Nỗi niềm của gái bán dâm trong khu đèn đỏ nổi tiếng tại Hàn Quốc

Theo Trí thức trẻ,
Chia sẻ

"Ở đây, chúng tôi gặp mọi loại người, từ những kẻ say rượu ra tay đánh đập chúng tôi chẳng vì lý do gì cho đến những kẻ còn đòi lại tiền", 1 gái bán dâm tại khu đèn đỏ Cheongryangri (Seoul, Hàn Quốc) nói.

Mặc dù đã 43 tuổi nhưng Kim Jeong-mi vẫn hành nghề bán dâm trong khu đèn đỏ Cheongryangri ở Seoul. Với mỗi lần đi khách, cô thường chỉ thu về khoảng 20.000 đến 30.000 won (tương đương từ 18 đến 27USD), chưa bằng 1/3 thu nhập của những cô gái trẻ đẹp. Nhiều khi không có khách và chán chường, cô chỉ lấy của khách có 10.000 won. Tuy nhiên, thù lao không phải là điều khiến cô phiền lòng nhất.


Mặc dù đã 43 tuổi nhưng Kim Jeong-mi vẫn hành nghề bán dâm trong khu đèn đỏ Cheongryangri ở Seoul.

Vào 1 ngày tháng 7/2012, cảnh sát ập vào căn phòng nơi cô đang phục vụ khách. Trong cuộc đột kích đó, cảnh sát đã thu 1 chiếc bao cao su đã sử dụng và một vài thứ khác trong thùng rác.

Sau đó, họ yêu cầu Kim mặc quần áo để thẩm vấn, trong khi vẫn liên tục chụp ảnh cô. "Họ không cho tôi thời gian để giữ lại chút lòng tự trọng của 1 con người", Kim nói.

Bất bình trước hành động của cảnh sát, Kim đã tự nộp phạt 500.000 won. Cùng với sự giúp đỡ của 1 nhóm luật sư, Kim đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc bỏ luật chống mại dâm. Vào tháng 4/2014, 2 năm sau khi liên tục thảo luận, bàn bạc, tòa án đã mở 1 phiên điều trần công khai. Và vào tháng 2/2015, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã quyết định công nhận hành vi ngoại tình. Đây được đánh giá là 1 phán quyết lịch sử phản ánh thay đổi về quan niệm tình dục trong xã hội Hàn Quốc.

Câu chuyện của 1 gái bán dâm 

Sau khi cha mẹ qua đời, Kim đã bỏ học và làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Tuy nhiên, do gặp tai nạn nên bàn chân của Kim đã bị nát, khiến cô không thể bê vác những đồ nặng hay đứng làm quá 1 giờ.

Sống cùng chú chó cưng Shih Tzu trong căn phòng trọ ở Seoul với giá 400.000 won/1 tháng, cứ từ 7h tối đến 4h sáng mỗi ngày, cô lại tới khu đèn đỏ Cheongryangri để hành nghề.


Các cô gái ngồi chờ khách trong khu đèn đỏ Cheongryangri.

Tại khu đèn đỏ này, các căn phòng sẽ được bao phủ bằng kính, trong đó, các cô gái sẽ mặc váy ngắn và đi giày cao gót dưới ánh đèn neon trắng pha hồng. Khi các nam giới đi qua, các cô gái sẽ vỗ vào thành cửa kính và mời chào "Mời các anh vào đây và thư giãn".

Kim làm việc trong khu vực, nơi những người phụ nữ ngoài 50, 60 tuổi vẫn còn hành nghề. Tại đây, họ thường thuê những căn phòng chỉ vừa đủ để tiếp khách với giá 10.000 won 1 ngày.

"Ở đây, chúng tôi gặp mọi loại người, từ những kẻ say rượu ra tay đánh đập chúng tôi chẳng vì lý do gì cho đến những kẻ đòi tiền lại", Kim nói.

"Bạn nghĩ chúng tôi không có ước mơ được rời khỏi nơi này sao? Tôi muốn công việc của mình được công nhận như 1 ngành nghề bởi dù sao nó cũng tốt hơn là nghề trộm cắp", Kim chia sẻ.

Nghề gây nhiều tranh cãi

Tại Hàn Quốc, mại dâm là hành vi bất hợp pháp. Người vi phạm thường phải nộp tiền phạt, gái mại dâm hoặc khách hàng phải nhận án tù lên tới 1 năm và hình phạt sẽ cao hơn đối với những chủ nhà thổ hay môi giới mại dâm. Mặc dù vậy, lượng khách đổ về khu đèn đỏ vẫn rất đông.

Thực trạng đó chỉ thay đổi sau khi sự việc 14 gái bán dâm bị mắc kẹt trong phòng và chết vì hỏa hoạn xảy ra vào năm 2002. Trước sự phẫn nộ của dư luận, chính phủ đã thực hiện những chiến dịch mạnh mẽ để dẹp bỏ các đường dây bán dâm trên cả nước. Đạo luật rà soát hoạt động mại dâm chính thức có hiệu lực từ năm 2004.

Những nỗ lực trấn áp liên tục của cảnh sát cuối cùng cũng có hiệu quả khi số lượng khu đèn đỏ tại Hàn Quốc đã giảm từ 69 vào năm 2002 xuống còn 44 vào năm 2013, đồng thời, số lượng gái bán dâm hoạt động trong các đường dây này cũng giảm từ 9.100 xuống còn 5.100.

Với những con số này, có thể bộ luật mới của Hàn Quốc rất có hiệu quả.

Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng con số này thực chất vẫn chưa chính xác bởi nhiều gái bán dâm vẫn thường hoạt động tại các quán bar, hay thông qua các dịch vụ Internet hay các ứng dụng hẹn hò trên điện thoại di động.

"Mặc dù bị kỳ thị nhưng những người phụ nữ này vẫn vật lộn để kiếm sống. Chúng ta có nên đẩy họ vào đường cùng khi coi họ là những tội phạm?", ông Park Kyung-shin, 1 giáo sư ngành luật tại Đại học Seoul cho biết. Ông Park đưa ra câu hỏi để nói đến cái chết của 1 người mẹ đơn thân, người đã phải nhảy từ tầng 6 của 1 nhà nghỉ để trốn chạy cảnh sát.

Trong khi đó, Chung Kwan-young, luật sư của gái mại dâm Kim, cho rằng chính phủ nên thay đổi luật nhằm cho phép và điều tiết các khu đèn đỏ.

Tuy nhiên, ông Choi Tae-won, 1 luật sư của Bộ Tư pháp, lại phản bác những ý kiến trên khi cho rằng đạo luật giống như “chiến tuyến cuối cùng" để ngăn chặn sự đồi trụy.

"Nếu luật chống mại dâm không tồn tại, người ta sẽ nhanh chóng chấp nhận tình dục như 1 món hàng", ông nói.

Cũng cùng quan điểm với ông Choi Tae-won, luật sư Choi Hyun-hi đến từ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, cũng cho biết "Mặc dù có rất nhiều câu chuyện thương tâm về sự nghèo khổ, khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải trừng phạt những kẻ ăn trộm, ăn cắp đó thôi".

Hiện, Hàn Quốc đã có 10 trung tâm cải tạo gái mại dâm trên cả nước, đồng thời chính phủ còn hỗ trợ họ 600.000 đến 900.000 won mỗi tháng. Năm ngoái, chương trình đã giúp 226 phụ nữ được đến trường và 640 người có công việc mới.

Chia sẻ