Như Quỳnh: ‘Con gái Hà Nội vẫn kín đáo, nền nã’
Trong ngôi nhà gác 3 trên phố Hàng Đào, Như Quỳnh ngồi trên bộ ghế tre trước bức bình phong cũng bằng tre được điểm trang bằng giỏ mây, vòng bạc cổ thưởng thức tách trà nóng.
Từ người phụ nữ ngũ tuần toát lên vẻ đài các, đoan trang của con gái Hà Nội mà thời gian không thể xóa mờ.
Các con tôi nếu giữ lại được những phẩm chất tốt đẹp nào đó của người Hà Nội cũng là nhờ tôi đã được truyền lại từ mẹ tôi cách ứng xử, nữ công gia chánh. |
- Gần đây, chị làm mới mình bằng một loại dạng vai, khác hẳn hình mẫu người mẹ dịu dàng cam chịu từng một thời đóng đinh với chị. Nguyên nhân nào khiến chị có sự thay đổi này?
- Tôi cho rằng đây là những vai diễn hay, phù hợp với thực tế cuộc sống và cho người diễn viên cơ hội sáng tạo, làm mới mình. Trong bộ phim nhựa Vũ điệu đam mê sắp ra mắt, tôi hóa thân thành một nhân vật đặc biệt - ni cô trụ trì ở một ngôi chùa. Đây không phải lần đầu tiên tôi đóng vai ni cô, nhưng ở phim này, hình ảnh ni cô có rất nhiều thay đổi. Từ trước đến giờ, mọi người luôn nghĩ sư sãi là những người thoát tục không bao giờ để ý đến đời sống bên ngoài. Trong Vũ điệu đam mê, bà sư là người tiếp cận được đời sống, thấu hiểu được nỗi buồn, khát vọng của cô gái nhảy hip hop, từ đó giúp hàn gắn mối quan hệ cha con vốn rạn nứt trước đó, giúp cô tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Trong ngóc ngách tâm hồn của bà sư này có hơi thở của đời sống hiện đại.
Còn trong bộ phim truyền hình A2Z đang chiếu trên Rubic 8 - VTV3, tôi vẫn làm một bà mẹ Hà Nội yêu con, thương và chiều con nhưng hay áp đặt, thậm chí hơi đồng bóng, luôn bắt con cái tuân theo suy nghĩ của mình. Tôi rất thú vị khi đạo diễn tin cậy giao cho tôi một nhân vật khác dạng vai tôi hay thể hiện. Tôi cho rằng, típ những bà mẹ nhẫn nhục, cam chịu đã qua rồi. Thời buổi này không chỉ có lớp trẻ mà ngay cả những người phụ nữ trung niên cũng năng động hơn, tiếp cận với cuộc sống hiện đại bằng hành động và suy nghĩ. Trước A2Z, tôi đã làm phim Blog nàng dâu, vào vai một bà mẹ chồng nghiêm khắc khó tính, luôn uốn nắn con dâu nhưng cuối cùng cũng bị chinh phục bởi sự hiện đại của con cái, biết sử dụng máy tính, lập blog riêng để trò chuyện với mọi người. Đó là bộ phim đầu tiên tôi làm về mẫu phụ nữ Hà Nội ngày nay.
- Bản thân chị được coi là hình mẫu tiêu biểu cho phụ nữ Hà Nội. Theo chị, phụ nữ đất Tràng An xưa và nay khác nhau những gì?
- Cuộc sống bây giờ văn minh, hiện đại, người phụ nữ không thể nằm ngoài xu hướng chung. Trước đây những người phụ nữ Hà Nội sinh con, nuôi con, lo lắng cơm nước cho chồng, không đi làm việc, rất ít khi tiếp xúc đời sống xã hội. Ngày nay, phụ nữ không thua kém gì đàn ông, từ công việc trí óc như bác sĩ, doanh nhân đến những nghề đòi hỏi sức khỏe như vệ sĩ.
Hà Nội bây giờ không còn nguyên vẹn như cách đây 20 năm, mà là sự giao thoa của rất nhiều vùng miền. Những người con gái Hà Nội hiện nay trong cách đi lại, ăn mặc, nói năng đã có sự thay đổi. Nhưng tôi cho rằng, ẩn sâu bên trong, họ vẫn là những người vì gia đình, vẫn làm tròn trách nhiệm với những đứa con, vẫn bảo tồn được những giá trị Hà Nội mà bố mẹ từng nuôi dạy. Người Hà Nội thích bao bọc mình trong không gian gia đình. Bốn mùa thay đổi cũng khiến con người Hà Nội vẫn giữ được cho mình sự riêng tư. Điều này khác hẳn với Sài Gòn, nơi cách sống rộng mở, đường phố ồn ào, người ta thích tìm đến những không gian cộng đồng sôi động.
"Từ xưa đến nay, nét đẹp của người Hà Nội vẫn được bảo tồn. Thậm chí người phụ nữ còn phải để ý quan tâm nhiều hơn đến việc làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ vì cuộc sống thay đổi, tâm tính con trẻ đòi hỏi cao, tính tự chủ lớn, nếu người mẹ không nắm được sự phát triển đó, sẽ bị tách rời khỏi con cái". |
- Ngôi nhà của chị là một không gian cổ điển với những vật dụng từ tre nứa. Phải chăng chị đang bảo tồn tính cách người Hà Nội cho con cái mình?
