Những hình ảnh giật mình mà các bà nội trợ cần xem trước khi mua rau muống
Nhìn những mớ rau muống tươi non mơn mởn ngoài chợ, ít ai biết rằng, đằng sau đó là cả một quá trình sản xuất mới nghe đã... sởn da gà.
Rau muống là một loại thực phẩm rất phổ biến trong mâm cơm của người Việt. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại rau ngắn ngày khác, phía sau rất nhiều mớ rau muống xanh non, đẹp mắt là cả một quy trình sản xuất không an toàn.
Để "hấp dẫn" người mua hơn, người bán thường rửa rau trước rồi bó lại thành từng bó đẹp mắt. Khi ra chợ, bà nội trợ chỉ nhìn thấy những bó rau tươi non, xanh mướt, mà không hề biết chúng đã đi qua nguồn nước ô nhiễm hay chứa độc tố, chất thải... ra sao.
Những hình ảnh dưới đây được chúng tôi ghi nhận tại những địa phương thường xuyên cung cấp rau cho các chợ đầu mối ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Để diệt sâu, rầy nhiều nông dân ở nước ta đã sử dụng dầu nhớt thải từ các tiệm sửa xe để tưới cho rau muống với mục đích diệt rầy nâu khi rau non mới mọc mà không lường được tác hại. Chính điều này đã khiến rau muống từ tươi ngon trở nên bị nhiễm độc.
Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP HCM, ngày 9/1 cùng Trạm bảo vệ thực vật Củ Chi phát hiện nông dân ở xã Bình Mỹ sử dụng nhớt thải để tưới rau muống. Bà Chu, 33 tuổi, quê Hà Nam, vào Sài Gòn thuê 5 ha đất trồng rau muống. Chủ ruộng rau cho biết, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ hơn 20 ngày. Ngoài phân bón, bà còn thu mua nhớt thải với giá 12.000 đồng một lít tại các tiệm sửa xe để tưới, diệt sâu rầy.
Ngoài trường hợp này, hiện nay ở nhiều nơi vẫn có những hộ dân trồng rau muống đang lén lút dùng nhớt thải tưới cho rau muống với suy nghĩ sẽ diệt được sâu rầy, giữ cho lá rau muống lành lặn, đẹp mắt. Họ không biết rằng, việc làm vì lợi ích nhỏ trước mắt này có thể gây nguy hại cho sức khỏe hàng nghìn người tiêu dùng.
Trong khi đó, tại nhiều vườn rau muống ở Hà Nội, người trồng rau thường sử dụng nước ở các kênh, mương gần đó để tưới cho rau. Nhìn cảnh mương nước đen ngòm bao quanh ruộng rau, ai cũng phải ớn lạnh.
Một hố nước đọng, bốc mùi hôi thối... rửa hàng trăm bó rau
Nước mương, kênh hôi thối hoặc ô nhiễm bởi dư lượng thuốc trừ sâu, thậm chí có cả... vỏ chai thuốc trừ sâu trôi lềnh bềnh, nhưng nông dân vẫn tận dụng lượng nước ít ỏi để rửa hàng trăm bó rau muống trước khi đem ra chợ bán.
Khi được hỏi, nhiều nông dân trả lời chúng tôi rất... hồn nhiên: "Nước ở dưới kênh, dưới sông ô nhiễm rửa cũng có sao đâu bởi khi mua về các bà nội trợ vẫn rửa lại mà".
Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng đã phát hiện tại hồ nước và dòng kênh mà người dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) dùng để rửa rau trước khi đem bán là “tổng hợp” của mọi thứ rác thải người dân ném xuống kênh. Từ gà chết, động vật chết, những chai lọ thuốc trừ sâu khi sử dụng hết người dân cũng quẳng xuống đây... Còn đây là những hình ảnh chúng tôi ghi lại được ở khu Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cảnh người dân rửa rau ở một hố nước, mương nước nhỏ trước khi đem bán là cảnh rất dễ dàng nhìn thấy ở khu vực này.
Rùng mình vườn rau muống tại... nghĩa địa
Tại Hà Nội, do số lượng đất nông nghiệp hạn chế, vì vậy không ít người dân đã tận dụng khu nghĩa trang, mảnh đất trống quanh những ngôi mộ để trồng rau. Thậm chí, cảnh rau muống bò quanh những nấm mồ không phải là hiếm.
Ít ai biết rằng, đằng sau những bó rau muống xanh non mơn mởn ngoài chợ là những ruộng rau được trồng xen lẫn với những ngôi mộ như thế này.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc trồng rau trên đất ô nhiễm hoặc sử dụng nước tưới ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng rau. Rau có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật, nhiễm hóa chất độc hại và gây ngộ độc cho người sử dụng. Tuy nhiên, mức độ độc hại này như thế nào thì cần phải lấy mẫu đất trồng rau để xét nghiệm cụ thể.