NSND Như Quỳnh tiết lộ chuyện "say nắng"
"Chồng tôi không cười cợt, cũng không ghen. Anh ấy hiểu rằng, khi tôi đã kể ra thì có nghĩa là mình đã bước qua ra khỏi "cơn say nắng" đó và chẳng có gì xảy ra cả..."
Tôi có thói quen cổ lỗ sĩ
Trong một bài phỏng vấn gần đây, diễn viên Thành Lộc đã hết lời khen ngợi cô...
Trời ơi, đừng có nghe diễn viên nói.
Nhưng anh Thành Lộc có kể rằng, dù chỉ xuất hiện ở vị trí background trong khuôn hình như cô luôn có mặt tại trường quay đúng giờ, hóa trang kỹ lưỡng và có khi chờ đợi cả ngày để được quay mà không một lời kêu ca.
Đấy là nghề nghiệp mà. Thành Lộc khen tôi vậy nhưng bản thân Lộc cũng thế thôi.
Tôi bị tính vậy. Khi đã gật đầu đồng ý thì mình phải làm hết trách nhiệm. Với cái gì cũng vậy. Kể cả trong những buổi hẹn tới phỏng vấn như thế này thì tôi cũng đến đúng giờ. Các diễn viên bao giờ cũng tạo ra cái gì đó để người khác phải chờ đợi. Tôi không thích như vậy. Tôi thích sự nghiêm chỉnh, không cần phải màu mè gì cả.
Ở Việt Nam, lượng phim truyền hình nhiều trong khi diễn viên không đủ. Do đó, nó tạo cho diễn viên suy nghĩ người ta cần họ, họ là ngôi sao và thói quen trễ giờ để người khác phải chờ đợi. Một diễn viên đi muộn, cả đoàn đừng chờ. Ba bốn trăm người chờ một người, như thế đứng về khía cạnh đạo đức của không chỉ là diễn viên mà còn là một người bình thường thì cũng khó chấp nhận được.
Vẻ đẹp đằm thắm và sang trọng của Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh
Đúng như cô nói, thói quen trễ giờ của các nghệ sĩ, đặc biệt là của các "ngôi sao" là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi nhưng chẳng thay đổi được gì. Cô đến sớm thì cũng phải đợi họ thôi. Vậy có khi nào cô nghĩ rằng, thôi đằng nào cũng thế, mình đi muộn cho rồi?
Có chứ, rất nhiều lần chứ không chỉ một lần đâu, thậm chí tôi còn hứa rằng, lần sau mình cũng đến muộn, để mọi người phải chờ nhưng mà tôi có thói hơi cổ lỗ sĩ, thói hơi xấu là cuối cùng thì mình cũng vẫn đến đúng giờ. Nó thành thói quen rồi, không sửa được.
Diễn viên nào cũng rất mong manh
Được làm việc nhiều với các đạo diễn cả trong lẫn ngoài nước. Cô nhận xét thế nào về cách làm việc giữa họ với các diễn viên trong đoàn phim?
Đạo diễn lúc nào cũng muốn dành cho diễn viên điều kiện làm việc tốt nhất nhưng đạo diễn Việt Nam thiếu thốn nhiều quá, thiếu thốn không chỉ về tiền bạc, phương tiện mà cả về mặt nghề nghiệp. Họ không được đào tạo một cách bài bản. Họ không được thăng hoa một cách tốt nhất, vẫn bị kiểm duyệt, vẫn bị cắt xén cảnh này cảnh nọ. Những cái đó gây ra sự ức chế và bào mòn khả năng sáng tạo của đạo diễn. Đạo diễn nước ngoài có đầy đủ mọi thứ. Họ muốn cái này thì nhà sản xuất phải cung cấp cho họ. Khi họ ra hiện trường thì tất cả các bộ phận khác phải dành cho đạo diễn, diễn viên một khoảng yên lặng tối thiểu để người ta làm việc.
Diễn viên Thành Lộc có nói rằng, khi diễn viên diễn không đạt, các đạo diễn Việt kiều hoặc nước ngoài sẽ tìm cách góp ý riêng hoặc rất tế nhị với các diễn viên, còn đạo diễn VN thì thường hét toáng lên, điều này có đúng không thưa cô?
