Nổi cộm năm 2016: Rùng mình "công nghệ" dùng hóa chất để "biến hóa" thực phẩm đe dọa sức khỏe người dân
Phù phép thịt lợn, thịt trâu thành thịt bò, thịt lợn chết thành lợn mán thơm ngon, sản xuất giấm gạo từ axit đậm đặc... là những vụ thực phẩm bẩn nổi bật năm qua.
Axit đậm đặc dùng để làm giấm
Đầu tháng 12, một cơ sở làm giấm gạo nằm trong một ngõ nhỏ tại đường Phú Yên, quận Long Biên (Hà Nội) cũng đã bị phát hiện làm giả. Để sản xuất một thùng 200 lít giấm gạo, thực chất, cơ sở này chỉ sử dụng 60 lít giấm gốc pha với 130 lít nước lã, 4 lít axit axetic công nghiệp và 10% hóa chất tạo màu, mùi. Chủ cơ sở còn cho thêm cả loại axit đậm đặc, bốc khói ngay khi mở nắp can trong quá trình sản xuất giấm. Sau đó, giấm đều được đóng thẳng vào chai, dán nhãn mác đầy đủ.
"Nếu sử dụng axit axetic công nghiệp thì sẽ gây nguy hại sức khỏe. Thực tế, axit axetic sản xuất công nghiệp không được sử dụng trong thực phẩm", PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự Nhiên, ĐHQGHN) khẳng định.
Ăn loại giấm làm từ axit axetic công nghiệp hay những loại axit đậm đặc, không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ có thể gây tổn hại lớn cho sức khỏe. Nơi tiếp nhận đầu tiên và bị ảnh hưởng lớn nhất chính là dạ dày, hệ thống tiêu hóa. Một khi hệ thống tiêu hóa, đường ruột gặp vấn đề thì sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính mà bạn không thể lường trước được.
"Chưa kể, người pha chế có thể sơ suất hoặc không hiểu biết về hóa học, pha chế lượng axit axetic vượt ngưỡng cho phép sẽ gây viêm loét dạ dày, có nguy cơ bi ngộ độc thần kinh, ung thư, thậm chí là tử vong", chuyên gia cảnh báo.
Bên cạnh mối nguy pha chế từ axit axetic công nghiệp, chai/lọ đựng giấm làm từ những chai nước khoáng không mấy sạch sẽ trước khi rót giấm vào cũng là nguồn lây nhiễm bệnh tật không nhỏ. Nếu chai lọ đựng giấm không sạch sẽ sẽ tạo nên một loại giấm tạp chủng với nhiều loại vi sinh vật, không đảm bảo độ chua, thơm dịu cũng như an toàn cho sức khỏe.
Hóa chất tẩm ướp để làm thịt bò giả
Hiện nay có một bộ phận không nhỏ những người bán hàng đã sử dụng hóa chất tẩm ướp không rõ nguồn gốc món thịt lợn để hô biến thành thịt bò "xịn". Và có lẽ, chưa năm nào những vụ thịt bò giả được phát hiện nhiều như năm nay.
Những nguyên liệu làm thịt bò giả như thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm ướp hóa chất, tạo màu… gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng
Khảo sát tại các chợ đầu mối tại Hà Nội cho thấy, trong 12 mẫu nạm bò được khảo sát thì chỉ có 2 mẫu là thịt bò thật. Khi đem miếng thịt bò được mua ngoài chợ về và thả vào nước, sẽ thấy có hiện tượng bất thường như mỡ nổi lềnh phềnh, bèo nhèo trên mặt nước. Màu thịt cũng biến đổi, không còn đỏ au mà trở nên nhợt nhạt thấy rõ. Thậm chí là màu nước cũng có sự thay đổi.
"Những nguyên liệu làm thịt bò giả như thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm ướp hóa chất, tạo màu… gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng đó còn là những thiệt hại nặng nề về tiền bạc" là lời khẳng định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội).
