Những trường hợp mang bầu nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con

Nhã Đan,
Chia sẻ

Những trường hợp chị em có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thiếu máu, tiểu đường khi mang bầu có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con.

Mang họa vì chủ quan khi mang bầu

Chị Mai Hoa, 28 tuổi ở Bình Định có tiền sử bị thiếu máu. Chính vì đã đã quá quen với tình trạng dễ mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn của mình nên khi mang thai chị chủ quan không để ý tới vấn đề này. Thậm chí khi những triệu chứng này tăng lên, chị vẫn nghĩ mình hoàn toàn bình thường và do mang thai nên bị như vậy. Mối quan tâm của chị khi đi khám thai chỉ là con có khỏe không, có lên cân hay không mà thôi. 

Khi mang thai tới tuần thứ 30, chị thấy những cơn mệt mỏi, choáng váng tăng lên. Sau mấy lần ngất xỉu, chị mới vào viện khám. Tại đó, bác sĩ thông báo thai trong bụng chị bị suy nặng do lượng hồng cầu trong cơ thể mẹ bị giảm nhiều.

Cũng một trường hợp bà bầu khác là chị Linh My, ở Hà Đông, Hà Nội. Chị My có tiền sử mắc bệnh tiểu đường từ trước. Thế nhưng bỏ ngoài tai sự tư vấn, căn dặn của các y bác sĩ, chị vẫn “ăn cho hai mẹ con”, có bầu tới tháng thứ 7, mặc dù đã tăng tới 16 kg nhưng chị vẫn chưa hài lòng vì cho rằng... con vẫn còn bé. Không hề kiêng khem và tiếp tục tẩm bổ, chị cứ nghĩ như vậy mới tốt cho con. Kết quả là chị tăng cân vèo vèo trong quá trình mang thai.

Những trường hợp mang bầu nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con 1
Bà bầu đi khám thai (Ảnh minh họa, Chí Toàn) 

Đến khi thai được 32 tuần tuổi, chị My đi khám thì được bác sĩ kết luận thai nhi có một số khuyết tật mà nguyên nhân có thể là do tình trạng tiểu đường thai kỳ của người mẹ gây ra.  

Một trường hợp khác, chị Phương Thúy, 22 tuổi (Nam Định) mang thai tới tháng thứ 8 phải nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực trái, nhịp tim đập nhanh 180-200 lần/phút (bình thường là khoảng 60-100 lần). Khi thấy tình trạng bệnh của chị diễn biến theo chiều hướng tiêu cực một cách nhanh chóng, bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật bắt con kịp thời cứu tính mạng của cả hai mẹ con mặc dù chưa tới ngày chuyển dạ. Được biết, trước khi mang thai, chị đã có tiền sử mắc bệnh tim

Bà bầu có tiền sử mắc bệnh: Chủ quan một ly… đi một dặm

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho rằng, mang thai là cả một quá trình vất vả của người mẹ khỏe mạnh chứ chưa nói đến những người mẹ có tiền sử mắc bệnh. 

Những trường hợp chị em có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thiếu máu, tiểu đường khi mang bầu càng có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng. Khi mang thai, do sự thay đổi lớn trong cơ thể người mẹ, những triệu chứng của bệnh mới thực sự bộc lộ rõ, nhất là trong bốn tháng cuối và điều này ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. 

Nhiều bà bầu khi có hiện tượng như khó thở, tức ngực, mệt mỏi, thở dốc, choáng váng... lại lầm tưởng, cho rằng hoàn toàn bình thường trong quá trình mang thai và bỏ qua. 

Những trường hợp mang bầu nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con 2
Bác sĩ Kim Dung cho rằng những trường hợp chị em có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thiếu máu, tiểu đường khi mang bầu có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng.(Ảnh: Phương Lê)

Bác sĩ Dung cho biết, những chị em mắc bệnh tim sẽ khiến thai nhi phát triển không tốt, dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Vì khi mang thai, tim thai phụ co bóp nhiều hơn để đưa máu, oxy lên nuôi thai nhi, do đó, tim càng phải hoạt động nhiều, bệnh tim lúc này càng dễ bộc phát hơn, bà mẹ rất dễ bị suy tim. Những bà mẹ bị suy tim trong thai kỳ thường sẽ được bác sĩ khuyên nên bỏ thai.  

Vì thế với những phụ nữ mắc bệnh tim, nếu muốn mang thai cần được tư vấn kỹ càng, theo dõi của bác sĩ trước và trong thời gian mang thai đến lúc chuyển dạ để phát hiện và xử lý kịp thời những biến cố.

Đối với tiểu đường, bác sĩ Dung khuyên bà bầu đã có tiền sử mắc bệnh thì phải điều trị đường huyết thật ổn định rồi mới nên có thai. Nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai thường hay xảy ra ở những người sống trong gia đình có tiểu sử bệnh tiểu đường, ăn uống không khoa học. Vì thế, trong quá trình mang thai, chị em nên ăn uống hợp lý, thức ăn đa dạng song cần chú ý tới dinh dưỡng, hợp vệ sinh, ăn đủ tránh tăng cân quá nhiều, đồng thời phải có chế độ nghỉ ngơi. Ngoài ra khi thai được 24 tuần, chị em nên làm nghiệm pháp tăng đường huyết.

Những trường hợp bà bầu mắc tiền sử thiếu sắt, thiếu máu tuy không phổ biến nhưng không phải là không có. Thiếu máu thường xảy ra ở những bà bầu có chế độ dinh dưỡng kém, ăn kiêng, bị sốt rét, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, giun móc. Nhóm bà bầu này nên đi khám sức khỏe định kỳ. Bà mẹ thiếu sắt có thể khiến con sinh ra bị thấp bé nhẹ cân thậm chí là sinh non, thai chết lưu nếu không được phát hiện kịp thời. 

Ngoài chế độ ăn uống, bà bầu cũng cần bổ sung sắt. Bà mẹ nên uống viên sắt từ lúc bắt đầu có thai, uống trong suốt thời kỳ mang thai và tiếp tục đến sau khi sinh theo chỉ định của bác sĩ. Bà bầu nên hạn chế tối đa ăn uống tại những hàng quán không hợp vệ sinh, bởi ăn uống mất vệ sinh sẽ khiến bà bầu bị giun sán và điều này dẫn tới thiếu máu. Bác sĩ còn cho biết, chị em không nên lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, ngoài những tác hại như đã biết, thuốc tránh thai khẩn cấp còn khiến cơ thể bị mất máu gây nên thiếu máu. 

Để phòng ngừa, phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp các bệnh lý trên, chị em trước khi có thai cần được thăm khám cẩn thận. Nếu đã có thai thì chị em nên đi khám thai sớm, tuân thủ theo đúng lịch trình qui định, hướng dẫn, căn dặn của bác sĩ. 



Nhờ tiến bộ y tế, cha mẹ có thể thấy con mình ngay từ lúc còn trong bụng mẹ qua hình ảnh siêu âm 2D, 3D, 4D. Tuy nhiên, có người cho rằng, siêu âm không tốt cho bà bầu.
Những trường hợp mang bầu nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con 3
Chia sẻ