Nước mắt mẹ chồng tuôn rơi khi nhận bản di chúc của con dâu
Nước mắt người mẹ chồng này tuôn trào khi thấy sổ tiết kiệm 100 triệu đồng cùng mảnh giấy nhỏ con dâu bảo, để lại hết cho bà số tiền này để phòng thân lúc già cả.
Ngày cưới con dâu về nhà mình, bà Thư chưa bao giờ dám nghĩ mình lại tốt số có đứa con dâu tốt nết và sống trọng tình trọng nghĩa đâu ra đấy như thế. Bản thân bà là bà mẹ góa bao nhiêu năm nay, do đó bà chỉ nghĩ, con trai đến tuổi lấy vợ và mình cũng đến tuổi làm mẹ chồng.
Trong khu tập thể này, bà Thư nổi tiếng là người đàn bà hiền lành, cư xử với hàng xóm rất tốt nên được cả khu tập thể yêu mến. Biết nhà bà neo người, cậu con trai duy nhất là dân công trình thường phải đi xa, nên mọi người cứ chiều đến hay bế cháu sang nhà bà vừa buôn chuyện vừa trông cháu cho vui.
Thời gian trôi đi, khi bà ở cái tuổi 57, con trai bà cũng chịu lấy vợ. Con dâu bà là con gái một, ở Hà Nội. Khác hẳn với hoàn cảnh gà mái nuôi con của nhà bà bao năm nay, nhà con dâu bà rất có điều kiện. Hai ông bà thông gia cũng vẫn còn đủ cả. Cũng may, thông gia và con dâu chẳng hề khinh miệt hoàn cảnh của nhà bà. Ngược lại, con dâu coi bà như mẹ ruột, còn thông gia thường xuyên thăm hỏi bà rất thân mật.
Khỏi phải nói, có con dâu như vậy, bà mừng đến thế nào.Con dâu bà đi làm phiên dịch nên công việc đi sớm về muộn thất thường. Bà cũng thương con dâu lắm, thường xuyên mua những món ăn tẩm bổ cho con. Hay có đồ gì ăn vặt ngon, bà cũng mua cho con ăn. Con dâu bà cũng vậy, lúc thì mua cho mẹ cái áo, khi thì cái khăn, đôi tất. Bà thích ăn món gì, những lúc cuối tuần, con dâu thường nấu cho bà ăn.
Thậm chí, con trai bà bao năm nay ở với bà nhưng chưa thu xếp cùng mẹ đidu lịch một chuyến nào mà con dâu bà thì lại làm được. Con dâu cứ bảo bà: “Con thương mẹ lắm. Nhà mỗi mình mẹ nuôi anh khôn lớn, giờ có con về nữa rồi, con sẽ không làm cho mẹ phải buồn phiền đâu mẹ à”.
Những lúc ấy, nước mắt của bà lại nhòe đi. Tình cảm của con dâu đối với bà là thứ tình cảm thật lòng quý giá. Chẳng thế mà mỗi lần con dâu về ngoại, bà cứ thấy nhớ lắm. Chính vì biết thế nên con dâu bà cũng ít về ngoại hơn hay chỉ dám về tranh thủ một lúc.
Lấy chồng xong, con dâu bà vẫn thường ở một mình. Bởi con trai của bà vẫn bận bịu với những công trình gần xa. Mẹ chồng nàng dâu ở nhà mà chẳng có bất cứ va chạm nào. Dường như hai người phụ nữ đều hiểu nhau, thông cảm cho nhau mà cứ thế sống vui vẻ. Bà cứ liên tục giục con trai phải về nhiều hơn cho con dâu vui cũng là để vợ chồng sớm sinh cháu cho bà. Nhưng công việc nhiều nên con trai bà không thể thu xếp về được liên tục.
Rồi cái ngày định mệnh đáng sợ nhất đối với bà cũng đến. Đó là ngày bà đang ở nhà chuẩn bị cơm chiều thì nhận được cuộc điện thoại báo con dâu bà bị tai nạn và đang vào viện cấp cứu. Bà rụng rời chân tay, tưởng ngất đi. Bà lập cập chạy vào viện. Cũng may, bà vẫn gặp con dâu mình lần cuối.
Con dâu bà cố nắm lấy tay mẹ chồng rồi bảo rằng, "con xin lỗi vì không thể ở lại bên mẹ để chăm sóc mẹ mãi mãi như đã hứa. Nhưng những ngày tháng được sống cùng mẹ, con rất hạnh phúc và không bao giờ quên". Con dâu bà cũng nói, khi về nhà bà hãy lật quyển sổ nhỏ trong ngăn kéo ở phòng con ra, bà sẽ thấy một bản di chúc con dâu viết cho bà. Chỉ nói được như vậy, con dâu bà đã trút hơi thở cuối cùng.
Ngày đưa tang con dâu xong, trong bao đau khổ và hụt hẫng, bà Thư chợt nhớ lời con dâu dặn trước phút lâm chung. Bà vào phòng con dâu dọn dẹp và kéo ngăn tủ nhỏ ra. Nước mắt bà tuôn trào khi thấy sổ tiết kiệm 100 triệu đồng cùng mảnh giấy nhỏ con dâu bảo di chúc hết cho bà số tiền này để phòng thân lúc già cả. Thì ra, đó là số tiền tiết kiệm từ những tháng lương đi làm của con dâu bà.
Rồi bà cứ ngồi đó than trách ông trời sao không có mắt, sao lại để một đứa con dâu hiếu thảo, chân thành như con dâu bà phải rời khỏi thế giới này quá sớm, khi chỉ mang con dâu đến bên bà được vẻn vẹn 9 tháng trời.