Những nữ “phù thủy” trong căn bếp tại gia

Huyền Trang,
Chia sẻ

Không những nổi tiếng với căn bếp của gia đình, họ còn tiếp lửa tình yêu nấu nướng đến những khách hàng và fan hâm mộ của mình.

Bà chủ nhà hàng Bể Cá: “phù thủy” của thực phẩm homemade

Chị Nguyễn Thu Hương, chủ nhân của bếp homemade nhà hàng Bể Cá (Hà Nội) là một trong những nữ “phù thủy” mà chúng tôi muốn nhắc đến. Trước khi được nhớ đến với vai trò này, Thu Hương là một trong những “hot girl” khá nổi của trường chuyên Trần Phú (Hoàn Kiếm): xinh xắn, dịu dàng, dễ mến, hát hay. Có một dạo chị còn làm MC truyền hình. Rồi chị “mất tích” và miệt mài với công việc chính là chuyên gia tư vấn truyền thông của một công ty có tiếng.

Nhưng niềm đam mê ẩm thực, say sưa với việc được thưởng thức món ăn ngon và tự tay nấu nướng đã thổi bùng trong chị ý tưởng kinh doanh món ngon homemade. Nhà hàng Bể Cá ra đời, trở thành một địa chỉ tin cẩn của nhiều người Hà Nội muốn mua bán, trao đổi thực phẩm “của nhà trồng được”.

Nhà hàng Bể Cá bán từ nước mắm, trứng gà ta, sen hồ Tịnh Tâm (Huế), hương trầm Huế… cho đến những thức ăn đặc trưng theo mùa: mứt, trà sen, bánh trung thu, giò xào… Mọi thức đều là nhà trồng, nhà làm, hoặc là đặt trang trại riêng trồng, đặt bếp bạn bè làm. Để đảm bảo nguồn thực phẩm nguyên bản và an toàn, chị Thu Hương đã kết hợp với trang trại của gia đình những người bạn yêu thích ẩm thực tự nhiên khắp 3 miền đất nước để cung cấp thực phẩm thật, sạch, ngon và đúng kiểu “nhà mình trồng, nhà mình nuôi được” cũng như huy động nhiều bếp tham gia nấu nướng (tất cả các nhà bếp đều phải được huấn luyện kỹ năng và kiểm soát, tuyển lựa thực phẩm từng khâu một).

Những nữ “phù thủy” trong căn bếp tại gia 1
Chị Nguyễn Thu Hương - bà chủ nhà hàng Bể Cá.

Những đặc sản từ các nơi như lợn sạch ở trang trại Thái Nguyên, lợn sạch nuôi bằng bã bia ở Sóc Sơn, thịt lợn đen Cao Bằng, cá đồng ở quê, hải sản Hải Phòng, nước mắm đặc sản Phú Quốc, Bình Thuận… được dồn tụ về nhà hàng Bể Cá để trở thành những món ăn ngon và sạch nhất khi đến tay người tiêu dùng. Chị Thu Hương chia sẻ, mỗi đợt thực phẩm từ các nông trại về, chị phải trực tiếp kiểm soát thật gắt gao, nếu có thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, chị sẽ loại ngay.

Với những thực phẩm phải qua chế biến, sự “khó tính” từ khâu đầu vào phải được duy trì trong cả khâu chế biến. Tất cả nhà bếp tham gia cộng tác với nhà hàng Bể Cá phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, từ công thức, tỉ lệ thực phẩm cho đến việc hoàn toàn không sử dụng phụ gia, chất bảo quản. Những sản phẩm được đóng gói trong những bao bì cũng rất tự nhiên: giấy bản, túi giấy, túi vải, hộp tre…, đảm bảo chất lượng cũng như hương vị, để khi những thực phẩm homemade này đến được với khách hàng, họ sẽ có cảm giác đang được ăn món do chính gia đình mình nấu chứ không phải là đang ăn những món đánh lừa vị giác kiểu nhà hàng.

Công việc lúc nào cũng bận như tơ vò, thậm chí có khi chỉ có 3 tiếng/ngày để ngủ, nhưng chị Thu Hương vẫn “cháy” cùng đam mê thực phẩm homemade, truyền say mê ấy cho khách hàng và ngày càng được thực khách yêu mến.

Chủ nhân Bếp bà Chà: có một thời rất ghét nấu ăn

Chị Thái Thanh Trà hiện đang làm công tác hành chính tại một khách sạn ở Hà Nội cũng được biết đến với công việc tay trái: chủ bếp homemade Bếp bà Chà. Khác với chị Thu Hương, chị Thanh Trà có một thời rất… ghét nấu ăn.

