NSND Thanh Hoa kể: Tôi đang hát thì có người kêu lớn 'đau lắm, có im đi không'
“Có một thương binh quê Bắc Ninh yêu cầu tôi hát bài Người ơi người ở đừng về, nhưng tôi vừa hát, một anh khác kêu lớn: Đau lắm, có im đi không" - NSND Thanh Hoa kể.
NSND Thanh Hoa bén duyên với âm nhạc từ năm 9 tuổi. Đến nay, nữ nghệ sĩ có gần 6 thập kỷ cống hiến cho âm nhạc. Tên tuổi của bà gắn liền với nhiều ca khúc đình đám: Làng lúa làng hoa, Tàu anh qua núi…
Chia sẻ trong chương trình Khách sạn 5 sao , nữ nghệ sĩ tiết lộ, bản thân bà từng không nghĩ bản thu đơn ca Làng lúa làng hoa sẽ nổi tiếng: “Khi bắt đầu thu thanh, tôi dự định hát lĩnh xướng cùng tốp nữ. Nhưng hôm đi thu thì có 2 nữ diễn viên hát bè gặp sự cố không hát được nên anh Đặng Hùng – trưởng đoàn ca nhạc – đề nghị tôi đơn ca. Tôi cũng không nghĩ là bản thu đó sẽ nổi tiếng như vậy”.
Bản thu này của NSND Thanh Hoa nổi tiếng đến mức khán giả chỉ nhớ tới việc bà đã thể hiện ca khúc mà quên tên của bà: “Dần dần, có những người thấy tôi đến, người ta bảo nhau: Làng lúa làng hoa kìa. Kể từ năm 1978 đến gần 20 năm sau, cứ mỗi dịp Tết đến, trên các loa phường, loa xã… đều phát ca khúc này”.
Nữ nghệ sĩ cũng hài hước tiết lộ, khi thể hiện ca khúc này, bà cho rằng nhạc sĩ Ngọc Khuê phải là người rất đẹp trai: “Tôi cứ nghĩ tác giả Ngọc Khuê sáng tác được những lời ca đẹp như vậy thì phải đẹp trai lắm. Dù rất mong được gặp tác giả bài hát đó nhưng phải 5 năm sau vô tình đến Đài tiếng nói Việt Nam, tôi mới được giới thiệu với anh Ngọc Khuê.
Lúc đấy tôi ngạc nhiên lắm vì anh ấy không đẹp trai như trong tưởng tượng của tôi. Anh Ngọc Khuê cũng ngỡ ngàng, vì anh nghĩ tôi sở hữu tiếng hát cao, mảnh như vậy thì phải xinh lắm. Thế là cả hai anh em tôi đều thất vọng vì nhan sắc của nhau”.
NSND Thanh Hoa cũng có duyên được biểu diễn cho thương binh ở Quảng Trị vào năm 1974: “Hôm đó có một thương binh quê Bắc Ninh yêu cầu tôi hát bài Người ơi người ở đừng về.
Nhưng vừa hát thì một anh khác kêu lớn: Đau lắm, có im đi không. Tôi vội đến xem thì thấy cánh tay của anh đã bị thương rất nặng, phải chờ về trạm cứu thương để cưa đi.
Nhìn cảnh ấy tôi đã khóc. Nhưng tôi vẫn phải vừa hát phục vụ các anh thương bệnh binh khác vừa nhìn sự đau đớn của người thương binh này. Sau đó, mỗi lần hát những bài kỷ niệm về chiến trường, hình ảnh đó lại hiện về khiến tôi không quên được”.
Nhắc tới sự nghiệp của mình, NSND Thanh Hoa cho hay bà sở hữu “gia tài” khổng lồ: “Khi đi hát, tôi không nghĩ mình sẽ nổi tiếng đâu. Tôi công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam trong 35 năm và 7 tháng, mỗi tuần đi thu 2 buổi, mỗi buổi thu 2-3 bài.
Tính ra tôi đã có gần 500 bài đơn ca, tính cả lĩnh xướng, đồng ca, tốp ca… có lẽ tôi đã hát tới hàng nghìn bài”.
Nữ nghệ sĩ thừa nhận, dù nhiều lần hứa với gia đình sẽ không đi hát nữa nhưng bà không thực hiện được. Gia đình nữ nghệ sĩ khá đặc thù, vợ là ca sĩ, chồng là nghệ sĩ xiếc nên có nhiều khoảnh khắc rất thú vị.
Con trai của nữ nghệ sĩ – ca sĩ Thất Sơn cho biết, anh ngủ ở sân khấu nhiều hơn ở nhà: “Hồi bé, phần lớn tôi ngủ ở sân khấu và cánh gà. Mẹ diễn ở ngoài, tôi sẽ ngủ bên cạnh chú đánh trống”.
NSND Thanh Hoa thừa nhận: “Tôi đi hát ở đâu là có chồng đi cùng, tôi hát thì chồng trông con còn anh ấy diễn thì tôi trông. Một lần tôi đang hát rất phiêu thì khán giả cười ồ lên. Thì ra lúc đó con trai tôi đã tỉnh dậy, mặc quần đùi áo may-ô bước ra”.
Đến thời điểm hiện tại, con trai của NSND Thanh Hoa cũng nối nghiệp mẹ trở thành ca sĩ. Nữ nghệ sĩ bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi được trở thành đồng nghiệp với con trai.