Những tác dụng phụ bạn cần biết khi ăn nhiều sầu riêng

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Sầu riêng là loại quả có mùi rất đặc trưng và được nhiều người ưa thích. Mặc dù ăn ngon và bổ, nhưng ăn nhiều sầu riêng cũng có những tác hại nhất định mà nhiều người chưa biết.

Giá trị dinh dưỡng

Theo Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), trong 100g phần ăn được của sầu riêng, có chứa các chất sau: nước 66,8g, protein 2,5g, glucid 28,3g, lipid 1,6g, tro 0,8g, các chất khoáng vi lượng: Ca 20mg, P 63mg, Fe 0,9 mg, K 601mg, muối Na 1mg; các vitamin: thiamin (B1) 0,027mg, riboflavin (B2) 0,29mg, niacin (B3) 1,2mg, acid ascorbic (C) 37mg, A 10 IU, cung cấp 124 calo.

Qua đó ta thấy hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác.

ăn sầu riêng
Sầu riêng là loại quả có mùi rất đặc trưng và được nhiều người ưa thích. Ảnh minh họa

Tác dụng chữa bệnh của sầu riêng



Sầu riêng là nguồn dồi dào chất xơ, một chất quan trọng, có tác dụng hấp thu nước và giúp nới rộng đường tiêu hóa một cách nhẹ nhàng, giúp tăng cường quá trình vận chuyển chất thải qua hệ tiêu hóa hiệu quả.

Phòng bệnh thiếu máu

Bệnh thiếu máu không chỉ gây ra bởi tình trạng thiếu hụt chất sắt trong cơ thể. Sự thiếu hụt chất folate có thể gây ra dạng thiếu máu gọi là thiếu máu nguy hại.

Chất folate còn được gọi là vitamin B9, rất cần thiết cho việc sản xuất ra các hồng huyết cầu bình thường. Và sầu riêng đã được biết đến là nguồn phong phú chất folate nên rất có tác dụng cho các bệnh về máu.

Tốt cho xương và cơ bắp

Khi nói về tình trạng khỏe mạnh của xương, nhiều người không chỉ tập trung vào canxi mà nhấn mạnh rằng, kali cũng là một dưỡng chất chìa khóa mang lại nhiều ích lợi cho xương.

Kali giúp bảo tồn canxi bằng việc ngăn cản canxi bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu. Và sầu riêng là một nguồn cung cấp kali dồi dào.

Sầu riêng có chứa hàm lượng protein mềm cao nên cũng có tác dụng cho cơ bắp, giúp cơ bắp phát triển tốt.

Tác dụng trong tình dục

Theo đông y, sầu riêng có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng tiêu thực, ôn phế, giảm khát, cầm máu, có tác dụng rất tốt khi dùng làm thuốc bổ thận tráng dương cho đàn ông, những người bị chứng lãnh cảm, suy yếu tình dục. Ngoài ra, sầu riêng còn có tác dụng chữa liệt dương, di tinh… 

ăn sầu riêng
Ăn nhiều sầu riêng cũng có những tác hại nhất định mà nhiều người chưa biết. Ảnh minh họa

Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều sầu riêng

Gây độc cho cơ thể

Bản chất sầu riêng có tính nóng nên cần hạn chế ăn sầu riêng cùng lúc với các loại nước uống như trà đậm, cà phê, bia, rượu hoặc các chất kích thích khác... tăng nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.

Một nghiên cứu của trường đại học Tsukuba (Nhật Bản) khuyến cáo: Trong sầu riêng có chứa một lượng lớn dầu có sulfur gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase, nguyên nhân dẫn đến 70% chất oxy hoá trong tế bào không được chuyển hoá và từ đó gây độc cho cơ thể.

Ảnh hưởng hệ tiêu hóa

Theo đông y, phụ nữ có thai hoặc người có huyết áp cao không nên ăn sầu riêng vì nó nhiều đường và tính nóng, có thể gây tăng huyết áp và bốc hỏa, đầy hơi, khó tiêu ở bà bầu. Ngoài ra, những người hay nổi mụn, tiểu vàng; người bệnh đường trong máu cao cũng không nên ăn nhiều.

Hay những người có tình trạng âm hư, nội nhiệt, với các triệu chứng: người gầy ốm, da khô, nóng bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh… cần hạn chế ăn sầu riêng.

Sầu riêng gây nóng trong

Vì sầu riêng chứa rất nhiều đường và chất béo nên việc ăn hàng ngày sẽ sinh nhiệt trong cơ thể, gây nóng trong, nổi mụn, và nhiệt miệng.

Đối kỵ bệnh nhân suy thận

Sầu riêng là loại quả chứa nhiều kali không tốt cho bệnh nhân bị suy thận. Chất kali bị ứ đọng lại trong cơ thể khi bị suy thận, kali trong máu trên 6,5mmol/l sẽ cực kỳ nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột, gây tử vong bất cứ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước. Vì vậy, bệnh nhân suy thận cần tránh các thức ăn chứa nhiều kali. 

Theo các chuyên gia khi ăn sầu riêng chúng ta cần lưu lý:

Chỉ nên ăn tối đa 2 múi sầu riêng/ngày và nên ăn thêm măng cụt vì giúp ngừa đau bao tử sau khi ăn sầu riêng.

Với những người bị bệnh suy thận, huyết áp, tiểu dường, phụ nữ mang thai, cần hạn chế ăn loại quả này.

Đối với trẻ nhỏ, do sầu riêng nóng nên với bé đang bị rôm sảy do nóng, sốt... thì mẹ không nên cho bé ăn sầu riêng. Kể cả với những bé có đường tiêu hóa kém không nên cho ăn quá nhiều sầu riêng còn có thể làm bé đầy bụng, khó tiêu.

Còn nếu chế biến sầu riêng làm món ăn thì nên tránh sử dụng chung với các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng, tỏi…


Chia sẻ