Nếu hóa chất tẩm ướp có nguồn gốc tự nhiên thì an toàn cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng hóa chất có nguồn gốc công nghiệp, dạng bột thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, bạn sẽ không tránh khỏi bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, lâu dần chất độc tích tụ không được đào thải thì nguy cơ mắc bệnh mãn tính như ung thư là điều khó tránh.
Ngoài chuyện tẩm ướp những loại hóa chất không rõ nguồn gốc, nhiều tiểu thương còn chế biến thịt lợn sề, thịt trâu bằng "công nghệ" luyện thịt hết sức tinh vi, nhìn bằng mắt thường, chúng ta rất khó nhận ra đó là miếng thịt bò giả.
Hóa chất tẩm ướp biến thịt lợn chết tím tái, bốc mùi thành thịt lợn mán
Thực phẩm bẩn như thịt lợn bẩn hiện nay không phải là vấn đề quá ư mới mẻ, tuy nhiên, bẩn đến mức độ nào lại là điều mà người dân đặc biệt quan tâm.
Tại khu di tích Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc), con suối Giải Oan đoạn qua xã Đại Đình, con suối còn bị tắc nghẽn bởi các bao tải buộc chặt với xác lợn chết bên trong. Từ những con lợn chết nằm chất đống, các gian thương "hô biến" bằng cách thui vàng, những con lợn chết bỗng chốc đã biến thành lợn Mán siêu lợi nhuận.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, thịt gia súc, gia cầm chết nói chung, thịt lợn chết nói riêng là biểu hiện bị vi sinh vật phân hủy, sẽ gây hại sức khỏe theo hai con đường. Một là bản thân loại thịt có mang theo vi khuẩn gây hại. Hai là các vi trùng, vi khuẩn từ thịt lợn chết sẽ ăn các protit và thải ra các chất độc. Người ăn phải thịt lợn chết có thể bị ngộ độc, tiêu chảy. Về lâu dài có thể bị các bệnh mãn tính, nguy hiểm tính mạng như ung thư do chất độc tích tụ lâu ngày trong cơ thể.
Chất cấm vàng ô để nhuộm thực phẩm
Vào tháng 7 tại Hà Nội, sau khi lấy 214 mẫu xét nghiệm, các cơ quan sở ngành thành phố Hà Nội cũng đã phát hiện ra 3 mẫu măng có tồn dư chất vàng ô, 2 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, thịt gà, ngan, vịt… được bày bán trên thị trường hiện nay cũng bị phát hiện có sử dụng chất cấm vàng ô.
Chất vàng ô có tên là Auramine O, tên hóa học là Diarylmethane. Chất này ở dạng huỳnh quang, hạt mạ vàng, dễ tan trong nước và cồn. Điều này cũng nhấn mạnh loại chất này được sử dụng nhiều trong nhuộm vải, giấy, quét tường, không được sử dụng trong thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, vàng ô là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng. Đây là chất cực độc với cơ thể, chất cấm trong ngành thực phẩm và cấm cả trong chăn nuôi. Khi ăn phải thực phẩm chứa chất cấm vàng ô có thể bị nhiễm độc cấp tính, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Về lâu dài, loại chất này cũng sẽ khiến bạn bị ung thư.
Tổ chức Ung thư thế giới IARC xếp chất vàng ô vào hàng nguy cơ gây ung thư cao. Ngoài tác hại gây ung thư, thí nghiệm trên chuột còn báo cáo, chất vàng ô gây hại các tế bào gan, thận và tủy xương.
Với trẻ nhỏ, nếu hấp thụ nhiều chất này, có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung. Với người lớn có thể có những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Chất này cũng có khả năng gây viêm và phù nề tại chỗ, đặc biệt là tại niêm mạc, màng nhầy. Da tiếp xúc chất nhuộm màu sẽ bị mẩn đỏ, ngứa, sưng đau, viêm nhiễm, hoại tử. Khi hít phải chất vàng ô sẽ bị ho, khó thở, thở nhanh, khò khè, viêm đường hô hấp, co thắt phế quản...