Những vụ "scandal" ở trường mầm non khiến dư luận phẫn nộ
Liên tiếp những vụ bạo hành, bóc lột sức lao động trẻ em xảy ra trong trường mầm non khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự vô cảm trong nhân cách của một bộ phận giáo viên.
Cô giáo "hành" bé 5 tuổi lao động như "khổ sai"
Vụ việc bắt đầu được hé lộ khi một độc giả phản ánh vào ngày 20/3 cho biết, tại trường mầm non Lê Quý Đôn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một số học sinh ở lớp MG lớn (mẫu giáo lớn) A2 phải nhiều lần khiêng những thùng bằng inox đựng cơm, canh và xoong thức ăn từ trên tầng 4 xuống tầng 1.
Theo phản ánh, đó là những chiếc thùng to gần bằng người các em và việc này diễn ra không phải một lần với một học sinh mà diễn ra nhiều lần cả trước Tết và sau Tết.
Cũng theo bạn đọc này, chỉ vì những cậu bé tội nghiệp đó được cho là to lớn và nhanh nhẹn trong lớp nên các cô giáo đã “ưu ái” giao cho “trọng trách” mang xoong nồi, thùng cơm, thùng canh từ tầng 4 xuống tầng 1, trong khi các bạn khác ăn xong thì được đi ngủ. Các em này chỉ được đi ngủ khi nào đã “xong việc”.
Đoạn clip ghi lại cảnh bé 5 tuổi bị bắt mang vác nặng khiến dư luận phẫn nộ.
Được biết lớp MG Lớn A2 do 2 cô giáo Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Minh Phương phụ trách. Và công việc rửa bát, bê xoong nồi vốn là của một nhân viên có tên là Nguyễn Thu Huyền.
Trường Mầm non Lê Quý Đôn có hai cơ sở: một cơ sở ở số 9B phố Lê Quý Đôn (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, HN), cơ sở còn lại địa chỉ 100 phố Thuý Ái cách đó không xa. Theo người phản ánh, hiện tượng trên xảy ra ở cơ sở số 100 Thuý Ái.
Trường mầm non Lê Quý Đôn nơi xảy ra vụ việc.
Ngày 21/3, trả lời phỏng vấn, bà Phạm Thuý Khanh, quyền Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Quý Đôn nhiều lần khẳng định: Không có việc các cháu bé trong trường phải mang những thùng thức ăn, đựng cơm (kể cả có thức ăn và rỗng)!
Tuy nhiên, ngay sau đó, độc giả nói trên tiếp tục cung cấp clip quay cảnh 2 em nhỏ lớp MG Lớn A2 phải khiêng những thùng bằng inox để đựng cơm, canh và xoong thức ăn từ trên tầng 4 xuống tầng 1.
Trong clip, có thể thấy rõ sự mệt mỏi và gắng sức của các em qua những lời hội thoại và cả những cố gắng mỗi khi nhấc chiếc thùng lên. “Nặng quá”, một bé nói trong clip. Các em phải liên tục nghỉ ở giữa cầu thang.
Người xem clip cũng dễ thấy mỗi khi các em bước được một bậc thì đáy chiếc thùng lại đập xuống cầu thang, không khó để hiểu rằng các em không thể nâng những chiếc thùng lên cao do không đủ sức và mệt.
Clip này sau khi được công bố đã gây nên một làn sóng bức xúc trên các diễn đàn và mạng xã hội.
Giáo viên bị tố đánh “chấn động não” bé 3 tuổi
Gia đình bé T.S (sinh năm 2009) tháng 11 năm 2012 đã tố cáo giáo viên tên Phượng, Trường mẫu giáo S.O.S (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đánh vào đầu khiến cháu bị chấn động não và sợ đi học.
Gia đình bé T.S cho biết, ngày 29/10/2012, sau khi ở lớp học về, bé có biểu hiện nôn, sốt cao. Cho rằng cháu có thể bị trúng gió nên bà ngoại đã đánh gió cho cháu.
Theo gia đình, bé T.S mấy ngày liền quyết không muốn đến trường vì “sợ bị cô giáo đánh”.
Tuy nhiên bé chỉ khóc, nói với bà “cháu bị cô giáo đánh vỡ đầu”. Nghĩ cháu còn nhỏ, lúc đau có thể nói không chính xác nên gia đình T.S chỉ tập trung vào việc mua thuốc và chăm cháu.
Đến ngày 3/11, gia đình cho bé đi khám ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vì vẫn kêu đau ở đầu. Tại đây, bác sĩ chuẩn đoán cháu bị chấn động não và suy dinh dưỡng.
Mẹ bé T.S cho biết: “Mấy ngày sau, cháu nhất định không chịu đến lớp vì sợ bị cô giáo đánh. Để chắc chắc, bà ngoại nhiều lần gượng hỏi cháu, bạn cùng lớp và vẫn nhận được câu trả lời tương tự".
Phụ huynh bức xúc phản ánh chuyện con hơn 3 tuổi theo học Trường mẫu giáo S.O.S bị cô giáo đánh “chấn động não”.
