Điều gì đang rình rập bạn từ bình đựng nước làm từ nhựa tái chế vẫn sử dụng để uống hàng ngày?
Nếu sử dụng nhựa tái chế để làm bình đựng nước uống thì đừng quên rằng chất độc từ vỏ bình – chính là nhựa tái chế có khả năng thôi nhiễm ra nước uống.
Bình nhựa tái chế dùng để đựng nước phổ biến trong cuộc sống hiện đại
Trong cuộc sống hiện đại, dường như mọi thứ đều cần gấp gáp hơn nữa để tiết kiệm thời gian, dành thời gian làm những công việc khác. Thế nên, thay vì đun nước để uống hàng ngày, nhiều người tiện tay gọi ngay những bình nước lọc có giá dao động từ 11.000-15.000 đồng tùy vào dung tích nước trong bình cũng như nơi cung cấp.
Khó có thể nói hết công dụng của những chiếc bình chưa được đến 20 l nước này. Thay vì mỗi sáng hoặc mỗi tối bạn phải cắm siêu điện hay đặt siêu lên bếp ga đun, giờ đây bạn hoàn toàn có thể bấm điện thoại và một chiếc bình nước sẽ đến cửa nhà để sẵn sàng phục vụ nhu cầu nước uống chỉ trong vòng một nốt nhạc. Sau khi uống hết, bạn lại gọi một bình mới. Chỉ cần đưa lại bình cũ là bạn đã có bình nước mới đầy ăm ắp, ngọt mát dễ chịu mà chỉ mất không quá 15 nghìn đồng.
Cũng giống như ở nhà, bình nước đóng sẵn này đặc biệt có lợi cho dân công sở nói chung. Làm việc chốn công sở vốn đông đúc người, không thể đun nấu nước liên tục cho cán bộ công nhân viên giờ đã không còn là vấn đề gì quá to tát. Hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng ngày, nhiều xe chuyên chở các bình nước được đóng cẩn thận sẽ đậu sẵn để phục vụ cho sức uống của anh chị em trong công ty. Để mua những bình nước này, giá sẽ rẻ như bèo, hơn hẳn việc đun sôi lọc lọc mất công mất sức mà bình thường chúng ta vẫn làm với nước uống. Với một công ty mấy trăm con người mà phải làm theo cách này thì không biết bao giờ nhân viên mới cảm thấy uống đủ nước mỗi ngày. Nói như vậy để bạn nhớ rằng, không chỉ tiện lợi đâu, bình tái chế đựng nước uống lại có giá hạt dẻ, được quảng cáo là qua bộ máy lọc cao cấp, tiên tiến nên càng kích thích người tiêu dùng sử dụng.
Mọi chuyện sẽ không có gì nếu chúng ta bàn đến một vấn đề khác. Vấn đề ở đây là mặc dù là nước uống vào miệng nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng nó đạt tiêu chuẩn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho chúng ta hay không?
Ở đây chúng ta hãy khoan bàn tới vấn đề nước uống! Hãy xem xét đến những chiếc vỏ chai nhựa đựng nước. Đó chính là nhựa tái chế. Dù là nhựa tái chế loại nào thì khi sử dụng để đóng lại nước cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Đó là chưa kể thời gian để nước lâu trong bình mới sử dụng đến, khiến nhựa thôi nhiễm vào nước gây hại cho đường tiêu hóa, tích lũy vào các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể…
Nói về vấn đề nơi sản xuất thì có lẽ lại càng khiến chúng ta hoang mang hơn. Bình thường bạn uống nước, có bao giờ bạn để ý xem bên ngoài chiếc bình nhựa ấy có những thông tin gì? Thậm chí nhiều nơi sản xuất chỉ có nguyên vỏ bình màu xanh, không hề có dấu vết gì in lên trên vỏ. Liệu bạn có tự tin cho rằng thứ nước mình đang uống từ đó là đảm bảo sạch sẽ, được lọc qua một hệ thống lọc nước cao cấp hay được đun sôi trước khi đóng bình…? Chúng ta dường như không ai để ý đến những điều này mà chỉ suy nghĩ đơn giản “khi khát thì cần uống nước” cho đến khi có người đặt ra câu hỏi ấy.
