Những thói quen không ngờ gây ảnh hưởng sức khỏe não bộ, là phụ nữ càng cần chú ý
Những thói quen không lành mạnh và việc làm sai lầm này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe não bộ.
Một số thói quen hàng ngày ít được biết đến lại có thể làm suy giảm nhận thức. Jessica Caldwell, nhà tâm lý học thần kinh kiêm giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh Alzheimer ở phụ nữ trực thuộc Viện Cleveland cho biết, thay đổi một trong những thói quen này sẽ tác động không nhỏ tới cách thức hoạt động của não bộ, giúp bạn khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn. Mọi người nên hành động ngay vì bây giờ vẫn chưa quá muộn. Dưới đây là tổng hợp những thói quen gây ảnh hưởng tới sức khỏe não và cách khắc phục đến từ chuyên gia:
Rahul Jandial, chuyên gia y khoa, nhà khoa học giải phẫu thần kinh tại Los Angeles giải thích, chuyển động giữ cho các động mạch não mở rộng, từ đó cho phép tế bào thần kinh mỏng manh được cung cấp đủ máu để hoạt động. Nói cách khác, vận động làm tăng lưu lượng máu, vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu đến não.
Ngoài ra, ngồi lâu cũng gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý. Trái lại, những hoạt động thể chất lại giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, hai yếu tố có lợi cho sức khỏe não.
Để khắc phục tình trạng này, mọi người nên vận động thường xuyên, đồng thời tránh ngồi trong thời gian dài. Người trưởng thành nên thực hiện ít nhất 150 phút rèn luyện sức khỏe mỗi tuần ở cường độ trung bình hoặc 75 phút tập aerobic cường độ mạnh.
Hạn chế giao tiếp
Theo chuyên gia Rahul, bỏ qua giao tiếp xã hội có thể phá hoại sức khỏe não. Sự cô đơn có liên quan đến chứng trầm cảm và dẫn tới tình trạng suy giảm nhận thức.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Lão khoa vào năm 2020 đã chỉ ra, những người ít giao tiếp hoặc tham gia các hoạt động tập thể có xu hướng mất chất xám ở các vùng trong não, dễ phát triển chứng sa sút trí tuệ trong tương lai.
Nghe nhạc lớn
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tai và thính giác vào năm 2014, tiếp xúc lâu với tiếng ồn lớn sẽ ảnh hưởng tới khả năng xử lý của não. Mặc dù được thực hiện trên động vật, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với con người. Theo thời gian, mất thính giác có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ.
Theo Viện Hàn lâm Thần kinh học của Mỹ, âm thanh không được vượt qua 70dBA và nếu con số này lên đến 85dBA, bạn có nguy cơ bị hỏng thính giác trong tương lai.
Thiếu ngủ
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sleep đã chỉ ra, hiệu suất nhận thức, bao gồm các kỹ năng ghi nhớ, lý luận, giải quyết vấn đề và giao tiếp, bị suy giảm ở những người có thói quen ngủ ít hơn 7-8 tiếng mỗi đêm.
Do đó, ngủ đủ giấc là việc làm cần được ưu tiên hàng đầu. Tập thể dục, yoga và thiền định thường xuyên cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Hút thuốc
Không chỉ gây ung thư, bệnh tim và các bệnh liên quan đến phổi, hút thuốc lá sẽ tàn phá hầu hết mọi cơ quan, trong đó bao gồm cả bộ não. Chuyên gia Rahul cho biết, thói quen này làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu, gây hẹp động mạch, từ đó giảm lưu lượng máu đến não.
Nhìn chung, bộ não càng nhận được ít oxy thì chúng càng thiếu đi chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động hiệu quả.
Tiêu thụ nhiều đường
Nghiên cứu trên động vật tại Trường Y Harvard đã chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ đường với tình trạng lão hóa tế bào, hay quên và suy giảm nhận thức.
Trên thực tế, bạn có thể nhận thấy rõ hậu quả của việc hấp thụ quá nhiều đường ở những người mắc bệnh tiểu đường, tình trạng sức khỏe khiến lượng đường trong máu tăng cao. Theo Trường Y Harvard, thói quen ăn nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng đến chức năng não và khả năng nhận thức.
Dư thừa natri
Dư thừa natri có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao. Tăng huyết áp mãn tính sẽ làm giảm lưu lượng máu đến não, khiến bộ phận này dễ bị teo và suy giảm nhận thức.
Cách khắc phục tình trạng này là hạn chế tiêu thụ thức ăn sở hữu hàm lượng natri cao. Những người từ 14 tuổi trở lên chỉ nên hấp thụ 1500 miligam natri mỗi ngày.
Uống quá nhiều rượu
Theo Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Lạm Dụng Rượu và Nghiện Rượu (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism, NIAAA), ngoài các tác dụng phụ tạm thời như mờ mắt, nói lắp và phản ứng chậm, uống nhiều rượu còn có thể gia tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng liên quan tới não. Sử dụng loại đồ uống này trong thời gian dài dễ dẫn tới teo não và gây ra sự thiếu hụt chất trắng trong não, các sợi trục có tác dụng truyền thông tin giữa chất xám. Do đó, theo CDC, mọi người chỉ nên uống tối đa 2 ly rượu mỗi ngày.
(Nguồn: Livestrong)