Trong đoạn băng ghi âm cung cấp cho PV, bà ngoại cháu có hỏi bé cùng lớp tên D.T. Bé này nói: “Cô Phượng đánh bạn ấy rồi lau nước mắt cho bạn T.S” vì “bạn T.S cướp đồ chơi của một bạn khác trong lớp”. Phần ghi âm được bà lặng lẽ làm, không để các bé biết.
Sau khi biết việc gia đình nghi con mình bị bạo hành, cô Phượng cho biết rất ngỡ ngàng. Cô biện minh là vào ngày 26/10, thời điểm mà cô cho là bé T.S bị chấn thương, cô đã giao lớp cho cô giáo Hương và xin phép đi mời cưới. Tuy nhiên phụ huynh khẳng định sự việc diễn ra ngày 29/10.
Lãnh đạo và giáo viên Trường mẫu giáo S.O.S khẳng định không có chuyện cô giáo đánh trẻ.
Trong khi đó, trước lời của một bé trong lớp khẳng định chuyện bạn T.S bị cô giáo đánh vì cướp đồ chơi của bạn cùng lớp, cô Hương cho biết không có chuyện giáo viên đánh trẻ. “Chiều 26/10, cháu T.S và bạn H.M đùa nghịch lên có va vào nhau. Tôi đã xoa dầu cho T.S và hỏi cháu còn đau không. Cháu nói không nên tôi yên tâm, không báo lại cho cô Phượng về sự việc này”, cô Hương khẳng định.
Bà Nguyễn Thu Hiền, hiệu trưởng Trường mầm non S.O.S sau đó đã tổ chức họp kiểm điểm sự việc. Ngày 8/11, buổi họp diễn ra với sự tham gia của giám đốc làng quốc tế S.O.S, hiệu trưởng trường mầm non, các giáo viên có liên quan và gia đình bé T.S.
Bà Hiền và các giáo viên cũng khẳng định quá trình làm việc nhà trường có thái độ làm việc “nghiêm túc, tình cảm và đúng mực, không có gì thách thức” với gia đình học sinh. Dù giáo viên không đánh học sinh nhưng nhà trường vẫn nhận lỗi vì sơ ý để ảnh hưởng đến sức khỏe cháu bé. Trường cho biết sẵn sàng chuyển lớp cho cháu T.S theo đề nghị của gia đình nhưng không thể kỉ luật giáo viên vì cô Phượng khẳng định không đánh trẻ.
Không đồng ý với cách giải quyết của nhà trường, gia đình bé T.S đã có đơn tố cáo mong làm sáng rõ sự việc.
Sau khi xem xét các giấy tờ liên quan và bản tường trình của 2 giáo viên đứng lớp mẫu giáo bé, ngày 15/11/2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã yêu cầu trường mầm non dân lập S.O.S thực hiện những nội dung sau: Đề nghị rút cô giáo Phượng ra khỏi lớp, bố trí giáo viên khác có trình độ chuyên môn mầm non vào thay thế vị trí của cô Phượng để đảm bảo hoạt động của lớp được diễn ra bình thường và phục vụ cho công tác điều tra.
Cô giáo mầm non bị “tố” dùng vật nhọn đâm học sinh
Ngày 29/10/2012, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã tiến hành điều tra vụ việc hai học sinh của trường mầm non Sao Mai (ở số 33, đường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) bị thương ở bàn tay sau một buổi học ở ngôi trường này.
Theo cơ quan điều tra, Công an phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) nhận được trình báo của gia đình chị Nguyễn Thu Hiền (trú tại phường Vĩnh Phúc) và chị Nguyễn Quỳnh Chi (trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh về việc 2 con của 2 chị bị người khác dùng vật nhọn, đâm nhiều nhát vào 2 lòng bàn tay sau buổi học tại trường mầm non Sao Mai.
Đôi bàn tay của cháu Tuệ như bị kim đâm.
Chị Nguyễn Thu Hiền cho biết, chiều ngày 22/10, chị đón bé Trương Gia Tuệ (4 tuổi) đi học từ trường mầm non Sao Mai về thì nghe cháu kêu đau ở tay và nói là bị cô giáo chủ nhiệm tên Hương đánh. Khi chị xem tay cháu thì hoảng hồn, vì 2 bàn của tay con bị sưng tấy. Xem kỹ hai bàn tay của bé thấy hàng chục vết giống như kim đâm chảy máu.
Khi chị Hiền hỏi lý do gì mà bị đâm như vậy, cháu Gia Tuệ nói rằng: “Do nghịch rèm nên bị cô giáo chủ nhiệm (tên Hương) phạt”. Nghe cháu nói như vậy chị Hiền không tin, nhưng về sau con nói có một bạn khác cũng bị cô đánh nữa thì chị mới tá hỏa.
