Nữ sinh Việt du học trường top đầu thế giới, chia sẻ bí quyết vừa học giỏi vừa đi làm thêm lương cao
Nhờ xây dựng kế hoạch học tập cùng làm việc nghiêm túc, Ánh Tuyết đã có mức thu nhập tốt ngay từ khi còn là sinh viên đại học.
Thông thường, sinh viên đại học phải chắt chiu từng đồng để có tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt. Thậm chí, nhiều em phải đi làm những công việc lao động chân tay để có chi phí chi tiêu. Nhưng cũng có không ít sinh viên "hầu bao" rủng rỉnh nhờ có phương pháp tăng thu nhập, quản lý tài chính hiệu quả.
Đó là câu chuyện của em Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên Đại học Minerva (nước Mỹ) - ngôi trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất thế giới. Dù học tập tại môi trường đổi mới bậc nhất nhưng Ánh Tuyết chẳng nặng gánh nỗi lo tiền bạc. Tuyết sẵn sàng chi trả số tiền lớn để mua sắm những thiết bị học tập, làm việc tốt nhất và đầu tư cho những chuyến du lịch vòng quanh thế giới ngắn ngày.
Hãy cùng trò chuyện với Ánh Tuyết để hiểu rõ về phương pháp tạo thêm thu nhập mà vẫn đảm bảo việc học tập tại trường. Nữ sinh luôn giữ vững phong độ, đạt GPA cao ở các kỳ học dù làm nhiều việc cùng một lúc.
Làm thêm từ năm lớp 10, khi lên Đại học đã có kha khá kinh nghiệm
- Em bắt đầu đi làm thêm từ khi nào và công việc cụ thể là gì?
Em bắt đầu công việc làm thêm từ cuối năm lớp 10, khi còn đang học cấp 3. Công việc khi đó của em là dạy kèm môn Toán cho cháu của cô giáo chủ nhiệm. Cuối tháng, cô giáo đưa em 1,5 triệu đồng. Số tiền này đối với một học sinh cấp 3 quả thực rất lớn khi chưa có bằng cấp và kinh nghiệm. Đây là tiền lương đầu đời mà em nhận được nên nó có ý nghĩa lớn lao, khiến em vô cùng hạnh phúc và hãnh diện.
Về công việc, em dạy học cho một em nhỏ sắp lên lớp 8. Em ấy bị mất gốc khiến công việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Việc dạy học rèn cho em tính kiên nhẫn, kiên trì và luôn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
Sau 1 năm, cô chủ nhiệm thông báo em ấy đạt điểm tổng kết hơn 9.0 môn Toán (điểm cao nhất lớp). Em biết rằng thời gian em giảng dạy em ấy chưa đủ nhiều nhưng em vui vì mình có đóng góp nhỏ vào thành tích ấy.
- Những công việc tiếp theo mà em đã làm trong quá trình học đại học là gì? Em có cùng một lúc làm nhiều việc không và mức thu nhập ra sao?
Bước vào năm nhất đại học, em vẫn tiếp tục công việc giáo dục, cố vấn chiến lược cho học sinh cấp 3 tham gia các cuộc thi học thuật quốc tế và thực hiện các dự án xã hội. Công việc này giúp em có 50 USD/giờ sau thuế.
Vì ngành học tại đại học là Kinh doanh nên em đã đi thực tập liên quan đến ngành học để có thêm kinh nghiệm. Thời gian đầu, em sống ở Việt Nam nhưng vẫn có thể thực tập cho các công ty Mỹ với mức lương 30 USD/giờ sau thuế. Công việc giúp em linh hoạt về thời gian, có thể làm thêm những việc khác, giảm được các chi phí như: Thuê nhà, đi lại, ăn uống… mà nếu em thực tập trực tiếp ở Mỹ sẽ không tiết kiệm được. Tất cả các công việc chiếm khoảng 50 giờ/tuần, giúp em có thu nhập ổn định.
