Những người mẹ chồng mang "họ bòn"

Dã Quỳ,
Chia sẻ

Nhiều nàng dâu đã phải vô cùng lao đao với những người mẹ chồng mang họ “bòn” khi mà mỗi lần bà tới thăm con cháu đều tay trắng nhưng lúc về thì bao giờ cũng rủng rỉnh…

Chị M. (Quận 5, Tp. HCM) giãi bày về mẹ chồng mình: “Từ khi mình lấy chồng, vợ chồng mình đều ở riêng và sống xa gia đình nhà chồng. Mẹ chồng mình thi thoảng mới lên thành phố thăm vợ chồng mình và cháu thôi, có lẽ vì ít tiếp xúc nên cũng không có nhiều mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Ấy thế mà mỗi bận bà lên cũng đủ khiến mình lao đao khốn đốn chứ chẳng đùa!”
 
Chị nói tiếp: “Mẹ chồng mình có thể nói là một người khá hiền nhưng đặc biệt là rất vô tư - vô tư quá mức là đằng khác! Suốt quá trình mình mang bầu thì bà lên chơi với mình tổng cộng 3 lần. Lần nào bà cũng tay trắng lên - vấn đề này thì mình cũng không dám đòi hỏi và thực sự cũng không để tâm lắm, bà đến chơi là quý rồi. Nhưng mang tiếng bà ra thăm mình bầu bí mà toàn bảo mình đưa đi khắp thành phố thăm thú cho biết rồi đòi mình mua cho lỉnh kỉnh các thứ để mang về.
 
Mỗi lần thấy cái gì ưng mắt là bà đều sà vào mua. Bà mua cho bà đầu tiên rồi mua về làm quà cho mọi người ở quê, bao gồm các anh chị em nhà chồng mình, các cháu nội ngoại của bà, thậm chí là những người bà con họ hàng gần xa nữa. Và người rút hầu bao cho mỗi bận mua sắm như thế đều là mình, vị chi là mình phải mua quà cho ‘cả làng cả tổng’ nhà chồng. Nếu bà không nói gì thì mình cũng tự giác mua cho bà chút quà mang về, nhưng với số lượng khủng như bà muốn thì đúng là ‘quá tải’ của mình. Về tiền nong, mình có cố tình để cho bà trả cũng không được, vì bà luôn rào trước đón sau, kiểu như: ‘Chết! Mẹ quên mang ví rồi!’, hay: ‘Chán quá, mẹ hết tiền mất rồi!’.
 
Chị dở khóc dở cười chia sẻ rằng, cá biệt có lần mẹ chồng chị còn mua rất nhiều quà cho một bầu đoàn bạn bè của bà ở quê và các bà hàng xóm láng giềng nữa. Bà mở lời muốn vay tiền chị nhưng mấy hôm sau bà về quê mất rồi, và khoản vay đó cũng bị cuốn theo gió bay luôn.
 
Chị M. còn cho hay, mẹ chồng chị không những “vô tư” với con dâu mà còn “vô tư” cả với nhà thông gia: “Đến khi mình sinh bé, mình về nhà ngoại ở cữ. Trong thời gian đó mẹ chồng mình có về ở đó gần một tháng để gọi là 2 bà cùng chăm mình. Nhưng thực tế là mẹ đẻ mình phải phục vụ mình, mẹ chồng mình và con mình từ A đến Z luôn. Đến khi mẹ chồng về lại quê, bà còn bảo mẹ đẻ mình mua cho bà 2 đôi gà Đông Cảo để về biếu 2 nhà thông gia của bà (là nhà chồng em gái và nhà chồng chị gái chồng mình). Tất nhiên, chuyện tiền nong bà không mảy may nhắc đến”.

“Chồng mình thì cứ bảo bà vô tư nên thế, nhưng mình nghĩ không thể chỉ sử dụng từ ‘quá vô tư’ cho bà được. Nói có lẽ hơi ác, nhưng mình thấy bà là người vô tâm và có tính toán nhằm thu lợi cho mình thì đúng hơn. Quà cáp những dịp lễ Tết có bao giờ bọn mình thiếu đâu, thế mà bà vẫn tranh thủ lên thăm để ‘bòn rút’ thêm. Có những lúc mình rất bức xúc nhưng nghĩ lại, thôi thì hay - dở cũng là mẹ của chồng. Mặc dù chuẩn bị tâm lí là thế nhưng thực sự cứ mỗi lần bà lên thăm vợ chồng mình thì niềm vui đâu chả thấy, chỉ thấy lo ngay ngáy và sau đó ví tiền của mình thể nào cũng lao đao theo!” - chị thở dài nói. 
 
