Những việc bạn nên làm để kỳ kinh nguyệt trôi qua một cách an toàn và khỏe mạnh
Bạn có thể sẽ không cảm thấy mệt mỏi khi kỳ kinh nguyệt "ghé thăm" nhờ những mẹo nhỏ sau.
Đối với con gái, kinh nguyệt giống như một cơn ác mộng mỗi tháng vì nó đem lại cảm giác khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, chỉ cần thay thế một vài thói quen xấu bằng các hành động nhỏ sau, chu kỳ của bạn sẽ trôi qua một cách nhẹ nhàng và êm đềm hơn.
Kiểm soát stress
Stress là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn kinh nguyệt. Do vậy, không có gì lạ khi bạn càng căng thẳng, kỳ kinh nguyệt càng kéo dài hoặc biến mất, ngắt quãng một cách khó chịu. Thêm vào đó, stress còn khiến cơn đau bụng dưới của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy cố gắng kiểm soát stress và tìm cách loại bỏ nó để bạn không phải đối mặt với những rắc rối không đáng có trong kỳ kinh nguyệt.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Thay vì tập những môn thể thao nặng, bạn có thể chỉ áp dụng một vài động tác thể dục đơn giản nhằm thúc đẩy quá trình lưu thông máu và trao đổi chất. Kỳ kinh nguyệt thường đến kèm theo cảm giác đau thắt và đầy bụng. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện tình trạng này với những bài tập nhẹ nhàng từ 10 - 20 phút mỗi ngày. Ngoài ra, tập thể dục đổ mồ hôi còn có tác dụng thải độc, xả tress và giúp bạn cảm thấy thoải mái, sảng khoái hơn.
Uống nhiều nước
Trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể bạn không chỉ mất đi một lượng máu đáng kể mà còn đào thải ra một lượng nước không hề ít. Do vậy, bạn cần phải bổ sung đủ nước để bù vào lượng nước thiếu hụt. Ngoài ra, uống nước còn giúp bạn làm dịu cảm giác mệt mỏi, khó chịu, bức bối do kinh nguyệt mang lại. Hãy đảm bảo uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bạn có thể uống nước lọc hoặc nước ép hoa quả để bổ sung thêm vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể trong giai đoạn này.
Ngủ sớm
Thức khuya cũng là tác nhân phổ biến làm gia tăng cảm giác mệt mỏi và kiệt sức trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Nó gây mất cân bằng giữa các loại hormone, giảm lượng estrogen và làm tăng nguy cơ stress. Nếu bạn không đi ngủ sớm, các cơn đau bụng dưới có thể kéo dài âm ỉ do cơ thể không được nghỉ ngơi, thư giãn và hồi sức trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, tình trạng ngủ muộn kéo dài có thể khiến bạn đối mặt với chứng rối loạn kinh nguyệt kèm các dấu hiệu như rong kinh, mất kinh…
Nguồn: Sheknows