Theo một báo cáo, WHO ước tính rằng vào năm 2012, có khoảng 7 triệu người đã chết (chiếm 1/8 tổng số ca tử vong toàn cầu) do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở cả trong nhà và ngoài trời. Câu chuyện tưởng như khó tin nhưng hóa ra lại là sự thật. Bởi chúng ta hít trực tiếp bầu không khí bên ngoài nên ô nhiễm không khí gia tăng chính là một dấu hiệu đáng lo ngại về vấn đề sức khỏe nói chung và bệnh ung thư phổi nói riêng.
Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang tăng đến ngưỡng cảnh báo. Theo các chuyên gia về môi trường, khí hậu, tại các trạm quan trắc trên địa bàn cho thấy, từ cuối năm ngoái trở lại đây, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội, Tp. HCM tại nhiều thời điểm đều trên mức 100, nhiều lúc, chỉ số này vượt trên 300.
Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai)
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phối hợp với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), đã đặt máy giám sát chất lượng không khí tại nhiều quốc gia thế giới để cung cấp thông tin giúp bảo vệ sức khỏe của nhân viên và công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài, bao gồm cả tại Việt Nam.
Theo chỉ số quy đổi của EPA, ở mỗi mức độ, giá trị AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) được tô màu khác nhau để mọi người có thể dễ dàng hiểu được ô nhiễm không khí nơi mình sinh sống đang ở mức độ nào, trong lành đến đâu. Như vậy chất lượng không khí Việt Nam thường xuyên rơi vào dải màu cam đến mận chín, tương ứng với việc không khí ở mức kém cho đến nguy hại.
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế, Hà Nội và Tp. HCM đều nằm trong danh sách những nước có chỉ số ô nhiễm cao. TP.HCM đứng thứ 15, còn Hà Nội là một trong 2 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á.
"Hãy hình dung khi chúng ta dừng phương tiện khi đèn đỏ, tất cả thải vào môi trường một lượng lớn những khí mà lẽ ra chúng ta không nên ngửi. Thế nhưng, những người ngồi trên xe, đặc biệt là những trẻ ngồi phía trước bố mẹ buộc phải hít một cách thụ động. Khi vào cơ thể, nó sẽ làm cho phổi lấm tấm bụi giống như thể phổi bị rơi xuống đất và không gỡ được bụi ra. Như vậy sẽ rất tổn hại cho phổi và nhiều hệ lụy phía sau như phản ứng viêm, co thắt phế quản, tổn thương, hẹp và sưng viêm đường thở..." - đó là những chia sẻ của bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi đồng 2.
Vậy hít phải không khí bị ô nhiễm, con người phải đối mặt với những bệnh nguy hiểm nào?
Đầu tiên phải nói đến các bệnh lý đường hô hấp
BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cảnh báo: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải phải nhập viện, thậm chí những bệnh nhân này đáp ứng kém với điều trị nên việc chữa bệnh càng khó khăn hơn.
Thứ hai là các bệnh mãn tính
Sống trong môi trường ô nhiễm, những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mãn tính đều có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phỏng vấn bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi đồng 2
Ô nhiễm không khí có tăng nguy cơ ung thư không? Câu trả lời là "Có thể".
Qua chia sẻ của bác sĩ Kim Huyên nói trên, có thể thấy, ở những nơi có mật độ xe cộ lưu thông nhiều, xây dựng cao, chật chội... tiềm ẩn một mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe rất nhỏ bé mà chúng ta không thể nào nhìn thấy. Thứ đe dọa ấy có tên là "bụi mịn".
Bụi mịn (hay còn gọi là bụi công nghiệp, bụi PM2.5) là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này hình thành từ các chất gây ô nhiễm như sulfate, nitrat và carbon đen lơ lửng trong không khí.