Dạy học, cố vấn cho học sinh và thực tập tại công ty chỉ là 2 trong số nhiều công việc của em. Em luôn làm một lúc rất nhiều việc vì không muốn bỏ phí thời gian. Hiện tại em vẫn là sinh viên đại học toàn thời gian, một người trẻ thích nghiên cứu và tham gia các khóa học, quản lý các dự án xã hội. Nhưng bên cạnh đó, em là quản lý một doanh nghiệp xã hội nhỏ, làm thêm công việc bán thời gian, thực tập tại hai công ty cùng lúc.
Làm nhiều việc cùng một lúc nên dĩ nhiên em cũng có khoảng thời gian rơi vào stress (căng thẳng). Nhưng em vẫn nỗ lực vượt qua vì tất cả đều là những công việc em yêu thích. Em làm việc với tinh thần học hỏi là chính và không đặt nặng vấn đề tài chính vì em có học bổng ở trường đại học.
Phân chia tài chính và cân bằng thời gian để cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn
- Em phân chia như thế nào với số tiền kiếm được? Em có đầu tư vào các lĩnh vực khác để tạo thêm nguồn thu nhập không?
Em nghĩ rằng quản lý tài chính cá nhân không chỉ dừng lại ở việc quản lý chi tiêu mà còn phải để số tiền kiếm được giúp bản thân và những người xung quanh hạnh phúc một cách lâu dài, bền vững.
Với bản thân, vì học phí và tiền ăn ở đã có học bổng nên em dành phần lớn cho việc học thêm các kiến thức và trải nghiệm mới. Em thường xuyên mua các khóa học online và học thêm chứng chỉ. Trong xã hội ngày càng đề cao kiến thức liên ngành, dù học kinh doanh thì em vẫn học thêm kiến thức ở các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, để quản lý thời gian và làm việc hiệu quả hơn, em mua thêm các công cụ giúp quá trình làm việc trở nên nhanh gọn. Chẳng hạn, em sẵn sàng chi trả số tiền lớn mua laptop và iPad mà em ưng ý nhất. Với lợi thế được đi nhiều nước trong 4 năm học, em cũng tranh thủ "mua" những trải nghiệm mà chỉ ở đất nước đó mới có, "làm giàu" thêm kiến thức về văn hóa, con người. Em không đầu tư vì chưa tự tin với kiến thức tài chính. Và em nghĩ dành phần lớn thu nhập cho bản thân cũng là một dạng đầu tư cho tương lai.
Về gia đình, em không dành nhiều số tiền kiếm được để biếu bố mẹ như người khác. Bởi khi em biếu tiền hay tặng quà cho bố mẹ đều bị mắng. Bố mẹ sợ em làm nhiều vất vả nên luôn dặn em làm ít việc để có thời gian cho bản thân. Vì thế, thay vì đưa tiền thẳng cho bố mẹ để nghe sự than phiền thì giờ em sẽ trích tiền kiếm được cho các công tác xã hội. Em luôn dành một quỹ nhỏ hàng năm để giúp những người yếu thế. Đây cũng là điều ý nghĩa mà bố mẹ luôn mong em thực hiện.
- Vậy đâu là cách em cân bằng thời gian giữa việc đi làm, đi học và giải trí?
Em chưa bao giờ nghĩ mình có thể cân bằng thời gian giữa việc đi làm, đi học và giải trí. Bởi sẽ luôn có những giai đoạn, em phải dành rất nhiều thời gian để học và làm, đánh đổi bằng việc ngủ ít đi và ít có thời gian cho gia đình. Tất nhiên, sau khi qua giai đoạn bận rộn nhất, em sẽ đi du lịch và không hề làm việc.
Em nghĩ lý do nhiều người muốn cân bằng những khía cạnh trong cuộc sống là vì mưu cầu hạnh phúc. Với nhiều người, việc dành ít nhất 30 phút 1 ngày tạm xa công việc giúp hồi phục sức khỏe tinh thần sẽ mang lại hạnh phúc hơn. Còn với em, hạnh phúc của em là được làm những công việc yêu thích.
Ở giai đoạn đầu, không phải ai cũng may mắn được quyền lựa chọn làm công việc mình yêu thích. Nhưng bằng sự cố gắng không ngừng, những ngày "không hề cân bằng", năng lực cao hơn sẽ giúp ta có thêm nhiều lựa chọn.
