Những "thủ phạm" ẩn nấp trong siêu thị có thể lây nhiễm bệnh cho bạn bất kì lúc nào mà không biết
Xe đẩy siêu thị, thịt sống đóng gói, thói quen sử dụng túi nhựa tái chế đựng thực phẩm và ngay cả hóa đơn thanh toán... cũng chứa những mầm bệnh nguy hiểm, gây hại sức khỏe bạn thường chủ quan bỏ qua.
Siêu thị là nơi mua sắm tiện dụng cho bạn và gia đình. Chỉ cần vào siêu thị, bạn đã có thể mua sắm đầy đủ các loại đồ dùng cũng như những loại thực phẩm ăn uống đổi bữa đủ món cho cả tuần. Đó chính là lý do cứ đến cuối tuần, các hộ gia đình lại kéo nhau đi siêu thị rất đông. Tuy nhiên, thói quen tiện lợi này cũng đi kèm những nguy cơ, rủi ro về sức khỏe. Nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ những loại thực phẩm ra xe đẩy, túi ni lông, máy cắt thịt đông lạnh... sẽ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là bị nhiễm khuẩn E.coli, Salmonella gây nên những căn bệnh nguy hiểm như tiêu chảy cấp tính, viêm màng não... Dưới đây là một số những vật dụng bạn cần chú ý khi đi siêu thị để phòng tránh lây nhiễm bệnh không đáng có:
Xe đẩy siêu thị
Vào ngày 13/9 vừa qua, sau khi đưa con đi siêu thị, bé sơ sinh 10 tháng tuổi, con trai chị Vivienne Wardrop (Úc) đột ngột lên cơn sốt cao. Người mẹ chia sẻ, buổi sáng sau hôm đi siêu thị về, chị bế con ra khỏi giường thì phát hiện con bị tiêu chảy nghiêm trọng. Bác sĩ chẩn đoán con trai chị bị mắc Rotavirus, ngộ độc khuẩn Salmonella và có dấu hiệu viêm màng não. Nghĩ đến những nguyên nhân khiến con mắc bệnh, người mẹ quả quyết là do chiếc xe đẩy trong siêu thị gây nên.
Có thể nói, không ai không biết đến sự tiện lợi của chiếc xe đẩy trong siêu thị. Nhờ xe đẩy, bạn sẽ thấy việc mua sắm của mình vô cùng tiện lợi. Chỉ cần đẩy xe nhẹ nhàng là có thể chở được bao nhiêu món đồ cho cả gia đình. Tuy nhiên, sự tiện lợi này đôi khi không đảm bảo vệ mặt vệ sinh. Hàng hóa để vào xe đẩy bao gồm cả thực phẩm lẫn đồ gia dụng. Mặc dù đã được bọc kín trong túi ni lông nhưng khả năng vi khuẩn xuất hiện, sinh sôi trong bên trong xe đẩy là hiện tượng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhất là với xe đẩy siêu thị không thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, hoặc do sự chủ quan của con người nên có nguy cơ cao chứa đựng cả ổ vi khuẩn.
Theo Foxnews, xe đẩy siêu thị chính là một trong những nơi nhiều vi khuẩn nhất mà hầu như ít ai để ý. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona cho biết, 72% những xe đẩy trong siêu thị chứa vi khuẩn gây bệnh như E.Coli. Ngoài những vi khuẩn từ người đi mua sắm khác, mầm bệnh từ thịt sống cũng cư ngụ tại đây.
Thịt sống đóng gói
Những loại thịt sống như thịt gà, thịt lợn, cá… đựng trong túi ni lông trong suốt có vẻ vô trùng. Nghiên cứu tại trường Đại học Tennessee State cho biết, khoảng 50% các gói thịt gia cầm sống chứa vi khuẩn, bao gồm khuẩn coliform gây bệnh tiêu chảy và E. coli ở bên ngoài.
Trước khi đặt miếng thịt vào túi ni lông nhựa trong suốt và để đông lạnh, tay của người nhặt thịt có thể làm dính nước từ miếng thịt ra bên ngoài những chiếc túi ni lông. TS Sandria Godwin (Đại học Tennessee State), trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định, điều này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh vì ở nhiệt độ đông lạnh, vi khuẩn vẫn có khả năng sinh sôi.
Tiến sĩ Mark Holmes (Đại học Cambridge) từng nghiên cứu 189 mẫu thịt gà và thịt lợn chia sẻ thêm: "Mức độ kháng thuốc của E coli trong những mẫu thịt mà chúng tôi đã tìm thấy đáng lo ngại vì có khả năng kháng thuốc. Mỗi khi có người mắc bệnh, thay vì chỉ bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nhiễm khuẩn E.coli cũng có thể bị rơi vào tình trạng kháng kháng sinh".
