Những con số đáng báo động về thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề "Ô nhiễm không khí" cho Ngày Môi trường Thế giới năm 2019.
Tình trạng ô nhiễm không khí đã không còn là vấn đề quá mới mẻ trong xã hội ngày nay. Chúng ta đã rất lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí trong suốt nhiều thế kỷ qua, từ hiện tượng ô nhiễm bí ẩn làm phủ sương thành phố London vào cuối thế kỉ 19 đến những màn khói bụi thường xuyên nhấn chìm các thành phố từ Bắc Kinh đến Delhi trong những năm gần đây. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến rất nhiều người ở mọi quốc gia khác nhau, trong đó cũng không ngoại trừ Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2019, hiện tượng khói bụi dày đặc tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gây ra nhiều lo ngại về bầu không khí ô nhiễm đáng báo động.
*Những con số đáng báo động trước thực trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh:
- Năm 2016, nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 trung bình ở Hà Nội cao gấp 5 lần mức trung bình được WHO khuyến cáo, nồng độ trung bình tại TP Hồ Chí Minh cao gấp 4 lần so với khuyến cáo. Tại các giao lộ lớn, con số này có thể cao gấp 8 - 9 lần
- Năm 2018, Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và 209 trong tổng số 3000 thành phố được xếp hạng về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5. TP Hồ Chí Minh xếp thứ 15 Đông Nam Á và 455 trên thế giới.
- Ở Việt Nam, năm 2016 có hơn 60.000 người chết do ô nhiễm không khí. Trung bình có 164 người tử vong mỗi ngày vì hít thở nguồn không khí ô nhiễm.
(Theo Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu (AirVisual & Greenpeace), Thống kê năm 2018 của WHO).
Mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại hàng loạt các thành phố lớn tại Việt Nam đã và đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân. Tình trạng ô nhiễm làm giảm tuổi thọ con người, góp phần gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm như bệnh tim, các bệnh liên quan tới hệ hô hấp và thậm chí là ung thư.
Việc tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí. Theo WHO, tình trạng ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên đến 40%, hen suyễn 20%, nguy cơ ung thư phổi tăng 25% - 30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.
Không chỉ vậy, ô nhiễm không khí còn gây hại đến mọi cơ quan, tế bào trong cơ thể, và các tác hại được nhắc đến bên trên có thể chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".
- Ô nhiễm không khí gây hại cho việc sinh đẻ, thai nhi và trẻ sơ sinh.
- Bụi mịn theo máu tàn phá mọi bộ phận của cơ thể.
- Hít thở không khí bị ô nhiễm đang gây tử vong nhiều hơn hút thuốc lá.
Đến năm 2035, con số tử vong vì ô nhiễm môi trường tại Việt Nam có thể lên đến 100.000 người một năm.
Ngoài gây thiệt hại cho sức khỏe con người, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế quốc gia và gây biến đối khí hậu. Với số lượng người tử vong vì ô nhiễm không khí, thiệt hại về kinh tế có thể chiếm 5% - 7% GDP. Thiệt hại về người dân đến thiệt hại về kinh tế thông qua việc mất thu nhập và giá trị sức khỏe, ước tính tương đương khoảng 250.000$/người. Từ đó rút ra rằng, ô nhiễm không khí chính là nhân tố cơ bản gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu.
Những con số gây sửng sốt về tình trạng ô nhiễm không khí kể trên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong vài năm qua khiến việc cải thiện chất lượng không khí trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Đó là lý do vì sao mà Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc chọn "Ô nhiễm không khí" là chủ đề cho Ngày Môi Trường Thế Giới năm nay.
Chọn ngày 5/6 từ năm 1972, Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day) là sự kiện môi trường quốc tế thường niên được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và giúp xã hội phát triển bền vững.
Với chủ đề "Ô nhiễm không khí", ngày Môi trường Thế giới năm 2019 được hy vọng sẽ giúp người dân Việt Nam nhận thức được thực trạng ô nhiễm không khí đáng báo động hiện nay và có những hành động tích cực hơn để cải thiện chất lượng không khí ở tất cả các thành phố trên cả nước.
Source (Nguồn tham khảo): WHO