Chị chia sẻ, tuổi thiếu niên của mình gắn liền với những sáng thèm ngủ díu mắt phải dậy phụ mẹ kinh doanh hàng ăn, nếm trải cả sự vất vả, cực nhọc của nghề đến mức… bị ám ảnh và sợ nấu ăn. Nhưng rồi, bản năng phụ nữ, cái gene mê nấu nướng của mẹ và cả sự “thách thức” của ông xã – một người sành và khó tính trong chuyện ăn uống – đã níu chị với căn bếp.

Từ nỗi sợ thịt thà mắm muối, chị dần thích thú khi mày mò nấu nướng, học món mới, cũng như tự đặt cho mình thách thức: làm được như – hoặc hơn – mẹ. Ông xã cũng là động lực thúc đẩy để chị say mê và gắn bó với công việc này. Quen nhau khi anh đang làm giám sát một bộ phận trong khách sạn còn chị là nhân viên thực tập, những hiểu biết ban đầu về ẩm thực, yêu cầu và quy tắc của người làm dịch vụ ẩm thực đã kéo chị và ông xã lại gần nhau cũng như làm nền tảng để chị “tung hoành” trong căn bếp của mình sau này.

Khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm homemade qua mạng xã hội, ban đầu chị chọn phạm vi phục vụ là mâm cơm gia đình với thực đơn rất đơn giản, toàn các món ăn dễ chế biến và để được lâu như các loại ruốc, giò xào, nem tai… Sau đó, chị mạnh dạn mở bếp phục vụ các món nóng, cầu kỳ, đòi hỏi chế biến công phu để phục vụ khách ăn tiệc. Tất cả món ăn homemade tại Bếp bà Chà đều được làm trong căn bếp gia đình của chủ bếp với sự cộng tác của những đầu bếp là người thân, họ hàng của chị Thanh Trà.
 
Những nữ “phù thủy” trong căn bếp tại gia 2
Chị Thái Thanh Trà - chủ nhân Bếp bà Chà.

Bà chủ bếp homemade này cũng rất khó tính, cầu kỳ và kỹ lưỡng từ việc chọn nguyên liệu, chế biến cho đến trình bày món ăn. Chị cho biết, sự khó tính và cầu kỳ của mình chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ và ông xã – những người biết nấu nướng và sành ăn. Chị chia sẻ: “Món ăn ra khỏi bếp là kết thúc phần việc của người nấu, nhưng lại là sự bắt đầu trong bữa ăn của khách hàng. Tôi và các nhân viên luôn nhắc nhau không cho phép mình thỏa hiệp với những sự cố trong chế biến”.

Cũng như chị Thu Hương, chị Thanh Trà thường “trốn việc” để tự thực hiện những chuyến chu du ẩm thực. Đi đến đâu chị cũng khám phá chợ và mang về những đặc sản tiêu biểu, dành thời gian để tìm hiểu, nếm thử các nguyên liệu lạ và khó tìm để sáng tạo ra món mới cũng như đem về kinh doanh ở Bếp bà Chà, để những khách hàng không phải đi xa mà vẫn có thể thưởng thức những món hay món lạ từ mọi miền đất nước.

Bà chủ Bếp bà Chà cho biết, chị may mắn có một công việc có phần rảnh rang về thời gian, ít áp lực và quan trọng hơn là có một người sếp tốt. Sếp của chị không những ủng hộ chị làm thêm nghề tay trái mà còn dành thời gian trao đổi và chỉ thêm những kinh nghiệm nấu nướng. Cũng như nhà hàng Bể Cá, Bếp bà Chà và chủ nhân của căn bếp đang từng ngày “truyền lửa” cho căn bếp của những người phụ nữ khác.

Blogger Savourydays: từ “gà công nghiệp” trở thành chuyên gia ẩm thực

Những người yêu thích các bếp online và những trang web, blog ẩm thực có lẽ không xa lạ với cái tên Savourydays. Người sáng lập blog ẩm thực nổi tiếng này, blogger Đoàn Thu Trang, ít ai biết, lại là một người ít liên quan đến nấu nướng.