Hiểm họa từ bình nước tái chế rẻ tiền không rõ xuất xứ
Một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Ấn Độ cho hay, tái sử dụng những chai nhựa đựng nước có thể mất vệ sinh hơn cả việc ngậm những món đồ chơi của chú cún trong gia đình bạn. Kết quả này được đăng tải trên trang web trực thuộc Bộ Y Khoa Ấn độ chỉ vài tuần trước. Theo như nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện được khoảng 300 triệu vi khuẩn trên mỗi xen-ti-mét vuông vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Tái sử dụng những chai nhựa sẽ đẩy bạn tới nguy cơ tiếp xúc lượng vi khuẩn cực lớn. Tiến sĩ Abla Sanda, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, việc sử dụng những chai nước này thậm chí còn tệ hơn việc bạn dùng bữa trên khay thức ăn của thú nuôi - nơi được ghi nhận chỉ có khoảng 2000 vi khuẩn tồn tại.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa), bình nước tái sử dụng vốn dĩ sản xuất ra là để sử dụng nhiều lần chứ không ai sử dụng rồi vứt bỏ đi sau một lần dùng. Vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây chính là bình đựng nước này được sản xuất ở đâu, có an toàn cho sức khỏe hay không.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa), bình nước tái sử dụng vốn dĩ sản xuất ra là để sử dụng nhiều lần chứ không ai sử dụng rồi vứt bỏ đi sau một lần dùng. Vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây chính là bình đựng nước này được sản xuất ở đâu, có an toàn cho sức khỏe hay không.
“Nguyên tắc khi tái sử dụng đồ nhựa là tái chế và sử dụng cho đến khi hỏng thì thôi nhưng chỉ được tái sử dụng khi sản phẩm đó vẫn lành lặn, nguyên vẹn để dùng được, trong trường hợp này là bình đựng nước vẫn đựng được nước sau khi uống hết rồi. Nói về vấn đề tái sử dụng, chúng ta cần biết rằng chất liệu ban đầu tạo nên loại chai nhựa này có phải là loại được kiểm soát hay không. Những loại bình nhựa này được sản xuất nhan nhản khắp nơi nên rất có khả năng sản xuất từ loại nhựa không đảm bảo. Nếu sản xuất từ loại nhựa phế liệu thì càng nguy hiểm vì những loại nhựa này về nguyên tắc là không được sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Ông khẳng định, việc tái chế đồ để sử dụng lại là rất bình thường. Giống như các nhà sản xuất bán bia cho chúng ta, sau khi chúng ta uống xong, họ sẽ có cơ chế để thu mua lại vỏ để tái chế lại và đựng bia như lon bia mới. Cách sử dụng nhiều lần như vậy được gọi là tái sử dụng.
“Tuy nhiên, nếu sử dụng nhựa tái chế để đựng nước uống thì đừng quên rằng chất độc từ vỏ bình – chính là nhựa tái chế có khả năng thôi nhiễm ra nước uống. Điều này rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng tùy thuộc vào mức độ uống nhiều hay ít, lâu hay chóng loại nước đóng bình này”, PGS.TS Thịnh cho hay.
Theo chuyên gia, Bộ Y tế cần phải kiểm soát được ngay từ những loại nhựa đầu tiên khi chế tạo ra những bình đựng nước này. Hiện nay, đồ nhựa không phải được sử dụng cho tất cả mà mỗi thứ phải có một loại nhựa riêng. Nói như vậy có nghĩa là bình đựng nước tái chế cũng phải được sản xuất từ loại nhựa dành riêng để đựng nước uống. Do đó mỗi chiếc chai nhựa đựng nước không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cần được đánh giá xem chất liệu nhựa đó có được dùng không, nếu được dùng thì có được tái chế không…
“Trong vệ sinh an toàn thực phẩm, những loại nhựa đều là polyme, được tạo từ mắt xích monome. Nếu nhựa được sản xuất, tái chế không đảm bảo sẽ khiến mắt xích monome tan vào trong nước. Khi uống vào sẽ tích tụ trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe”, chuyên gia lý giải.
Trong khi đó, công đoạn gia công bằng những chất hóa dẻo, kim loại nặng, chất màu như màu xanh xanh tan vào trong nước từ bình đựng nước tái chế cũng gây độc cho cơ thể. Từ đó kéo theo những căn bệnh không thể ngờ được vì trong mỗi bình nước ấy có hàng trăm chất khác nhau được thôi ra hòa vào nước uống, nhẹ thì những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nặng hơn có thể là những bệnh liên quan đến ung thư… Đó là còn chưa kể đến trường hợp nước uống không đảm bảo hệ thống lọc tiên tiến, thậm chí nhiều người chuộc lợi bằng cách đổ nước giếng, nước máy vào rồi bán như thường. Mức giá kia tưởng là rẻ hóa ra lại thành cắt cổ.
Theo ông Thịnh, giải pháp để chấm dứt hoàn toàn những nguy hại cho sức khỏe đến từ bình đựng nước tái chế chỉ có thể là sự can thiệp của nhà nước. Nhà nước cần có quy chế siết chặt những nơi sản xuất nhựa tái chế có đảm bảo không, đúng loại nhựa đựng nước hay không, quy trình sản xuất có bị cắt xén, gian lận hòng chuộc lợi tư nhân hay không… Về phía người tiêu dùng, giải pháp tốt nhất vẫn là đun nước đun sôi để uống hàng ngày, tránh bị nhiễm độc từ vỏ nhựa tái chế đựng nước.