Học sinh làm đổ chai nước của bạn nhưng không chịu xin lỗi, cô giáo có cách xử lý đáng đưa vào sách giáo khoa
Lời xin lỗi nếu phát ra một cách chân thành và có hiệu quả có thể hóa giải nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, với người lớn, nói lời xin lỗi đã khó thì với trẻ nhỏ càng khó hơn, bởi trẻ thường rất bướng bỉnh hoặc ngại ngùng.
Một cô giáo ở Mỹ mới đây chia sẻ tình huống khá khó xử: Học sinh nam trong lớp cô đã làm đổ chai nước của bạn nữ bàn bên cạnh, nước văng tung tóe ra khắp sàn nhà. Nhưng khi được cô giáo yêu cầu xin lỗi, cậu bé cúi gằm mặt, lấy hết can đảm từ chối và nói rằng mình nhất định sẽ không làm điều đó. Khi giáo viên nhắc lại, học sinh này thậm chí còn phản ứng dữ dội hơn. Có thể hình dung rằng đứa trẻ thực sự không muốn xin lỗi một cách chân thành vào thời điểm đó.
Cô giáo cho rằng, điều này cũng phản ánh sự thiếu hụt của trẻ về giáo dục kỹ năng xã hội, chẳng hạn như đối phó với sai lầm của chính mình một cách tích cực, quan sát cảm xúc của người khác và thể hiện chính xác cảm xúc bản thân. Vì vậy, giáo viên này đã quyết định áp dụng một số chiến lược nhỏ để cho trẻ biết tầm quan trọng của việc học cách "xin lỗi".
Sai lầm không đáng sợ, lời xin lỗi không đáng xấu hổ
"Dựa trên những quan sát của tôi về học sinh này, không phải con không biết mình đã làm sai điều gì, mà là không muốn nhận lỗi vì sợ mất mặt. Trong lớp chúng tôi, có một số em cũng đã khóc vì đã gây ra những lỗi rất nhỏ vì các em không dũng cảm đối mặt với khuyết điểm của mình", cô giáo chia sẻ.
Vì vậy, cô quyết định tổ chức một lớp giáo dục trí tuệ cảm xúc về "chấp nhận sai lầm và chấp nhận sự không hoàn hảo" trong lớp học. Chủ đề của lớp học này là: "Mắc lỗi cũng không sao". Cả lớp đã cùng nhau tạo một Biểu đồ chữ T. Phía bên trái của biểu đồ chữ T là cột lỗi và phía bên phải là cột hiệu chỉnh. Mục đích ở đây là để trẻ biết rằng khi nhận ra mình mắc lỗi thì dũng cảm nhận lỗi, không có gì mất mặt.
Cô quyết định làm gương và ghi những lỗi mình thường mắc phải vào biểu đồ chữ T, chẳng hạn như: Tôi gọi nhầm tên trẻ, tôi vô tình viết sai từ. Chẳng mấy chốc, những đứa trẻ thấy rằng giáo viên có thể chân thành nhận lỗi và chúng đều muốn viết lỗi của mình lên đó.
"Trước mỗi giờ học, nhìn vào biểu đồ chữ T có nhiều "lỗi" và "sửa", tôi hỏi học sinh: "Thầy cô cũng mắc lỗi. Có phải ai cũng mắc lỗi không? Chúng em có tiến bộ nhờ sửa lỗi không?". Học sinh nói trong đồng thanh: "Vâng!". Thông qua hoạt động này, trẻ dần hiểu rằng phạm sai lầm không có gì đáng sợ cả, vì nó có thể giúp chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình", cô giáo nói.
Cách dạy trẻ xin lỗi
Sau khi trẻ đã nhìn nhận đúng và nhận lỗi, làm thế nào để hướng dẫn trẻ nói lời xin lỗi sao cho hiệu quả và chân thành? Theo cô giáo, chỉ nói "Tôi xin lỗi" đôi khi là không đủ. Sau đây là phương pháp xin lỗi bốn giai đoạn thường được sử dụng bởi các giáo viên Mỹ:
1. Tôi xin lỗi...
Giải thích những gì bạn đã làm sai. Nội dung xin lỗi cần cụ thể như: Xin lỗi, tôi làm rơi chai nước của bạn.
2. Làm việc này không tốt cho bạn vì...
Trong giáo dục EQ, chúng ta cần nuôi dưỡng "sự đồng cảm" của trẻ: Đặt mình vào vị trí của người khác. Hãy nghĩ xem những gì bạn đã làm có gây rắc rối cho người khác hay khiến bạn bè buồn không. Khi xin lỗi, bạn có thể nói: Thật tệ là tôi đã làm rơi chai nước của bạn, vì hôm nay bạn sẽ không có nước để uống và bạn sẽ rất khát.
3. Trong tương lai tôi sẽ...
Sử dụng ngôn ngữ tích cực và nói cho người khác biết phải làm gì. Ví dụ: Tôi sẽ nhìn kỹ hơn khi chạy nhảy sau này, hy vọng sẽ không gây ra sai lầm như thế này nữa.
4. Tôi có thể yêu cầu bạn tha thứ cho tôi không?
Dù đối phương có thể tha thứ hay không, chúng ta cũng nên hỏi một cách chân thành.