- Trước hết chưa phải cho con mà chính là cho mình. Một không gian nhỏ trong phố cổ không thể áp đặt kiểu Tây với nhà kính, salon to. Mình phải liệu cơm gắp mắm, dung hòa không gian đó với sự tiện nghi của mình. Vợ chồng tôi muốn có sự giản dị, gần với những vùng miền chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi thích dùng ghế tre hơn những chiếc ghế lớn êm ái. Có lẽ không gian phố cổ tạo cho chúng tôi cách sống đó. Các con tôi thích những gì tiện nghi, hiện đại, muốn ở trong những nhà chung cư, villa rộng. Nhưng với không gian cổ điển mà bố mẹ gây dựng, chúng cũng thấy có gì thi vị, êm đềm. Điều đó tạo cho con cái tôi cơ hội tiếp cận nhiều gu thẩm mỹ khác nhau.
- Chị là nghệ sĩ nhân dân, chồng chị - anh Nguyễn Hữu Bảo - là nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Vì sao chị không hướng con cái theo nghệ thuật?
- Tôi có hai cô con gái. Con gái đầu theo học báo chí, vừa bảo vệ thạc sĩ tại Trung Quốc, đang làm tại Ban văn nghệ của Đài truyền hình Việt Nam, không làm nghệ thuật nhưng cũng là liên quan đến nghệ thuật. Con tôi không chọn làm diễn viên vì nó chưa thấy sự phát triển của nghề diễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc bố mẹ là nghệ sĩ cũng là một bệ đỡ để cháu có thể phát triển công việc của mình.
Con gái đầu của tôi kỹ tính và sâu sắc, như một bản sao của mẹ. Tôi đẻ cháu năm 1985, khi Hà Nội vẫn còn nghèo và rất khó khăn. Vì thế, cháu biết nhìn xa và tiết kiệm. Đứa con gái thứ hai ra đời năm 1993 khi cuộc sống của người Hà Nội đã sung túc. Cháu đang học cấp 3, cao lớn, hiện đại và dễ tính hơn dù vẫn có chút kín đáo và biết giữ mình.
- Nhiều người trầm trồ khen ngợi nhan sắc cô con gái đầu của chị. Từng xuất hiện trong vai trò giám khảo cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, vì sao chị không động viên con gái thi sắc đẹp?
- Tôi mới tham gia làm giám khảo Hoa hậu Thế giới người Việt dù trước đó rất nhiều cuộc thi sắc đẹp mời tôi. Tôi nghĩ đi thi hay không phải phụ thuộc vào chính con, nếu con muốn và đủ tự tin, tôi sẽ ủng hộ. Hôm rồi tôi đọc bài báo có ý kiến rằng: “Nếu em là một cô gái thông minh và hiền ngoan, không bao giờ em thi hoa hậu” - tôi cho đó cũng có phần đúng vì thi hoa hậu là nơi ganh đua, cạnh tranh, đòi hỏi người phụ nữ rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ con tôi thích sống kín đáo như mẹ.
- Trong nhà không treo bức hình nào của chị. Tại sao một phụ nữ đẹp như chị lại không trở thành cảm hứng sáng tác của chồng?
- Chồng tôi tuy là nhà nhiếp ảnh nhưng không chuyên chụp ảnh các thiếu nữ chân dài. Tôi không xấu nhưng anh cũng không chụp vì anh chỉ thích chụp đời sống bình thường của người Hà Nội, những con người bình thường, những người bán hàng rong gánh gồng, những cô bán hoa trên xe đạp - những mảnh ghép đời sống bình thường, giản dị, thậm chí hơi cơ cực. Còn với vợ, anh chỉ chụp ở các bộ phim. Nếu đi cùng tôi tới trường quay, anh sẽ chụp lúc tôi diễn để làm tư liệu cho cá nhân tôi. Còn bình thường tôi không phải chủ đề sáng tác của anh. Bụt chùa nhà không thiêng. Vợ nhìn suốt ngày có khi chẳng bao giờ thấy đẹp đâu.
NSND Như Quỳnh cùng chồng và các con trong căn nhà nhiều tre nứa. Ảnh: st. |
- Hai chị em ruột Như Quỳnh cưới hai anh em ruột Nguyễn Hữu Bảo - Nguyễn Hữu Tuấn. Điều gì tạo nên một mối lương duyên thú vị như vậy?
- Ngày ấy, ông anh rể tôi là NSND Nguyễn Hữu Tuấn khi đến với bà chị, thấy cô em vợ cũng ngoan ngoãn, con nhà lành nên muốn gán cho em trai. Trước đó, khi anh Tuấn sang chơi với chị gái tôi, anh Bảo thường xuyên theo sang cùng nhưng tôi lại đang có bạn trai. Người bạn trai ấy cũng chơi rất thân với anh Bảo. Chúng tôi hùn vào giới thiệu anh Bảo cho một cô khác cùng đoàn cải lương với tôi nhưng anh Bảo không ưng. Những lúc bạn trai lên gặp tôi thường rủ anh Bảo đi cùng. Tôi diễn ở Hải Dương, Nam Định, hai chàng vẫn đèo nhau đi bằng xe máy đi thăm. Sau đó, tôi và người bạn trai không thành duyên, lập tức anh Tuấn đẩy anh Bảo vào. Chúng tôi đã biết kỹ về nhau nên đến với nhau rất nhẹ nhàng.
Tất nhiên, có những lúc ký ức vẫn trở lại nhưng người đàn ông rất rộng lượng, họ cũng thông cảm với mình ngay thôi.
- Hôn nhân nghệ sĩ thường mong manh dễ vỡ. Chị có bí quyết gì để giữ gia đình?
- Tôi cho rằng dễ vỡ hay bền vững là cá tính của từng người. Hôn nhân vốn dĩ là mong manh với mọi người chứ không riêng gì nghệ sĩ. Chúng ta lấy nhau vì tình yêu nhưng nếu không biết cách bảo vệ tổ ấm của mình thì cũng có nguy cơ tan đàn xẻ nghé.