- Có 2 ý kiến cho rằng: "Sinh viên đi làm thêm rất tốt vì sẽ tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường" và "Sinh viên đi làm thêm từ sớm nhận được nhiều lợi ích nhưng cũng đánh mất nhiều thứ như: Thời gian, sức khỏe, ảnh hưởng đến việc học,…". Em suy nghĩ gì về tranh cãi trên?
Em nghĩ đi làm thêm, đi thực tập sớm là một dạng đầu tư cho tương lai. Sinh viên phải chấp nhận mất mát mới được nhận trái ngọt sau này. Sẽ thật khó để không cần mất thời gian, sức khỏe, giải trí, tụ tập với bạn bè mà vẫn có nhiều kinh nghiệm giúp ích cho công việc tương lai. Điều quan trọng là các bạn xác định được mục tiêu, những kỹ năng còn thiếu và tập trung vào những công việc giúp ích cho tương lai nhất để đỡ phí phạm thời gian vào những việc không mang lại hiệu quả lớn.
Chẳng hạn, để trở thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Mỹ, ứng viên cần có điểm số ở đại học cao cùng các kinh nghiệm nghiên cứu, thể hiện năng lực học thuật và đam mê nghiên cứu. Tuy vậy, nếu sinh viên dành quá nhiều thời gian làm các việc không có tiềm năng giúp ích cho nghiên cứu khoa học và ảnh hưởng đến việc học trên lớp thì sẽ là điều rất đáng tiếc.
- Theo em, các bạn trẻ sau khi kiếm được tiền có nên đầu tư không và đầu tư dưới hình thức nào? Có điều gì lưu ý để tránh rủi ro?
Em nghĩ các bạn trẻ có rất nhiều hình thức đầu tư với độ rủi ro khác nhau: Đầu tư chứng khoán, đầu tư vào mở công ty,... Với em, em nghĩ đầu tư vào bản thân là hình thức đầu tư hạn chế rủi ro nhất trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều biến động tại Việt Nam. Đặc biệt là khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có khả năng chịu trách nhiệm cho những thất bại lớn.
Cách viết hồ sơ xin việc khiến nhà tuyển dụng không thể chối từ
- Em có thể chia sẻ tới các bạn cách viết CV xin việc đảm bảo sự chuyên nghiệp không?
Có một sự thật là trong những công việc em làm, không có công việc nào em phải nộp đơn xin việc thông thường. Em thường được giới thiệu hoặc mời vào làm thẳng. Tuy vậy, trước đó em cũng có tích lũy cho mình những kinh nghiệm nhỏ dưới đây:
Điều đầu tiên là cần phân biệt khi nào dùng Curriculum Vitae (CV) và khi nào dùng Resume (bản giới thiệu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc). Điều này sẽ giúp ích khi ta băn khoăn về độ dài của nội dung. Nhà tuyển dụng có rất ít thời gian để đọc hồ sơ từng ứng viên. Vì thế Resume quá dài sẽ khiến kinh nghiệm quan trọng nhất không được nổi bật.
Trong khi CV có thể dài từ 2-4 trang hoặc không giới hạn, phụ thuộc vào kinh nghiệm thì Resume thường giới hạn ngắn gọn lại 1 trang hoặc có thể 2 trang. Tuy vậy, Resume thì được dùng hầu hết trong các ngành nghề, còn CV thường dùng cho các trường hợp học thuật, ví như xin học bổng nghiên cứu sinh, quỹ nghiên cứu, công việc giảng dạy,…
Em sẽ tập trung vào một số quy tắc cơ bản cho Resume vì nó thông dụng hơn.
- Resume cần đảm bảo sự chỉn chu. Đây là điều rất cơ bản nhưng chỉ vì không cẩn thận mà nhiều bạn để mất ấn tượng đầu tiên trong mắt nhà tuyển dụng. Để khắc phục điều này, các bạn cần lưu ý:
+ Kiểm tra thật kỹ để đảm bảo không viết tắt, viết sai chính tả, kiểu chữ dễ đọc, cỡ chữ vừa phải, trình bày thoáng.
+ Nhất quán về hình thức và nội dung.
+ Cần gạch chân, in nghiêng, in đậm, và viết hoa để nhấn mạnh nhưng không lạm dụng.
