Những vụ bê bối sữa nhiễm độc rúng động lịch sử
Việc phát hiện các chất độc trong sữa đã trở thành bê bối nghiêm trọng trong ngành công nghiệp sản xuất sữa bột của nhiều quốc gia.
Mới đây, Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh. Trong 4 năm qua, 600 loại sữa bột giả đã được bán ra thị trường, với doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Điều đặc biệt nguy hiểm là các loại sữa bột này được quảng cáo là "dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai".
Trong quá khứ cũng đã từng có rất nhiều vụ bê bối liên quan tới sữa giả, sữa có chất độc gây rúng động dư luận.
Sữa nhiễm melamine
Melamine một chất hóa học công nghiệp thường dùng trong sản xuất nhựa và phân bón, tuyệt đối không được phép có trong thực phẩm. Tuy nhiên, melamine từng được trộn vào sữa để gian lận chỉ số protein, nhằm vượt qua các kiểm tra chất lượng.
Năm 2008, sự việc bùng nổ khi hãng Sanlu Group ở Trung Quốc bị phát hiện cung cấp sữa nhiễm độc. Kết quả điều tra cho thấy ít nhất 6 trẻ em tử vong và hơn 300.000 trẻ em bị nhiễm bệnh, chủ yếu là sỏi thận và tổn thương hệ tiết niệu.

Sữa nhiễm melamine bị tiêu huỷ.
Sau vụ việc, hàng loạt sản phẩm của các hãng lớn như Sanlu, Mengniu, Yili, Bright Dairy của Trung Quốc đều bị phát hiện có chứa melamine.
Hai năm sau thảm họa sữa nhiễm melamine từng gây chấn động toàn cầu, Trung Quốc một lần đã phát hiện hàng chục tấn sữa bột giả chứa melamine tiếp tục xuất hiện trên thị trường.
Cụ thể, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thu giữ hơn 64 tấn sữa bột nhiễm độc tại nhiều tỉnh như Thanh Hải, Cam Túc, Thiểm Tây và Quảng Tây.
Sữa nhiễm arsenic (thạch tín)
Đây là một thảm họa y tế nghiêm trọng trong lịch sử của Nhật Bản, thường được gọi là "Vụ ngộ độc sữa Morinaga" (Morinaga Milk Arsenic Poisoning Incident), xảy ra năm 1955.
Hàng chục nghìn trẻ sơ sinh bị nhiễm độc do sử dụng sữa bột Morinaga chứa thạch tín – một chất cực độc gây tổn thương hệ thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân xuất phát từ việc nguyên liệu dicalcium phosphate – chất bổ sung khoáng được sử dụng trong sữa – bị nhiễm thạch tín ở mức nguy hiểm, nhưng không được kiểm tra đúng quy trình. Lỗ hổng trong công tác kiểm định chất lượng cùng sự lỏng lẻo của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm thời hậu chiến đã khiến hàng nghìn trẻ em Nhật Bản trở thành nạn nhân.
Theo thống kê, hơn 12.000 trẻ sơ sinh đã bị ảnh hưởng bởi vụ nhiễm độc, trong đó ít nhất 130 trẻ tử vong. Phần lớn các em còn sống phải chịu di chứng nghiêm trọng như tổn thương não, liệt vận động, hoặc chậm phát triển trí tuệ.
Đây là một trong những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản, dẫn đến việc cải tổ toàn diện hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm của nước này.
Ngoài 2 chất độc trên, thế giới từng ghi nhận các vụ bê bối sữa chứa chì, chất tạo sánh công nghiệp, vi khuẩn Salmonella…
Cách phân biệt sữa thật và sữa giả
Thạc sĩ - Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - cho biết rất khó để xác định sữa thật - sữa giả bằng mắt thường nhưng phụ huynh có thể lưu ý một số yếu tố sau:
- Màu sắc và độ mịn: Sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều. Sữa giả có thể có màu lạ, bột thô hoặc vón cục.
- Mùi vị: Sữa thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Sữa giả có thể không mùi hoặc có mùi hóa chất.
- Khả năng hòa tan: Sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Sữa giả thường nổi bột, khó tan, để lại nhiều cặn.
- Bao bì: Sản phẩm chính hãng thường có in ấn rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin theo quy định. Bao bì sữa giả thường bị mờ, lệch màu, thiếu thông tin bắt buộc.
Bác sĩ Ngọc Lợi khuyến cáo, phụ huynh khi lựa chọn sữa cho trẻ cần lưu ý:
- Chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc.
- Kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất.
- Tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như livestream, mua qua mạng xã hội, hoặc sản phẩm có giá thấp bất thường.
- Nên ưu tiên những nhãn hiệu đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan y tế.