"Nỗi niềm biết tỏ cùng ai" của bố đơn thân

Lê Nhi,
Chia sẻ

“Dù đã rất cố gắng trong việc dạy dỗ con trai ương bướng, nhưng nhiều khi mình vẫn phải “kêu trời” và tưởng như bất lực”, ông bố đơn thân L.V.T, 32 tuổi chia sẻ.

7 năm chồng vợ, 2 lần tái hợp không thành

Anh L.V.T. (32 tuổi, Đống Đa, HN) kết hôn từ năm 2004. Vợ chồng anh đã có 2 con trai 5 tuổi và 3 tuổi. Thế nhưng sau 7 năm chung sống, những mâu thuẫn trong tổ ấm của T. ngày một căng thẳng. Không thể tìm lại tiếng nói chung, vợ chồng T. quyết định ly hôn.

Tuy nhiên, vì thương các con còn quá nhỏ, không muốn gia đình chia thành hai ngả, nên sau những ngày mới nộp đơn ly hôn, anh T. đã 2 lần “xuống nước” đề nghị tái hợp với vợ cũ, nhưng đều không thành. 

3 tháng sau lần tái hợp đầu, thấy D. - con trai lớn 5 tuổi thường xuyên kêu đau đầu, T. đã cho con đi khám bác sĩ và được kết luận D. có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Trong đó phần nhiều nguyên nhân các triệu chứng này của D. bắt nguồn từ sự đổ vỡ của 2 vợ chồng T. 


Cứ động đến, chưa kịp mắng mỏ gì là con trai đã rơm rớm nước mắt. Mỗi ngày D. còn lải nhải bài ca nhớ mẹ và nhớ em trai. (Ảnh minh họa)

Anh T. thấy con đột nghiên bướng bỉnh. Cứ động đến, chưa kịp mắng mỏ gì là D. đã rơm rớm nước mắt. Mỗi ngày D. còn lải nhải bài ca nhớ mẹ và nhớ em trai. Nhìn D. “tâm trạng” sau ngày ly hôn của bố mẹ, người cha đơn thân này lại lầm lũi lên tòa án tự nguyện rút đơn về.

Tuy nhiên, sau 3 tháng ly hôn, vợ của T. đã có bồ mới nên nhất quyết không cho T. cơ hội tái hợp. Thậm chí, vợ anh T. muốn đi nghỉ với bồ còn sẵn sàng đưa con trai nhỏ 3 tuổi về nhà ngoại vài ngày.

Hết tình hết nghĩa, T. quyết định ly hôn không hối tiếc. Ngặt nỗi, từ ngày “nhà bố, nhà mẹ” riêng biệt, D. luôn nhớ mẹ, nhớ em và nhiều lúc còn đòi về nhà cũ. Khi ấy, T. lại phải động viên con trai: “Bố cũng đang nhớ em trai con đây. Nhưng chúng ta vẫn phải sống riêng nhà. Cuối tuần này bố sẽ sang đón em đi chơi cùng con. Giờ con có muốn ra ngoài cùng bố không?”.

Nhọc nhằn tháng ngày “gà trống nuôi con” 

Trước khi ly hôn, T. tự nhận mình là người đàn ông biết việc. Mọi khoản chăm con, tắm rửa, nấu nướng, cho D. ăn, anh làm cũng thạo và rất trách nhiệm.

Nhưng phải sau khi ly hôn, anh T. mới thấm thía nỗi buồn và suy sụp thế nào. Mỗi ngày đi làm, T. đều cảm thấy cô đơn, trống vắng. Nhất là khi nghe đồng nghiệp nói chuyện về con cái, đi nghỉ mát cùng gia đình là lòng người cha này lại quặn đau, nước mắt chảy vào trong. Khi đi đường, thấy các gia đình hạnh phúc bên nhau cùng con cái, T. càng cảm thấy cô đơn. 

Suy sụp là vậy, về tới nhà, ông bố đơn thân 32 tuổi này lại càng khổ sở và khó khăn hơn khi đối mặt với cậu con trai ương bướng. Vừa qua cú sốc bố mẹ ly hôn nên cậu bé D. trở nên ương ngạnh, khó bảo. Nếu mắng, D. thường trốn vào một góc khóc đòi về với mẹ. 

Nói về điều này, T. than thở: “Dù đã rất cố gắng trong việc dạy dỗ con trai, nhưng nhiều khi mình vẫn phải “kêu trời” và tưởng như bất lực. Mình chẳng hiểu phải nuôi dạy nó thế nào nữa”.

Bản thân anh dù công việc bận đến mấy cũng dành thời gian tham gia các hoạt động bên ngoài để “refresh” cả hai bố con như dã ngoại, chụp ảnh, câu cá… Tất nhiên, những lúc có thể, anh cũng đến nhà vợ cũ đón em trai D. cùng đi chơi.

 "Mình luôn để con hiểu rằng, con không mất bố cũng không mất mẹ. Bố con cháu chỉ là không còn ở chung nhà với mẹ cháu thôi” (Ảnh minh họa)

Với anh T., những suy sụp tinh thần ngày đầu làm cha đơn thân rồi cũng qua dần, nhưng những vất vả thì vẫn chồng chất mãi. Như giữa tháng 8 vừa rồi, lớp của con trai khai giảng sớm. Đúng hôm đấy, anh lại có việc phải đi Bắc Giang nghiệm thu công trình. 

Dù đã dặn dò bác giúp việc đón con cẩn thận nhưng anh T. vẫn thấy lo vì là buổi đầu tiên D. học bán trú. Anh chạy xe một mạch từ Bắc Giang về Hà Nội đến đúng cổng trường để kịp buổi chiều đón con. "May mà mình về kịp, nếu không bác giúp việc cứ loay hoay chẳng biết lớp con tan ở đâu nữa".

Nhớ lại quãng ngày mới ly hôn, ông bố đơn thân nói: “Thời gian ấy đúng là tẩu hỏa nhập ma, đêm không ngủ, ngày không ăn vì chả thiết gì”.

Đến giờ, mọi thứ đã bớt lúng túng và hai con trai T. đã vui vẻ, thích nghi hơn với hoàn cảnh. D. cũng đã phân biệt rõ ràng nhà của bố với nhà của mẹ và bớt ương bướng hơn. 

“Mình biết khó khăn về nuôi dạy con sau ly hôn với một "gà trống nuôi con" như mình thì chưa thể giải quyết dứt điểm được. Bản thân mình luôn cố gắng giữ hình ảnh tốt đẹp về mẹ của con. Mình luôn để con hiểu rằng, con không mất bố cũng không mất mẹ. Bố con cháu chỉ là không còn ở chung nhà với mẹ cháu thôi”, ông bố đơn thân 32 tuổi thở dài.
Chia sẻ