Những điều cần biết về căn bệnh ung thư vòm họng diễn viên Kim Woo Bin đang mắc
Theo chuyên gia, ung thư vòm họng ở bất cứ lứa tuổi nào nếu được can thiệp điều trị sớm thì sẽ đem lại kết quả khả quan.
Ung thư vòm họng đang ngày càng tăng lên ở người trẻ tuổi
Vào trưa 24.5, công ty quản lý Sidus thông báo, Kim Woo Bin (nam diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc, bắt đầu nổi tiếng từ bộ phim Người thừa kế) cảm thấy không được khỏe và đi khám bác sĩ thì phát hiện mình bị ung thư vòm họng. May mắn là căn bệnh đang ở giai đoạn đầu, lại được phát hiện sớm nên nam diễn viên đang bắt đầu uống thuốc và tiến hành xạ trị. Đây là một tin cực sốc đối với người hâm mộ nói chung, các fan của Kim Woo Bin nói riêng.
Nam diễn viên Kim Woo Bin bị ung thư vòm họng.
Có thể nói, căn bệnh ung thư vòm họng đang ngày càng trẻ hóa. Trước đó, vào tháng 4 năm 2017, bệnh viện Trùng Khánh cũng đưa ra báo cáo trường hợp cô bé 16 tuổi tên Sha Sha nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi thường xuyên mỗi sáng. Ban đầu, cô bé nghĩ rằng chắc do thời tiết quá nóng nên mới chảy máu mũi. Sau đó, cô bé uống thuốc và cũng thấy tình hình bắt đầu thuyên giảm. Khoảng 3 tháng sau, Sha Sha bất ngờ phát hiện có một khối u trên mặt, mặc dù khối u không làm cô bé đau đớn nhưng khá khó chịu. Cảm giác không ổn, Sha Sha liền nói với gia đình và đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi nội soi sinh thiết bệnh lý mũi họng, gia đình nhận kết luận không thể sốc hơn là cô bé bị ung thư vòm họng và bệnh đang trong quá trình di căn. Nguyên nhân được xác định là do hút thuốc lá thụ động.
Vậy căn bệnh ung thư vòm họng nguy hiểm thế nào? Dấu hiệu, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là gì? Người trẻ như Kim Woo Bin mắc ung thư vòm họng có nguy hiểm hơn so với người già không?
Ung thư vòm họng là một trong những bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ
Theo GS Mai Trọng Khoa (Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai), ung thư vòm họng là một trong những bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Căn bệnh có thể được chữa dứt điểm nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Ở giai đoạn muộn, căn bệnh vẫn có kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng sống thêm 5 năm sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn 1 và 2, 30-40% ở giai đoạn 3 và 15% ở giai đoạn 4. Tuy nhiên, 90-97% bệnh nhân ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên dẫn đến việc điều trị gặp khó khăn.
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng sống thêm 5 năm sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn 1 và 2.
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng không được bỏ qua
Theo TS.BS Hoàng Đình Chân (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt), đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm vì có triệu chứng âm thầm nhưng tiến triển nhanh chóng và thường phát hiện ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn đầu, căn bệnh rất dễ nhầm lẫn với những chứng bệnh đường hô hấp, xoang, viêm họng thông thường.
Dấu hiệu ban đầu của ung thư vòm họng thường là: Ngứa rát cổ họng, nghẹt mũi, chảy máu cam, ù tai, nổi hạch cổ, giọng nói thay đổi, khó nuốt…
Để phân biệt ung thư vòm họng với những chứng bệnh hô hấp thông thường khác, bạn cần nhớ, những dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng sẽ xuất hiện đồng thời, nếu uống thuốc sẽ không thấy thuyên giảm. Khi ấy, bạn cần đi thăm khám bằng thiết bị nội soi hiện đại.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng
Theo TS Hoàng Đình Chân, thói quen ăn dưa chua, cà muối, cá muối từ nhỏ có thể kích hoạt virus gây ung thư vòm họng. Các tác nhân khác kích hoạt virus gồm: Chất benzopyren, khói công nghiệp, hóa chất bốc hơi, viêm vòm họng mãn tính, khói thuốc lá, rượu, tiếp xúc với forol, bụi gỗ…
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vòm họng có nguyên nhân mắc bệnh liên quan đến yếu tố chủng tộc, gia đình, di truyền.
Theo TS Hoàng Đình Chân, thói quen ăn dưa chua, cà muối, cá muối từ nhỏ có thể kích hoạt virus gây ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng ở người trẻ tuổi liệu có nguy hiểm hơn người già?
Theo chuyên gia, ung thư vòm họng ở bất cứ lứa tuổi nào nếu được can thiệp điều trị sớm thì sẽ đem lại kết quả khả quan. Ở người trẻ, hệ miễn dịch tốt hơn, các chức năng hoạt động tốt hơn, ở giai đoạn đầu, có thể điều trị khỏi 90-100% căn bệnh này.
Bệnh ung thư vòm họng đang ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi chủ yếu xuất phát từ lối sống hút thuốc lá và uống nhiều rượu, những món ăn có tính đặc trưng để lâu, bảo quản bằng nhiều muối.
Do đó, bất cứ ai cũng nên duy trì lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, cực hạn chế bia rượu hoặc bỏ hẳn được thì càng tốt, không ăn những thực phẩm như cá muối, dưa cà muối, tôm muối nhồi bột, hột vịt muối, rau quả đóng hộp để lâu…
Điều quan trọng nhất là cần thay đổi chế độ ăn uống. Hãy đảm bảo duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn thực phẩm phun hóa chất, thức ăn nhanh nhiều chất béo… sẽ hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng.