“Của để dành” để quên nơi góc tủ và chuyện những hạnh phúc rất gần dễ bị ngó lơ

Phong Linh Thiết kế: Minh Trang,
Chia sẻ

Có những thứ vì ở rất gần, vì dễ đạt được nên dễ bị bỏ lơ, xem nhẹ. Để rồi khi nhìn lại không ít người phải ngỡ ngàng khi nhận ra nó quý giá và có ý nghĩa đến thế nào.

Những ký ức tuyệt đẹp bị lãng quên trong góc tủ

Sớm nay, tôi dọn tủ tài liệu của gia đình, chuẩn bị giấy tờ hồ sơ làm thủ tục xin vào lớp 1 cho em bé lớn của mình. Khiêm tốn nằm sâu ở một góc tủ, bị che khuất bởi hàng chục bìa hồ sơ giấy tờ đủ loại là một cuốn album ảnh cũ, mà đã lâu tôi không sờ tới. Tính bỏ lơ một góc thì một tấm ảnh cũ rơi ra.

Đó là bức ảnh cả gia đình tôi chụp khi đi nghỉ mát ở Sầm Sơn. Trong bức ảnh đó, tôi mới chỉ 3 tuổi, lũn chũn trong bộ đồ bơi, ôm chặt chiếc phao thiên nga, xung quanh có bố, mẹ, ông bà ngoại, ai cũng cười thật tươi. Bức ảnh này được ép thật cẩn thận, trước được lồng dưới bàn nước của gia đình. Sau tôi lấy chồng được bố mẹ chia “hồi môn" mang theo.

Cả một khung trời hồi ức trở về rõ mồn một theo bức ảnh năm tôi 3 tuổi và rất nhiều bức ảnh khác trong cuốn album cũ, nhiều bức đã lên meo. Nào là ảnh chụp hôm trước ngày gia đình tôi rời Hà Nội chuyển vào miền Nam sống, miệng thì cười nhưng mắt ai cũng cứ rưng rưng. Rồi bao nhiêu ảnh chụp những ngày lễ lạt, sinh nhật, ngày tôi lấy chồng, ngày gia đình cậu tôi ở nước ngoài về ăn Tết… 

Nụ cười tươi rói trong bức ảnh để quên nơi góc tủ - Ảnh 1.

Tôi chợt nhận ra nhà mình hồi ấy không khá giả gì nhưng cứ có dịp hệ trọng gì là bố mẹ đều cố gắng thuê người đến chụp, hoặc ít nhất là nhờ ai đó chụp cho vài tấm. Nhưng nhờ vậy mà tôi lúc này, khi vô tình lật giở những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian mới thấy cả một trời ký ức hiện về.

Cô bé lũn chũn ôm thiên nga năm nào đã là bà mẹ 2 con. Bà tôi cái ngày nắm tay tôi trước biển, tóc vẫn còn đen nhánh, thế mà giờ đây tóc lơ thơ vài cọng bạc trắng, hàm răng đều tăm tắp nay đã rụng sạch, ánh mắt đã mòn đi vẻ tinh anh xưa. Và cũng có những người trong ảnh vẫn rạng rỡ, nhưng thực tế đã hóa nắm xương tàn dưới mồ xanh cỏ, như ông ngoại tôi...  

Quan trọng hơn cả, tôi nhận ra, đã lâu rồi mình chẳng có một tấm ảnh nào có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Lục kho dữ liệu trên Facebook, Instagram, trong điện thoại của mình, trong hàng vài gb ảnh chỉ thấy ảnh con cái, ảnh selfie, ảnh đồ ăn, ảnh sản phẩm, ảnh caption những thứ hay ho thú vị để “khẩu nghiệp” cùng lũ bạn… đủ thể loại, nhưng chẳng mấy khi có ảnh gia đình. Có chăng chỉ có vài bức ảnh xộc xệch lúc lũ trẻ con vồ lấy điện thoại của mẹ chụp linh tinh.

Nụ cười tươi rói trong bức ảnh để quên nơi góc tủ - Ảnh 2.

Tôi có những lý do riêng, mà có lẽ nhiều người cũng vậy. Một trong những lý do đó là trước đây máy ảnh là thứ gì xa xỉ nên cả nhà đều trân trọng việc có máy ảnh để chụp chung. Còn bây giờ từ trẻ con đến người già, ai chả có điện thoại để chụp ảnh, rồi quay video, đủ cả, muốn chụp lúc nào thì chụp nên cuối cùng để cả nhà ngồi lại với nhau chụp một bức như thời ngày xưa hóa ra lại rất khó.

Có người cảm thấy chụp ảnh gia đình hơi bị… sến một chút. Kiểu như con cái đã trưởng thành mà cứ bị bố mẹ kéo kéo lại ngồi sát bên mình, hô 1, 2, 3 rồi cười to chụp ảnh nó cứ ngượng ngượng. Cũng có người muốn đợi đến một thời khắc khác hoàn hảo hơn. Đợi đến khi mình đẹp để vào hình không bị dìm. Đợi đến lúc gầy hơn một chút, hoặc béo hơn một chút, cơ bắp nổi rõ hơn một chút. Đợi đến một dịp hoàn hảo hơn, như khi cả nhà cùng đi du lịch bên ngoài, có cảnh đẹp, như đến một ngày trọng đại nào đó...