Đấy là văn hóa. Người Việt Nam thì văn hóa ứng xử chưa được hoàn thiện lắm. Cái đó có thể thông cảm được, nhưng đứng về mặt nghệ thuật thì khi người diễn viên họ thể hiện như thế nào đi chăng nữa thì đó cũng làm cảm xúc của họ. Có thể chưa hoàn thiện, chưa tốt thì đạo diễn phải bàn bạc, trao đổi với họ để tìm một cách thể hiện khác, hoặc người đạo diễn phải đưa ra những chỉ dẫn nào đó để người diễn viên làm theo, không bao giờ được chê người diễn viên ngay tại hiện trường. Đó là điều cấm kỵ. Nó làm tổn thương tới người diễn viên. Nếu như anh nói như thế thì người diễn diễn viên cụt hứng ngay và họ sẽ không diễn được nữa. Nếu là tôi, tôi sẽ bỏ đi chỗ khác.
Nổi tiếng với vẻ đẹp quý phái nhưng NSND Như Quỳnh không ngại làm xấu mình để hoàn thành các vai diễn
Thế trên thực tế, cô đã gặp trường hợp nào như thế chưa?
Đạo diễn Trần Anh Hùng rất tế nhị khi làm việc với các diễn viên nhưng khi thực hiện bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng, vì quá bực mình khi người vợ của anh cũng là một diễn viên trong phim đã không thể hiện được mong muốn của anh ta. Anh ta không mắng mỏ đâu nhưng đập bàn rất mạnh và đá gần đổ cái tủ. Người vợ của Trần Anh Hùng không nói gì nhưng tôi và Lê Khanh là hai người đóng chung với cô ấy cảnh đó đã hết hồn. Bọn tôi chưa bao giờ bị như vậy. Mặc dù anh ta không mắng mình nhưng chúng tôi tủi thân quá, không thể diễn được. Chúng tôi đã chạy ra ngoài và khóc. Sau đó đạo diễn Trần Anh Hùng đã phải ra xin lỗi
Người diễn viên nào cũng thế. Họ rất mong manh. Nếu như họ được nâng niu, trân trọng, họ sẽ rất thăng hoa trong nghệ thuật. Nếu không tôn trọng, họ sẽ buông lơi hết, diễn cho có chứ không ra một cái gì cả.
Đã từng "say nắng"
Trong Ngọc Viễn Đông, cô vào vai một phụ nữ lớn tuổi vướng vào mối tình với một chàng trai trẻ. Cô có thể chia sẻ về vai diễn này không?
Trước tiên, phải nói rằng người phụ nữ trong Ngọc Viễn Đông là một người vợ hết lòng vì gia đình, vì chồng con. Bà ta lặn lội lên Sapa thăm chồng nhưng hết lần này tới lần khác, người chồng lại cố tình đẩy bà ta khỏi vòng tay của mình.
Bộ phim có một cái kết mở. Người phụ nữ rơi vào vòng tay chàng trai trẻ trên chuyến tàu trở về Hà Nội và sau đó chuyến tàu cứ đi. Có thể, cuộc đời của bà ta cũng sẽ trôi theo chuyến tàu đó nhưng cũng có thể bà ta sẽ quay lại với gia đình. Mỗi khán giả xem phim sẽ có một cái kết cho riêng mình. Tuy nhiên, ngay từ đầu phim, khi chàng trai trẻ có cái gì đó quyến luyến với bà ta thì bà ta luôn tìm cách kìm nén, từ ánh mắt tới những cái cầm tay. Thực sự bà ta rất muốn giữ chặt bàn tay của chàng trai nhưng cuối cùng thì bà lại luôn tìm cách đẩy ra. Đến cái chợ tình cũng thế, một nụ hôn vội vàng nhưng bà cũng tìm cách cách thoát ra khỏi cám dỗ đó. Luôn luôn là như thế. Tôi nghĩ rằng, cái kết sẽ là người đàn bà này quay về với cuộc sống, với gia đình của mình.
NSND Như Quỳnh trong phim Ngọc Viễn Đông
Đó có vẻ là một cái kết quen thuộc, người phụ nữ luôn luôn cam chịu, kể cả khi những người đàn ông, giống như người chồng trong phim đi theo tình nhân?
Người phụ nữ Phương Đông nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn luôn thế, cam chịu và hi sinh cho chồng con. Cái đấy tôi cho là một điều nhân bản và đáng quý. Biết đâu đấy, với sự cam chịu tha thứ của bà ta biết đâu người chồng sẽ nhận ra vợ của mình đáng quý, là hòn ngọc luôn bên cạnh mình. Họ lại tỉnh lại và sẽ quay đầu trở về thì sao?
Biết đâu có nghĩa là 50/50 đúng không cô? Người chồng có thể sẽ quay về hoặc có thể vẫn tiếp tục chạy theo các cô nhân tình khác. Còn đời người phụ nữ thì sẽ trôi đi và không bao giờ lấy lại được?