Những người mẹ chồng mang
Nhiều nàng dâu đã phải vô cùng lao đao với một người mẹ chồng mang họ “bòn” (Ảnh minh họa).

Chị K. (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có một người mẹ chồng giống mẹ chồng chị M. như 2 giọt nước. Chị than thở: “Vợ chồng mình không ở cùng nhà chồng, mà thuê nhà ở riêng trên thành phố làm việc. Mẹ chồng mình là có lương hưu khá cao nhưng hễ bà lên chơi với vợ chồng mình là y như rằng là một lần ác mộng với mình. Bà luôn tay trắng mà lên, đến quà quê đơn giản cũng chẳng có nhưng lúc về thì hạch sách mình mua cho bà đủ thứ để bà mang về làm quà và bản thân bà dùng!”.
 
Chị K. nhớ lại lúc trước khi cưới, có lần mẹ chồng cũng gọi lên nhờ chị mua đồ gửi về cho bà, hẹn khi nào lĩnh lương sẽ gửi lên trả nhưng rồi tiền của chị đã một đi không trở lại. Chị nghĩ chắc bà quên thôi, chị cũng ngại nhắc, sợ lại mất hòa khí vì chút tiền bạc. Nhưng ai ngờ đâu, khi chị về làm dâu rồi, bà vẫn cứ phong cách đấy mà đối đãi.
 
Chị thổ lộ: “Mỗi lần bà lên thăm, không chỉ quà cáp rủng rỉnh mình phải chuẩn bị cho bà mang về mà bà thường xuyên ‘gạ gẫm’ vợ chồng mình tổ chức cho bà đi du lịch đó đây. Một năm bà lên chơi cũng vài lần thôi nên vợ chồng mình cũng thường chiều ý bà. Vậy là kinh phí là một, quà cáp mua ở nơi du lịch là 2, bọn mình đều phải bao tất. Và lần nào bà cũng ca điệp khúc: ‘Mẹ quên mang tiền rồi!’, hay: ‘Mẹ hết tiền rồi!’ để mình phải rút ví”.
 
“Mẹ chồng mình còn có một niềm yêu thích đặc biệt với… thuốc bổ. Thế là mỗi lần lên thăm vợ chồng mình, bà đều viện cớ rằng thủ đô mới có thuốc xịn, nhà quê làm gì có nên là đều tranh thủ mua thật nhiều để dùng dần, còn mang biếu những người khác nữa. Và dĩ nhiên, 'nhà đầu tư' luôn là mình. Mình không chi thì chồng lại chi, đâu cũng vào đó cả” - chị nói thêm về mẹ chồng mình.
 
“Có lần mẹ chồng mình lên chơi vào trúng dịp mình đi công tác. Lúc mình về thì bà cũng về lại quê rồi nhưng khá nhiều thứ đồ trong nhà mình đã mọc cánh bay theo bà.

Mới hôm vừa rồi, mẹ chồng mình vừa lên và ‘bòn’ của vợ chồng mình một chiếc tivi LCD đời mới xong. Đi siêu thị thấy đang có đợt khuyến mãi, bà ngọt ngào bảo mình: ‘Con có tiền cứ ứng ra đi rồi đến kì lĩnh lương mẹ chuyển khoản lên cho!’. Mình thoái thác rằng không mang đủ tiền thì bà nằng nặc đòi mình về nhà lấy vì mua nhanh kẻo lỡ dịp giảm giá” - chị ngán ngẩm cho hay.
 
“Thực ra mình không tiếc gì ông bà cả, nhưng bọn mình cũng vẫn còn rất khó khăn, các dịp Tết nhất vợ chồng mình có bao giờ không chu đáo quà cáp đâu. Thiết nghĩ, chồng mình là con trai bà, chăm lo cho bà cũng là điều dễ hiểu nhưng bà hình như chẳng bao giờ quan tâm xem bọn mình có dư dả không, có đáp ứng được những yêu sách của bà không nữa.
 
Bà không ghê gớm, khắt khe như nhiều mẹ chồng khác nhưng cái kiểu ‘ngây thơ mà đầy toan tính’ của bà khiến mình ngao ngán. Thực sự mỗi lần bà bảo sẽ lên chơi là một lần mình thấy bị áp lực vô cùng!” - chị K. dở khóc dở mếu tâm sự.
Chia sẻ