Nữ hộ sinh ngăn thai nhi chào đời để cứu mạng trẻ
Sản phụ chuyển dạ vỡ ối nhưng bị sa dây rốn khiến thai nhi đối mặt với nguy cơ tử vong. Trong quá trình chuyển đến bệnh viện cấp cứu, nữ hộ sinh đã phải đẩy thai nhi lên và giữ trong bụng mẹ.
Ngày 31/5, BS Huỳnh Thị Đào, Trưởng khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời cấp cứu cho mẹ con sản phụ H.T.L. (40 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM).
Theo bệnh sử, sản phụ mang thai lần thứ 5, khi tuổi thai được 38 tuần, chị L. chuyển dạ, vỡ ối được người nhà gọi xe cứu thương chuyển đến bệnh viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân, ê kíp cấp cứu ngoại viện ghi nhận, sản phụ đã vỡ ối hoàn toàn, cổ tử cung mở 8cm. Thai ngôi đầu nhưng bị sa dây rốn trong âm đạo của người mẹ.
Tình trạng sa dây rốn trong âm đạo khiến dây rốn bị chèn ép, máu từ người mẹ cung cấp qua dây rốn cho thai nhi bị ngắt quãng. Tình trạng trên khiến thai nhi đối mặt với nguy cơ tử vong trong thời gian chỉ tính bằng phút.
Để cứu sinh mạng của thai nhi, trong quá trình chuyển sản phụ đến bệnh viện cấp cứu, nữ hộ sinh đã mang găng vô trùng đẩy đầu thai nhi lên giữ trẻ trong bụng mẹ để tránh gây chèn ép dây rốn dẫn đến suy thai cấp.
Trước tình huống khẩn nguy mẹ con sản phụ phải đối mặt, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, huy động nhân sự chuyên môn cùng trang thiết bị mổ lấy thai cấp cứu. Chỉ trong vòng 3 phút sau khi gây mê cho người mẹ các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc mổ bắt con, giúp bé trai cân nặng 3kg chào đời an toàn. Hiện sức khỏe của mẹ con sản phụ đã ổn định, đang được bác sĩ tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ Đào cho biết: “Sa dây rốn là một trường hợp cấp cứu tối khẩn trong sản khoa. Những trường hợp có nguy cơ sa dây rốn gồm sản phụ bị đa ối, thai to, ngôi không thuận. Tình trạng sa dây rốn nếu không được xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong thai sẽ xảy ra rất nhanh. Trong những trường hợp này, phẫu thuật cứu thai nhi là giải pháp tối ưu nhất”.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ khi mang thai cần đi khám định kỳ. Những trường hợp có nguy cơ sa dây rốn cần được theo dõi kỹ lưỡng, tránh để nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.