Tiết lộ của tiểu thương "phù phép" thịt lợn nái thành thịt bò khiến chị em nội trợ nổi da gà
Thịt lợn nái giả thịt bò được phù phép tinh vi đến nỗi tiểu thương khẳng định không có cách nào để phân biệt: “Đố luôn, không thể phân biệt được. Chúng em còn bị nhầm".
Đoạn phóng sự của VTV24 về thịt bò giả đang khiến dư luận rùng mình khi vạch trần chiêu thức phù phép thịt heo nái thành thịt bò của tiểu thương. Trong vai người lái buôn, phóng viên VTV phát hiện sự thật khiến người tiêu dùng không khỏi sốc khi thịt lợn nái được phù phép thành thịt bò, thậm chí còn được bôi chất lỏng màu đỏ ngay tại chợ nếu miếng thịt chưa đậm màu hoặc đã bị phai.
Vào thời điểm 4h sáng tại chợ đầu mối Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội,
những mảng thịt bò giả nhanh chóng được chuyển đến trên chiếc xe 4 chỗ. Nhiều
lái buôn đã đợi sẵn, tự tay lọc những miếng thịt đẹp nhất, giống thịt bò nhất để
đem đi bán lẻ khắp các khu chợ ở Hà Nội.
Trong vai một lái buôn mới tìm mối lấy hàng, người thương lái bán thịt bò giả không ngần ngại nói về sản phẩm của mình: “Đây là hàng nguyên chất 100% em chưa làm gì đâu”. Khi được PV hỏi “đây toàn là heo nái đúng không”, tiểu thương trả lời “mổ ra 100% là như thế”.
Việc phù phép cho những miếng thịt lợn nái có màu đỏ tươi như thịt bò cũng được thực hiện ngay tại chợ. Một chất lỏng màu đỏ trong miếng giẻ được bôi lên miếng thịt trước khi bày lên quầy hàng.
Chợ đầu mối Minh Khai buôn bán thịt bò giả từ thịt lợn nái tấp nập từ sáng sớm.
Miếng giẻ màu đỏ được dùng để bôi lên thịt lợn để làm giả thịt bò.
Sau khi đã chuyển xong hàng trăm kg thịt lợn nái giả
thịt bò đến chợ cho vợ bán, chồng một thương lái chia sẻ kinh nghiệm làm thịt
bò giả cho PV
“Tổng thể để làm giả bò như thế này nhé. Thủ bỏ, bì
da bỏ, xương bỏ, chỉ lấy nạc. Gân lấy hết, làm giả được hết”, người đàn ông
chia sẻ.
Khi PV hỏi “một ngày mà giao 800kg thì mối ở đâu mà
nhiều thế?” thì được người thương lái cho hay “chỉ vòng quanh Hà Nội, Hải
Phòng, Bắc Giang. Chợ Nhổn là nhiều nhất. Tính ra riêng Hà Nội này chiếm 5 tạ”.
Thịt bò giả được tiểu thương khẳng định rất khó phân biệt, đến mình là người bán cũng bị nhầm.
Đây mới chỉ là số lượng thịt bò giả bán ra thị trường mỗi ngày của một tiểu thương tại chợ đầu mối Minh Khai. Đáng ngạc nhiên, là dù việc mua bán diễn ra công khai nhiều năm nay nhưng không hề có sự xuất hiện của cơ quan chức năng của địa phương. Một câu hỏi được đặt ra là không hiểu có cán bộ thú y đi kiểm dịch thì họ sẽ đóng dấu xác nhận đây là loại thịt gì?
Một khu chợ khác cũng tập kết thịt bò giả đem ra thị trường tiêu thụ.
Cách chợ Gạch, huyện Phúc Thọ không xa là một khu nhà tập kết các loại thịt bò giả. Bên trong chiếc tủ đông lạnh là hàng trăm kg thịt đang được bảo quản chờ xuất bán. Cơ sở này chuyên bán buôn cho các khu chợ tại địa phương cũng như cung cấp cho nhà hàng, bếp ăn tập thể. Những bí quyết tạo mùi cho thịt bò giả cũng được chủ cơ sở tiết lộ.
Khi PV cầm một miếng thịt lợn nái giả bò lên và hỏi
“miếng này thuộc chỗ nào con heo nái?” và thắc mắc không có mùi thịt bò, thì chủ
cơ sở cho hay “miếng này thuộc phần cổ heo nái, lấy nhiều mỡ bò bôi vào là nó
hơi gây mùi. Còn khi xào thì cái này thái ra nó gân gân như hoa thị gần giống bắp”.
Phần lớn số thịt bò giả của cơ sở này được bán ở chợ
Gạch, Phúc Thọ. Miếng thịt giả tinh vi đến nỗi người bán hàng khẳng định không
có cách nào để phân biệt: “Đố luôn, không thể phân biệt được. Có những cái bọn
anh không thể phân biệt được. Chúng em còn bị nhầm. Nói thật với anh bây giờ thật
thà ăn cháo hết”, một tiểu thương nói với PV.
Nhiều người tiêu dùng hàng ngày vẫn bị lừa mua thịt lợn nái với giá thịt bò.
Như vậy, gần 1 tấn thịt bò giả được bán ra ở chợ đầu mối Minh
Khai, hàng trăm kg nữa được bán tại chợ Gạch, Phúc Thọ, chợ Cổ Nhuế và các khu
chợ khác. Hàng triệu người tiêu dùng mỗi ngày vẫn phải tiêu thụ thịt bò giả với
giá thịt bò thật.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y Hà Nội tất cả các cơ
sở giết mổ thịt lợn nái trên địa bàn đều không có giấy chứng nhận vệ sinh an
toàn thực phẩm.