Thu Trang là nghiên cứu sinh ngành kinh tế tại Bỉ. Trước khi nổi danh với blog Savourydays, chị từng rất “i-tờ” về nấu nướng. Hầu hết thời gian ở Việt Nam, chị dành cho việc học hành, và những bữa ăn đều do mẹ đảm trách. Tốt nghiệp Đại học, chị sang Hà Lan để học thạc sĩ. Mẹ chị lo lắng khi cô con gái “chỉ biết học” sẽ không có ai chăm sóc khi ra nước ngoài nên đã mở một “khóa nấu ăn cấp tốc” dành riêng cho con gái.

Thời gian sống ở Hà Lan, ở trong ký túc xá với bếp chung dành cho gần 20 người, chị vẫn quyết định đi chợ tự nấu ăn để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa để mẹ yên tâm. Chị chụp ảnh các món mình mới nấu và đưa lên facebook để mẹ ở nhà xem. Có lẽ, hành trình đến với ẩm thực của chị đã khởi nguồn từ đây, khi phải đối phó với sự đắt đỏ của châu Âu, phải tính toán xem món nào, gia vị nào có thể kết hợp với nhau để tận dụng nguyên liệu, phải thử nghiệm và sáng tạo những công thức mới từ những món ăn mẹ dạy.

Khi trở thành nghiên cứu sinh ở Bỉ, thuê được một căn hộ độc lập rộng rãi hơn với bếp riêng, chị bắt đầu mày mò làm bánh. Sau nhiều lần âm thầm vứt bỏ thành quả vài tiếng đồng hồ nhào bột, nướng bánh hoặc “chén” những chiếc bánh chưa đúng tiêu chuẩn tự tay làm, chị đã trở thành một “cao thủ” về bánh ngọt.

Những nữ “phù thủy” trong căn bếp tại gia 3
Chị Đoàn Thu Trang - người sáng lập blog ẩm thực Savourydays.

Vậy là, sau 8 tiếng miệt mài trong phòng nghiên cứu, khi các nghiên cứu sinh khác về với gia đình hoặc đi chơi đêm, chị về nhà với căn bếp của mình, kỳ cạch nấu nướng rồi sắp đặt món ăn để chụp ảnh. Chị chia sẻ chúng lên mạng và thành lập blog ẩm thực mang tên Savourydays.

Từ một cô nàng “gà công nghiệp”, Thu Trang đã trở thành một chuyên gia ẩm thực. Với blog Savourysays, chị không kinh doanh mà chỉ đơn thuần chia sẻ những câu chuyện, công thức, hình ảnh món ăn cũng như giải đáp những thắc mắc, câu hỏi về nấu nướng với bạn đọc. Qua blog, có bạn đọc còn viết thư kể cho chị nghe về những món ăn thành công dựa trên công thức chị cung cấp, về ước mơ theo nghề nấu ăn, về những muộn phiền trong căn bếp…

Mới đây, chị đã kết hợp với một người bạn học cấp 3 ra mắt ấn phẩm chung mang tên “Quà tặng ngọt ngào”. Cuốn sách cung cấp những kỹ năng cơ bản nhất cho một người mới khởi đầu làm bánh, một số công thức bánh quen thuộc, dễ làm và cách thực hiện một số đồ dùng handmade để trang trí tổ ấm.
Tất thảy những điều đó được khơi nguồn từ bản năng phụ nữ, từ sự thích nghi với những năm tháng xa nhà và từ niềm hân hoan trong căn bếp của Thu Trang.


Cuộc thi PHỤ NỮ CHUẨN 10

Phụ nữ chuẩn 10 là cuộc thi do aFamily tổ chức với mục đích tôn vinh sự cầu tiến của phụ nữ Việt. 

  • Chủ đề cuộc thi: chia sẻ về những thay đổi trong cuộc sống (của mình hoặc những người phụ nữ xung quanh). Sự thay đổi đó có thể là những điều hết sức bình thường như cách vun vén gia đình, công việc nội trợ, niềm đam mê cá nhân... những thay đổi nhỏ nhưng mang lại giá trị tốt đẹp.
  • Giải thưởng:
Giải tuần: 12 giải cho 4 tuần (mỗi tuần ba giải)
03 bài viết được hay nhất trong tuần:
  • 01 Giải Nhất: 2.000.000đ tiền mặt + 01 tháng sử dụng bột giặt Ariel (tương đương 03 gói 800g bột giặt Ariel)
  • 02 Giải Nhì: 1.000.000đ tiền mặt + 01 tháng sử dụng bột giặt Ariel (tương đương 03 gói 800g bột giặt Ariel)

Giải chung cuộc: 5.000.000Đ tiền mặt + 03 tháng sử dụng bột giặt Ariel (tương đương 09 gói 800g bột giặt Ariel)

Chia sẻ