+ Đảm bảo Resume dưới dạng pdf và không có lỗi định dạng khi chuyển sang file pdf.
- Về nội dung, Resume thường có những nội dung chính như: Thông tin cá nhân (Personal Information), Học vấn (Education), Kinh nghiệm làm việc (Work Experience), Hoạt động ngoại khóa (Extra-curricular activities), Thành tựu (Honors and Awards), Các kỹ năng bổ trợ và liên quan (Additional skills). Tùy vào hồ sơ từng bạn mà độ dài của mỗi phần sẽ khác nhau.
Ví dụ có bạn đã nhiều kinh nghiệm làm việc liên quan đến vị trí mà cảm thấy không còn chỗ cho phần hoạt động ngoại khóa trong Resume 1 trang thì có thể bỏ qua phần này. Với những bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc tại các công ty thì có thể dùng hoạt động ngoại khóa ở các dự án, câu lạc bộ như kinh nghiệm làm việc.
- Đi vào chi tiết hơn, khi miêu tả các thành tích và hoạt động trong phần Kinh nghiệm làm việc (Work Experience) và Hoạt động ngoại khóa (Extra-curricular activities), hãy:
+ Liệt kê thông tin theo trình tự thời gian đảo ngược (gần đây nhất trước).
+ Mô tả kỹ năng và kết quả thu được dưới dạng gạch đầu dòng, thường từ 2 - 4 gạch đầu dòng cho mỗi kinh nghiệm. Mỗi dòng nên là một cụm từ chứ không phải là một câu đầy đủ.
+ Bắt đầu mỗi dòng bằng một động từ hành động (action verb), dưới dạng chủ động (active), thay vì bị động (passive). Để tham khảo, các bạn có thể dễ dàng tìm được những động từ hành động (action verb) theo chủ đề trên Google khi tra "resume action verbs".
+ Giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ về kỹ năng của ứng viên bằng các thành tựu đo lường được, tức dùng các con số và miêu tả cụ thể khi có thể. Ví dụ thay vì nói "Tăng doanh số cho công ty", hãy nói "Tăng doanh số công ty lên hơn 200% bằng cách thu thập và xử lý 3000+ dữ liệu để tìm hiểu hành vi khách hàng và tăng độ hài lòng khách hàng thêm hơn 30%".
+ Dành nhiều thời gian để đọc kỹ mô tả công việc (Job Description) để tìm ra các từ khóa (key words) về những kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm. Sau khi đã có các từ khóa, hãy lựa chọn kinh nghiệm phù hợp với công việc nhất, cố gắng điều chỉnh mô tả các kinh nghiệm dựa trên các từ khóa để nhà tuyển dụng dễ dàng nhìn ra những kỹ năng phù hợp mà ứng viên có cho công việc.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, các công ty lớn thường dùng Hệ thống Quản trị Tuyển dụng (Applicant Tracking System - ATS) - phần mềm giúp đọc Resume và tìm ra ứng viên phù hợp bằng các từ khóa. Vì vậy, nếu Resume không có những từ khóa mà nhà tuyển dụng đưa vào trong hệ thống, rất có thể Resume của ứng viên sẽ bị loại ngay. Hãy tận dụng những công cụ miễn phí sẵn có trên Google để biết được độ tương thích của Resume với những từ khóa trong bản mô tả công việc, tránh bị loại vì ATS nhé.
Cuối cùng, đừng quên viết một lá thư xin việc (Cover Letter) chuyên nghiệp và thuyết phục. Thư xin việc sẽ giúp ứng viên thể hiện được niềm yêu thích của ứng viên với công việc và với công ty, một cơ hội để thuyết phục nhà tuyển dụng về sự phù hợp của ứng viên.
- Thời gian tới, dự định của em là gì? Em có mở rộng phạm vi công việc không?
Thời gian tới, em vẫn sẽ tiếp tục những công việc hiện tại. Em nghĩ phạm vi công việc hiện tại của em đủ rộng để em học thêm những kiến thức mới và đủ sâu để trau dồi những kiến thức đã có. Em muốn đảm bảo chất lượng công việc, nâng cao những kỹ năng hiện có trước khi tự khiến mình quá tải vì ôm đồm nhiều việc.
Ảnh: NVCC