Đúng thế thật, nhưng thôi, chúng ta hãy cứ hi vọng vào một cái kết có hậu được không? Người ta nói rồi, phiêu lưu tình ái chỉ là cái cảm xúc nhất thời còn cuộc sống hôn nhân, tình cảm vợ chồng nó là sự vun đắp của rất nhiều năm, rất nhiều thăng trầm, đâu có dễ dàng đánh đổi được.
Trong suốt gần 30 năm của đời sống vợ chồng, hỏi thật, có khi nào cô có những phút giây "ngoài vợ ngoài chồng" không?
Có nhưng chỉ dừng lại ở mức độ "say nắng" thôi. Sau này tôi có kể lại cho chồng nghe.
Phản ứng của chồng cô khi đó như nào?
Chồng tôi không cười cợt, cũng không ghen. Anh ấy hiểu rằng, khi tôi đã kể ra thì có nghĩa là mình đã bước qua ra khỏi "cơn say nắng" đó và chẳng có gì xảy ra cả.
Thế còn chồng cô cũng đã khi nào say nắng người không phải là vợ mình chưa?
Anh ấy thì được cái không hay say nắng nhưng mà cũng có một lần đến ký túc xá của một cô gái dân tộc, đón cô ấy đến một triển lãm mà không cần biết vợ đến đó bằng cách nào. Tôi biết là anh ấy cảm thấy thú vị với người con gái này. Về nhà tôi cũng phải "đay" một tý. Tôi vừa đùa vừa thật hỏi rằng, hôm nay đi đón cô nào mà bỏ quên vợ thế. Sau đó tôi tỉ tê tâm sự để chồng hiểu ra.
Tôi được cái không hay nổi điên nhưng cũng không khéo lắm đâu. Sau khi tỉ tê thì mặt tôi cũng dằn dỗi đấy chứ, chỉ có điều, cái dằn dỗi của một người đàn bà phải là to tiếng hay cáu giận mà là sự im lặng, không nói chuyện với chồng khoảng vài ba ngày.
NSND Như Quỳnh: Không bao giờ được chê người diễn viên ngay tại hiện trường
Với điện ảnh, cô là một diễn viên được các đạo diễn yêu quý, trân trọng. Còn trong gia đình, cô có phải là một người vợ được chồng cưng chiều?
Không. Từ ngày xưa gái Đình Bảng (Bắc Ninh) khi lấy chồng là phải chuẩn bị tất cả mọi thứ, chăn màn quần áo còn trai Đình Bảng chỉ uống rượu, chơi bời, tán gẫu với bạn bè thôi. Ông chồng tôi là trai Đình Bảng đấy, tuy không đến mức như thế nhưng tất cả mọi việc trong gia đình đều do một tay vợ lo lắng. Từ chuyện bếp núc tới chuyện học hành của con cái, lo cho đứa này ốm, đứa kia đau. Muốn ông ấy giúp cái gì thì phải nói rõ ra chứ ông ấy không biết đâu. Khi đi đóng phim xa nhà, tôi cũng phải hẹn đồng hồ để thức dậy gọi điện về, đánh thức cô con gái thứ 2 đi học. Chuyện ăn uống, cơm nước cho cả nhà tôi cũng phải sắp đặt và dặn dò người giúp việc từ xa cả.
Tận sau này, khi hai vợ chồng cùng tham gia đoàn làm phim Ông chủ vườn thuốc và hai cô gái, tôi là diễn viên, còn anh ấy là nhiếp ảnh cho đoàn làm phim. Ở hiện trường của phim đó, diễn viên không được ngồi, lúc nào cũng phải đứng. Ăn trưa chỉ trong vòng một tiếng. Anh ấy biết hết, lúc đó sau này mới biết lo lắng, hỏi han cho vợ. Đến gần cuối cuộc đời mới được như thế đấy chứ không phải là đầu tiên đã được ngay. Nhiều lúc tôi hay nói đùa rằng chắc do số mình là ăn về hậu vận.
Phải lo lắng cho gia đình, chăm sóc chồng con, có khi nào cô nghĩ rằng, nếu mình không phải làm những việc đó, mình sẽ có cơ hội để thăng hoa hơn trong nghệ thuật không?
Không, đối với người phụ nữ, được lo lắng cho gia đình là một niềm hạnh phúc và chính niềm hạnh phúc đó sẽ khiến họ thăng hoa hơn trong nghệ thuật.
Vâng, xin cảm ơn cô về buổi trò chuyện!