Bụi mịn chính là tác nhân lớn nhất phá hủy mạch máu trong cơ thể người vì nó có thể đi thẳng vào phế nang phổi, thậm chí đi thẳng vào máu, dẫn đến tình trạng viêm cục bộ trong mạch máu. Đây chính là tác nhân gây ra xơ vữa động mạch, làm tắc mạch máu, đau tim, suy tim và loạn nhịp tim.
Nói về tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đến sức khỏe, báo cáo nghiên cứu của tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á cho biết việc tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí - nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 1,8 năm.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm chứa nhiều mầm bệnh, từ vi khuẩn, virus đến nấm mốc... nên nếu tiếp xúc lâu dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến làn da, đôi mắt, rồi làm tăng độc tố trong máu, gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp…
Đánh giá về các trường hợp tử vong do bệnh cụ thể có liên quan đến ô nhiễm không khí, WHO báo cáo rằng phần lớn các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời là do các bệnh tim mạch. Cụ thể như sau:
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nhận định:
Không khí bị ô nhiễm có tác động mạnh nhất tới hệ hô hấp, là tác nhân gây nên nhiều bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở tất cả đối tượng. Trẻ con là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Trên thực tế, trẻ con cần nhiều oxy hơn người lớn khi mỗi phút, người lớn chỉ thở 10 đến 15 nhịp thì con số này với trẻ nhỏ là 20 đến 30. Thêm nữa, sức đề kháng và miễn dịch của trẻ kém hơn người lớn. Đồng thời các bé còn thích chạy chơi nhiều nên chạy ra ngoài nhiều hơn, trong khi đó lại không có biện pháp che chắn nên càng tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm.
Theo bác sĩ Dũng, với trẻ nhỏ, không khí ô nhiễm là căn nguyên dẫn đến các cơn hen phế quản cấp tính. Bản thân ông từng gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị khó thở, hắt hơi, dị ứng, viêm mũi dị ứng phải nhập viện do yếu tố khói bụi, môi trường. Chưa hết, đây còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, viêm xoang, viêm mũi dị ứng kéo dài, tiến triển bệnh trở nên nhanh và nguy hiểm hơn nên sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc điều trị...
Nói đến biện pháp ngăn ngừa ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, ít ai biết rằng đeo khẩu trang là biện pháp cần thực hiện hàng ngày nhưng lại không có hiệu quả đáng kể. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, trưởng Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 nhấn mạnh: "Đeo khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn ngừa những hạt bụi có kích thước lớn, đối với các hạt bụi như bụi mịn thì đeo khẩu trang không có tác dụng nhiều".
Thay vào đó, điều quan trọng nhất mà các chuyên gia mong muốn người dân nào cũng cần làm được là: Theo dõi chỉ số bụi của thành phố. Tại thời điểm nào mà chỉ số bụi của thành phố cao thì nên hạn chế cho trẻ ra ngoài. Nên cho trẻ ở trong nhà, đồng thời đóng bớt cửa để hạn chế bụi vào trong nhà.
Phỏng vấn bác sĩ Phạm Văn Hoàng, trưởng Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1
Ngoài ra, nên hạn chế tới những nơi đông đúc, giao thông nhiều. Nên đến những nơi có nhiều cây cối, không khí trong lành để cho phổi được thanh lọc và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, đó chỉ là những vấn đề đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường. Còn để giải quyết triệt để lại cần có những biện pháp khác.
"Tình trạng ô nhiễm môi trường hầu như nước nào cũng gặp phải, vì nó liên quan đến điều kiện phát triển kinh tế… Để tránh ô nhiễm môi trường, trước tiên chúng ta cố gắng làm sao để giảm tải các khí thải. Ví dụ những nhà máy công nghiệp nào thải ra các khí khói bụi quá ô nhiễm, thì phải đưa ra khỏi thành phố. Hoặc phải đưa công nghệ mới vào để hạn chế các khí thải ấy, nó ít bụi hơn, ít độc hơn, nhưng biện pháp này không phải ngày một ngày hai có thể làm được", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra ý kiến.