Chuyện kể về hai bà mẹ đơn thân
Chúng ám ảnh tôi rất lâu bởi nỗi buồn chất chứa trong đó cũng như những bài học giáo dục lắng đọng.
Câu chuyện thứ nhất: Cô bé ghét hoa
Chị gặp tôi trong hội quán Đến với nhau. Chị tên Xuân (*). Xanh xao và gầy gò, chị bảo chỉ trong một năm chị sụt 10kg vì con gái. Con gái chị tên Nguyện, mới 10 tuổi.
Rồi một ngày chị Xuân phát hiện Nguyện tự dưng ghét hoa, ghét tất cả các loại hoa. Những bông hoa chị mua về nâng niu cắm vào bình, cháu tránh thật xa và bảo: “Ghê quá, mẹ quăng đi”. Khi chị đi vắng, Nguyện lấy giấy báo gói hoa lại, đốt cháy quắt queo và cười sung sướng.
Chị sững sờ đến không biết nói gì. Những lần sau, đi ngang ngã tư, mấy đứa trẻ lại chạy ra chìa nón. Nguyện đang uống sữa liền ném vỏ hộp sữa vào một cái nón bảo: “Cho nè. Biến đi” và cười vang trong cái nhìn khó chịu của những người lớn xung quanh. Chị ước chi có một cái lỗ trên đường để chị chui xuống. Những câu chuyện về lòng trắc ẩn mà chị kể cho con nghe buổi tối trở nên vô ích.
Việc học của Nguyện ngày càng tệ. Vẫn đi học nhưng Nguyện không viết một chữ nào vào tập, cũng chẳng thèm nghe giảng. Cô giáo khuyên nhủ ngọt ngào hay rầy la nặng lời đều không khiến Nguyện thay đổi, Nguyện im lặng nghe rồi nhếch miệng cười. Năm lớp 5, Nguyện ở lại lớp. Đem con đi trắc nghiệm chỉ số thông minh, chị biết con mình có chỉ số IQ khá cao.
Tôi gặp trực tiếp và nhận thấy thật ra Nguyện rất nhạy cảm và dễ mến. Cách cháu nói năng lễ phép và thông minh. Vấn đề có thể là nhân một lần ba ruột định đến thăm em nhưng người dì không cho cháu gặp ba. Người dì khi đó đã nói với cháu rằng muốn giữ ba, mẹ quyết sinh con nhưng ba bỏ rơi mẹ khi biết mẹ có thai và mẹ đã rất đau khổ. Đó là một người đàn ông bạc tình và tàn nhẫn, không nên gặp gỡ.
Phải chăng do bị ám ảnh rằng mình là nguồn cơn của sự ruồng bỏ, Nguyện tự ghét chính mình? Nỗi đau nằm sâu bên trong tâm hồn cháu mà chính cháu cũng không ý thức trọn vẹn.
Nguyện, một - cách - vô - thức, khép cánh cửa trái tim mình lại để tránh những tổn thương khác có thể có. Phải chăng Nguyện sợ những cái gì cháu cho là đẹp, sợ phải yêu thương một ai đó? Và cũng trong vô thức, Nguyện cố tạo cho mình một vỏ bọc khó ưa, vô cảm, giá lạnh để được thấy... an toàn? Việc chữa trị về mặt tâm lý cho Nguyện phải thật kiên nhẫn, dài lâu và quả thật vô cùng khó khăn.
Câu chuyện thứ hai: “Chỉ mẹ thôi là đủ”
Tôi gặp chị trong hội thảo “Giúp con nói không với ma túy” tại Nhà văn hóa Phụ nữ cách đây hai năm. Chị tên Thu Hường. Quen thân một thời gian khá lâu, tôi mới biết được chị là một người mẹ đơn thân và con gái chị đã 16 tuổi.
Chị kể: Ngày trước, nhà cha mẹ khá giả, chị cũng có chút nhan sắc và là một cô giáo cấp II có tiếng dạy giỏi. Cha mẹ trông chờ chị đưa về giới thiệu một vị hôn phu xứng đáng. Không ai ngờ chị vướng vào một mối tình hết sức vô vọng. Người ấy không yêu chị và cũng đã có gia đình.
Trước khi người ấy sang Úc định cư, chị đã chủ động “xin” một đứa con. Và đứa bé, “kỷ vật” của tình yêu, dần lớn lên trong bụng cùng niềm vui vô bờ của chị.
