phải máy giặt. Có vài bộ quần áo vò tí là xong. Ngày xưa nhà tôi 5 đứa con, cả đống việc đồng áng đấy mà vẫn xong”...

Mâu thuẫn giữa lối sống của hai thế hệ cần phải được cảm thông cho nhau
(ảnh: internet)
 
Cứ thế, đâm chán, Lan quyết tâm làm cuộc cải cách. Muốn sắm đồ gì, cô cứ khuân về, không cần hỏi ý bố mẹ chồng. Rồi cứ vài ngày kiểm tra tủ lạnh, thấy đồ nào không ăn được nữa là cô dọn đi, tống tất vào thùng rác... Bố mẹ chồng thấy vậy rất giận, đòi bỏ về quê. Vợ chồng cô cũng vì thế mà lục đục mấy hôm nay.

Mâu thuẫn về cách sống, nhất là việc chi tiêu giữa nàng dâu với bố, mẹ chồng là chuyện không hiếm. Người già thường có tâm lý dè sẻn bởi họ nghĩ mình không làm ra tiền nữa, tiết kiệm cũng là cho con cháu. Đôi khi, lối sinh hoạt tiết kiệm cũng xuất phát từ tính cách của mỗi người hoặc bởi vì họ đã sống trong điểu kiện khó khăn, thiếu thốn.

Ngược lại, những phụ nữ trẻ hiện đại, có thu nhập độc lập, quan niệm làm để hưởng thụ , kiếm tiền là để phục vụ cho nhu cầu của mình nên cảm thấy khó chịu với kiểu quá dè sẻn.

Để tránh xung đột về vấn đề này, nàng dâu nên tìm hiểu lối sống, phong cách, tâm lý của mọi thành viên trong gia đình chồng, cố gắng thích nghi và dung hòa với cá tính của bản thân. Cả mẹ chồng, nàng dâu cần có sự thấu hiểu và thông cảm cho nhau.

Chia sẻ