Hơn nữa, nguy cơ càng lây lan khi người mua hàng lật xem hàng hóa. Việc nhặt thịt lên xem, sau đó bỏ xuống rồi chạm tay vào những loại thực phẩm khác càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Điều này có thể khắc phục nếu bạn luôn lau rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch kháng khuẩn sau khi chọn xong một món hàng nhưng cần phải lau khô sau khi rửa xong. “Mặc dù tay đã rửa sạch nhưng vẫn còn ướt, sẽ khiến vi khuẩn phát sinh mà bạn không thể ngờ được”, Tiến sĩ Godwin (Đại học Tennessee) cho hay.
Túi nhựa tái chế
Bạn đang giúp ích môi trường bằng cách sử dụng những chiếc túi nhựa tái chế. Tuy nhiên, thói quen sử dụng túi tái chế trong việc mua đồ tại siêu thị là một việc làm hủy hoại sức khỏe của bạn. TS Godwin khẳng định: “Vi khuẩn có thể tồn tại, sinh sôi từ thịt cũng như các sản phẩm rau củ quả, đồ ăn khác, chuyển sang môi trường túi ni lông và tồn tại bình thường trong khoảng 4 tháng nếu không có sự can thiệp nào”.
Nghiên cứu của Đại học Arizona cho thấy, 50% các loại túi từng đựng thực phẩm một lần rồi được tái chế đựng lần thứ 2 trở đi có chứa nhiều vi khuẩn – nguyên nhân gây nên tiêu chảy, nôn mửa. Tuy nhiên, chúng ta thường không mấy khi ý thức việc làm sạch túi trước khi đựng vào lần tiếp theo, hoặc làm sạch không đúng cách.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đã là đồ ăn, thực phẩm nói chung, nhất là những loại thực phẩm ướt, chứa dầu mỡ thì tốt nhất không được sử dụng túi ni lông để đựng chứ đừng nói đến túi tái chế. Nguy cơ thôi nhiễm những chất độc hại từ túi ra thực phẩm cực cao, gây ra một loạt bệnh khó tránh.
Máy cắt thịt đông lạnh
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, trên bề mặt của 1 trong 10 mẫu thịt được cắt, thái khi đông lạnh tại siêu thị có chứa vi khuẩn Listeria monocytogenes. Nếu bị nhiễm khuẩn Listeria, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng giống cúm như đau đầu, cứng cổ, sốt và viêm màng não. Nhiễm khuẩn Listeria cũng có thể khiến phụ nữ sảy thai, thai chết lưu, sinh non.
“Các công đoạn cắt, thái, rồi mở, gói thịt, rồi việc quản lý các loại thịt thực tế thường bị lơ là hoặc khó có thể kiểm soát hết được. Do đó, máy cắt thịt thường không được làm sạch sẽ đủ tiêu chuẩn giữa những lần sử dụng, tạo điều kiện cho vi khuẩn lan truyền”, Godwin nói. Chuyên gia khuyên, thay vì mua thịt đông lạnh được cắt qua máy cắt, chúng ta nên mua thịt, pho mát được đóng gói hút chân không được đóng gói sẵn trong nhà máy thì nguy cơ lây nhiễm của vi khuẩn sẽ giảm đáng kể.
Khu vực rau quả
Các nhân viên siêu thị có thể tưới nước cho rau quả để giữ tươi cho chúng, nhưng máy phun sương dễ nuôi vi khuẩn. Nếu hít phải sương từ máy ấy phun ra, bạn dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Do đó, nếu nhân viên đang phun nước lên rau quả, tốt nhất nên tránh quay lại chọn đồ sau.
Hóa đơn mua hàng
Trong mực in của các tờ hóa đơn chứa chất bisphenol A, chất này liên quan chặt chẽ với bệnh ung thư, hen suyễn, bệnh tim mạch… Hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa đơn mua hàng. Tốt nhất đừng chạm vào biên lai mua hàng, sau khi tiếp xúc tốt nhất nên rửa tay kỹ bằng xà phòng.
Băng chuyền tải hàng
Tiến sỹ Michael Schmidt – nhà sinh vật học của trường Đại học Nam California cho biết, các mặt hàng nông sản như gia cầm, cá tươi sống đặt trên các băng chuyền tải hàng, dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo vi khuẩn. Trong đó, khuẩn E.coli, khuẩn Staphylococcus aureus đều có thể gây ngộ độc thực phẩm. Vì lý do an toàn, bạn không nên chạm tay lên băng chuyền.
(Nguồn: Theguardian, Menshealth)