Vốn rất khắt khe, khỏi phải nói cha mẹ chị sốc như thế nào khi nghe tin con gái có thai và xin nghỉ dạy. Ông bà giận chị đến nỗi nhiều năm không nhìn đến chị, mặc chị tự bơi với bao nhiêu khó khăn và tủi cực. Cũng may người em gái đã giúp chị kiếm một căn phòng trọ, sang cho chị một quán cơm bình dân để mẹ con chị có kế sinh nhai.
Khi được hỏi có gặp khó khăn gì khi nuôi dạy con không, chị cười vui: “Rất may là Thu Giang, con gái chị, rất ngoan và biết cảm thông với mẹ”. Rồi chị say sưa kể về con: “Một buổi Thu Giang đi học, một buổi cháu ra quán giúp mẹ dọn rửa, bưng bê thức ăn cho khách. Vậy mà suốt mười năm nay Giang luôn là học sinh giỏi. Hiện cháu đang luyện thi vào trường đại học y, ngành điều dưỡng”.
Chị tâm sự: “Thuở nhỏ, không ít lần Thu Giang hỏi cha đâu, chị bảo: Cha con sang nước ngoài sinh sống rồi”. Đợi Giang lớn hơn một chút, những tối chị ôm con thủ thỉ kể về cha của nó với những điều rất thật: cha con là người tốt nhưng cha đang có một gia đình khác, ngày nào lớn con sẽ gặp cha nếu muốn. Tình cha con là thiêng liêng, mẹ không muốn giấu con bất cứ điều gì...
Xóm trọ của mẹ con chị rất đông dân nhập cư, nhiều đứa trẻ phải lăn lóc mưu sinh không được đến trường. Chị gom chúng lại, dạy chúng học vào buổi tối không lấy tiền công. Chẳng những thế, chị còn mua cho những đứa học trò đầu khét nắng sách vở, tập bút bằng những đồng tiền nhọc nhằn chị kiếm được. Lớp học mới đầu chỉ năm ba em, sau lên đến cả chục em.
Những lúc mẹ dạy học, Thu Giang phụ giúp mẹ khi thì gọt bút chì, khi lấy nước uống cho các em nhỏ, cũng có lúc nấu nồi khoai, nồi bắp bồi dưỡng cho các em vì học khuya mau đói...
Thu Giang chơi thân với bé Thảo My, nhà sát vách phòng trọ của chị. Nhiều lần Thu Giang nhìn thấy cảnh cô Vân, mẹ bé My, rất khổ sở vì người chồng vô tâm và gia trưởng. Những lúc chồng say, mắng chửi, đập phá đồ đạc trong nhà, mẹ bé My dẫn con chạy sang phòng chị lánh nạn, Thu Giang cứ ôm bạn mà khóc. Rồi Thu Giang lấy cơm cho bạn ăn, soạn chỗ cho bạn ngủ...
Lớn hơn một chút, Thu Giang biết dành tiền tiết kiệm mua kẹp tóc, bút viết, sổ tay để tặng Thảo My, an ủi mỗi khi My bị ba nặng lời la mắng...
Khi Thu Giang học lớp 8, một tối ôm lưng mẹ thủ thỉ: “Dì Tư nói với con rằng cha không yêu mẹ và cha không quan tâm tới con sống ra sao, nhưng con không thấy buồn gì cả. Con sống với mẹ thôi là đủ rồi”.
Phụ mẹ bán quán cơm, Thu Giang thường lấy thêm cơm hay thức ăn cho những người già yếu, những em bé bán vé số. Thậm chí những ngày mưa bão họ không bán được vé số, Thu Giang xin mẹ cho họ thiếu tiền cơm, hôm khác có thì trả.
Cũng chính Thu Giang là cầu nối cho chị về với cha mẹ. Khi còn nhỏ xíu, nghe dì Tư nói bà ngoại bệnh, Giang đập heo đất mua hai trái cam gửi dì mang cho bà ngoại “uống hết bệnh”. Bà ngoại thương quá, bảo dì chở Giang về nhà chơi.
Về với ông bà, cháu cứ quấn quýt giúp ông bà đủ việc khiến ông bà không cách gì xa Thu Giang được nữa. Những chủ nhật sau, mẹ chị gọi điện bảo chị phải chở con gái về...