Nhưng chính vì cứ đợi, đôi khi dịp hoàn hảo ấy lại không bao giờ đến. Bởi đâu ai biết trong cuộc sống mong manh này, ai sẽ còn ở bên, ai sẽ còn khỏe mạnh, ai sẽ còn duyên chờ đợi đến khi đủ đầy để chụp một tấm ảnh gia đình? 

Như tôi, khi nhìn lại những bức ảnh cưới, vẫn ân hận không thấy bóng dáng ông bà ngoại mình. Hôm ấy, ông bà không khỏe lắm, mọi người sợ ngồi dự lễ lâu sẽ mệt, lên ảnh kém tươi. Nên cả nhà nấn ná đợi sau lễ, ngày lại mặt, hoặc “hôm nào đó” ông bà khỏe hơn sẽ mặc quần áo đẹp, chụp ảnh gia đình. Nhưng đến tận khi ông tôi nằm xuống trong lòng đất lạnh, “hôm nào đó” vẫn chưa xuất hiện. 

Hãy chụp ảnh gia đình ngay hôm nay, vì mỗi ngày đều là ngày đặc biệt

Có lẽ, thời điểm hoàn hảo nhất cho một bức ảnh gia đình hoàn hảo nhất, ấy chính là hôm nay, là chính thời khắc này, là bất cứ thời khắc nào bạn và gia đình muốn, chứ không cần đợi chờ đến dịp. 

Nếu ví cuộc đời bên cạnh gia đình là dòng chảy thời gian, mỗi khoảnh khắc trôi qua vĩnh viễn không bao giờ thu hồi hay quay trở lại được, thì những bức ảnh sẽ là những “vết đọng” của khoảnh khắc quá khứ. Chụp ảnh gia đình là một cách thú vị để bạn gói ghém những kỷ niệm, “đóng băng” những khoảnh khắc tuyệt vời và để nó thành của để dành, cho ta ngắm nghía lại những khi cần sống lại quá khứ.

Nụ cười tươi rói trong bức ảnh để quên nơi góc tủ - Ảnh 3.

Những bức ảnh, hơn thế là sự kết nối dòng chảy của huyết thống, của những cột mốc trong đời người. Chúng ta có thể không bao giờ nhận ra mình giống cha/mẹ đến thế nào cho đến khi tìm thấy bức ảnh cũ của họ hồi trạc tuổi ta. Rồi hãy hình dung bạn sẽ vui thế nào khi ngắm lại chúng để thấy bây giờ mình và mọi người khác xưa đến nhường nào. Cha mẹ bạn đã từng trẻ trung như thế nào, con bạn khi xưa còn bé xíu nay đã trưởng thành ra làm sao. Và cả gương mặt của những người thân yêu đã khuất nữa chứ...

Có thể ngay khoảnh khắc được chụp, nhất là với những bức ảnh gia đình chụp tự nhiên, ta sẽ thấy nó chẳng hoàn hảo, vì ai đó nhắm mắt, hắt xì, ai đó đưa tay ngoáy mũi, background thì lộn xộn ngổn ngang đồ đạc…, nhưng sau này xem lại, chính những chi tiết không hoàn hảo ấy mới làm ta rung động, mới kích hoạt cả một trời nhung nhớ.

Bởi có một sự thật là sự hoàn hảo của những bức ảnh gia đình không nằm ở cách tạo dáng chuyên nghiệp, bộ quần áo xịn xò hay thần thái phải chuẩn mẫu, cũng không phải là thời điểm tốt hay bối cảnh đẹp. Nó bắt nguồn từ sự ngẫu hứng, từ ánh mắt, nụ cười của từng thành viên và hơn cả là những hồi ức của ta về gia đình.

Thế nên vội gì thì vội, bận gì thì bận, lười gì thì lười cũng phải vượt qua để tạo nên ký ức cho cả gia đình. Ai nỡ lòng nào tiếc vài phút ngắn ngủi cho một câu gọi: Cả nhà ơi, cười lên nhé, ghé sát vào nhau một chút để chụp ảnh, rồi mấy năm sau ngắm nghía lại, bổi hổi bồi hồi với những khoảnh khắc cũ kỹ ngập yêu thương, phải không?

Những nụ cười đó, 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa ngắm lại, sẽ trở thành những mặt trời nho nhỏ sưởi ấm lòng ta những ngày giông bão. Sẽ là những giọt sương mai xoa dịu những nỗi đau, những đắng cay ta gặp trên đời. Sẽ là hương hoa phả vào hồn ta những ngày hờn dỗi… Để nhắc nhở ta rằng, gia đình ta luôn ở đó, trong những bức ảnh cũ, trong trái tim ta, dù người còn hay mất.

Những nụ cười tươi rói trong bức ảnh để quên nơi góc tủ và những hạnh phúc rất gần dễ bị ngó lơ - Ảnh 5.

 

Chia sẻ