Ngôi trường nơi 2 cháu theo học
Gặp trường hợp tương tự, chị Nguyễn Quỳnh Chi – mẹ của cháu Lã Phương Vy (3 tuổi) cũng bức xúc khi chiều 22/10, bàn tay của con gái cũng đỏ tấy, xuất hiện nhiều vết đâm ở hai bàn tay sau giờ tan lớp.
Khi biết cả 2 cháu đều bị thương, chị Hiền và chị Chi đã cùng đưa hai cháu đi khám, chữa trị vết thương và phản ánh lên Ban giám hiệu trường mầm non Sao Mai. Hai chị cho biết, cả hai cháu đều nói với gia đình rằng do nghịch rèm nên bị cô giáo phạt.
Đến chiều 25/10, trường đã tổ chức cuộc họp để "hòa giải", có sự chứng kiến của công an phường. Tuy nhiên, nhà trường không lý giải được vì sao hai cháu lại bị thương ở tay mà chỉ nhận trách nhiệm về việc thiếu quản lý trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tại buổi làm việc, gia đình 2 cháu đưa ra 3 yêu cầu: Nhà trường phải đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho các bé trong quá trình học; cô Hương phải nhận lỗi dùng vật nhọn đâm vào tay học sinh; sau 3 tháng phải cho trẻ đi xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý yêu cầu thứ 3.
Theo cô giáo hiệu trưởng, cô Hương sau đó đã được bố trí công việc khác, tạm thời nghỉ giảng dạy chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an. Còn việc không đồng ý yêu cầu cho trẻ đi xét nghiệm HIV sau 3 tháng là do “không biết 3 tháng sau có sự việc gì khác xảy ra với trẻ không”.
CAQ Ba Đình sau đó đã cấp giấy giới thiệu, đưa 2 bé đi xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, kết quả đều âm tính.
Nghi án cô giáo gây tổn thương "chỗ kín" của bé mầm non
Vụ việc cô giáo dạy tại Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn bị tố gây tổn thương ở "chỗ kín" của cháu Lương Minh Hoàng, lớp Hai tuổi A từng khiến dư luận xôn xao vào tháng 4/2010.
Cháu Hoàng điều trị vết thương tại bệnh viện.
Theo chị Bế Thị Như (35 tuổi), trú tại thôn Vĩ Thượng, xã Hoàng Đồng, ngày 30-3, chị đến trường Mầm non Hoa Hồng đón con là cháu Hoàng (sinh ngày 24-8-2007) về nhà thì thấy cháu kêu đau ở bộ phận sinh dục và bảo do cô D vặt. Vết đau sưng tấy, gia đình phải đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa trung tâm thành phố Lạng Sơn khám, bác sỹ yêu cầu cháu nhập viện, điều trị nội trú.
Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh về vụ việc, chiều 31/3, tại trường Mầm non Hoa Hồng, diễn ra buổi họp gồm: lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo, Ban giám hiệu trường, phụ huynh học sinh và năm cô giáo trực tiếp giảng dạy lớp 2 tuổi. Các cô đều một mực cho rằng, không hề làm cháu Hoàng tổn thương.
Trong khi đó, cô giáo H.T.D khẳng định, giữa cô và gia đình phụ huynh không có mâu thuẫn gì, bản thân cháu Hoàng rất ngoan nên khi phát hiện cháu bị tấy đỏ ở dương vật thì cứ nghĩ cháu bị sưng đầu bống, cho đó là chuyện bình thường nên không trao đổi gì với Ban giám hiệu và gia đình.
Về vấn đề cháu Hoàng một mực cho rằng, cô chính là người véo vào chỗ kín, cô D cho biết “bản thân khó lý giải vấn đề này”.
Lời kết: Những vụ việc nói trên cho thấy tình trạng vô cảm đáng báo động của một bộ phận giáo viên mầm non. Theo nhận định của TS Hồ Lam Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm này như: Áp lực công việc lớn, thời gian làm việc nhiều, lương thấp và bị coi thường.
Để giáo viên mầm non thực sự làm việc với cái tâm yêu nghề, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội về ngành học này bằng các chế độ đãi ngộ phù hợp với công việc vất vả và áp lực của họ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ cần thiết không kém là cải cách mô hình đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho giáo viên mầm non. “Không có lòng yêu nghề, yêu trẻ, giáo viên mầm non sẽ làm hỏng những hạt giống đầu tiên của tương lai đất nước” – TS Hồng nói.
Lời kết: Những vụ việc nói trên cho thấy tình trạng vô cảm đáng báo động của một bộ phận giáo viên mầm non. Theo nhận định của TS Hồ Lam Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm này như: Áp lực công việc lớn, thời gian làm việc nhiều, lương thấp và bị coi thường.
Để giáo viên mầm non thực sự làm việc với cái tâm yêu nghề, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội về ngành học này bằng các chế độ đãi ngộ phù hợp với công việc vất vả và áp lực của họ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ cần thiết không kém là cải cách mô hình đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho giáo viên mầm non. “Không có lòng yêu nghề, yêu trẻ, giáo viên mầm non sẽ làm hỏng những hạt giống đầu tiên của tương lai đất nước” – TS Hồng nói.