Những câu chuyện li kì buổi sáng của chú Minh Cháo mà bọn trẻ trong xóm vừa mến vừa sợ và con ngõ "bổ luống" đượm mùi diêm
6 gia đình sống chung trong ngõ cụt. Và mỗi nhà là một câu chuyện hài.
Con ngõ "bổ luống" lạ kỳ
Ven ngoại thành Hà Nội ngày xưa chỗ nào cũng vắng. Chỉ có nhà máy Diêm Gỗ là nhộn nhịp, bởi quanh đó có nhiều khu tập thể quây quần sát nhau, trong đó có con ngõ nhà tôi. Già trẻ lớn bé, sáng trưa chiều tối. Cuộc sống của chúng tôi chỉ xoay quanh miếng cơm manh áo nhờ những que diêm.
Ông ngoại, bố mẹ, cô dì chú bác và hàng xóm quanh tôi đều làm cho nhà máy diêm. Người lớn làm công nhân ở xưởng, các cụ già thì nhận việc linh tinh như gấp hộp, dán tem. Lũ trẻ con chúng tôi thì ngồi học dán phần khay diêm. Từ "chuyên môn" gọi là... dán đáy. Mùi hồ dán thúi hoắc trở thành mùi "nước hoa" đặc trưng cho đám trẻ ở tập thể diêm. Sang bên ga Yên Viên hay chợ Ninh Hiệp chơi đều bị nhận ra hết.
Tôi hay trốn ngủ trưa theo anh chị hàng xóm ra đê sông Đuống nghịch. Bắt ếch, hái hoa, thả thuyền giấy, và trộm gỗ dán đáy để làm đồ chơi. Người ta phơi gỗ kín khắp bờ đê, mùi gỗ thơm quyện với hoa cỏ ngai ngái khiến tôi chẳng bao giờ quên được hương vị quê nhà. Mấy lần bị bà ngoại bắt được, tôi ăn đòn no nê từ ngoài sông về đến nhà. Chẳng hiểu sao lúc nào bà cũng xách theo cái quạt nan nhỏ, tiếng sống quạt đập vào mông ôi sao mà điếng cả giấc mơ!
Con ngõ nhà tôi nằm ở cuối khu tập thể, cụt lủn, bé tí. Dân ở đó gọi là ngõ "bổ luống" vì kiến trúc khu ấy khá dị. Chả biết ai thiết kế mà nhà ở với bếp lại tách riêng thành 2 dãy song song. Giữa là lối đi chung bé như cọng chỉ, nhét cái xe đạp vào là chật.
Trời nắng thì chẳng sao nhưng mưa to là ngập hết con ngõ, nước tràn vào trong bếp chẳng làm ăn được gì. Muốn tắm rửa đi vệ sinh cũng đành vác bô ra ngồi giữa nhà, đợi ráo mưa mới chạy sang bếp được. Đêm hôm mắc tè tôi chả dám dậy, phải gọi bà ngoại theo để bật đèn. Mấy chục năm sau cả ngõ mới góp tiền cùng nhau xây lại, sửa cái bếp dính liền luôn với nhà.
Chú Minh Cháo đam mê chuyện ma
Theo thứ tự 6 nhà trong con ngõ thì đầu hồi là nhà chú Long rồi đến nhà bà Chè, giữa là nhà bác Ngân và nhà tôi, 2 nhà cuối lần lượt là cô Quỳnh và bác Tuyết. 6 gia đình đều thân thiết với nhau lắm, tình cảm như ruột thịt.
Chú Long gầy phất phơ như cây ngô, hay ngồi đầu ngõ hát nhạc vàng. Toàn bài thất tình nẫu ruột, vì ai cũng biết hồi trẻ chú bị "đá" ngay lần đầu mới yêu. Thế là chú thề không thèm yêu nữa, dù bố mẹ chửi ngả nghiêng thì chú cũng quyết độc thân. Chú hát dở lắm, ngang như cua bò đường nhựa. Nhưng cả xóm thấy tội nên không ai chửi!
Nhà bác Ngân thì có 2 cậu con trai hơn tôi ít tuổi. Suốt ngày các anh đánh nhau chí chóe, lúc thì tranh tivi lúc thì giật đồ chơi. Được cái 2 anh đều ga lăng với tôi, đi học bị bắt nạt là có 2 anh hộ tống. Rồi các anh đánh nhau với bọn đầu gấu trong trường, xong về nhà 3 đứa cùng ăn đòn một lúc. Thấy chúng tôi cùng úp mặt vào tường, mấy đứa nhóc trong ngõ vừa bê bát cơm ra vừa "cà khịa". Đúng là bọn trẻ trâu!
Cả vùng trời tuổi thơ tôi cứ tràn ngập niềm vui như thế, nếu không tính những đoạn ký ức "rùng rợn" về người đàn ông có tên là Minh Cháo. Chú ấy là con trai bà Chè, ngày xưa học cùng lớp với mẹ tôi. Mẹ bảo chú Minh học giỏi lắm, mỗi cái nết là "cám hấp trên vung". Cái nickname Minh Cháo ấy ra đời trong hoàn cảnh khá hề. Bà Chè kể tại hồi bé chú ngã gãy răng, được ăn cháo thấy ngon quá nên mê mẩn, suốt ngày đòi ăn cháo thay cơm.
Bọn trẻ trong ngõ vừa mến vừa sợ chú Minh. Mến vì chú giỏi, cái gì cũng biết làm. Chúng tôi nghịch phá hỏng gì đem sang chú cũng sửa được hết. Đã thế chú còn nấu ăn ngon, thi thoảng nấu món gì nhiều là chú sẽ chia cho mỗi nhà một ít. Tôi mê nhất là món canh dưa nấu bạc nhạc bò, vừa mềm vừa thơm hợp mùa hè nóng bức.
Tuy nhiên, chú Minh có một sở thích quái đản khiến đám trẻ bọn tôi sợ xanh mắt. Đó là chú rất hay kể chuyện ma! Cơ mà ông chú đẹp trai này không bao giờ kể khi trời tối. Cứ sáng bảnh mắt khi chúng tôi sắp sửa đi học, chú sẽ túm cả hội lại rồi mở show kinh dị chào bình minh! Nào là chuyện ma trong bụi tre, nào là yêu quái ở bờ sông, rồi đốm lửa lập lòe ngoài mương chỗ chúng tôi hay đi bắt nòng nọc. Mỗi ngày 1 câu chuyện, cứ phải gọi là sợ rụt đầu!
Mấy lần chú Minh Cháo diễn "lố", dọa nhiệt tình quá nên bọn tôi khóc nhè. Thằng Cò bạn thân tôi còn són cả ra quần, phải mượn quần ngủ của tôi đi học. Bà Chè thấy ông con "chập mạch" quá nên vác chổi ra đuổi. Gần 30 tuổi mà chú bị mẹ đánh cho không trượt phát nào! Và "Minh Cháo" trở thành từ khóa có uy lực khủng khiếp, nhắc lại ký ức xưa đứa nào cũng rùng mình.
Rồi bao diêm dần trở thành món đồ "cổ lỗ sĩ". Vẫn tồn tại nhưng chả mấy ai dùng. Thế nên khu tập thể dần tứ tán, mọi người bán nhà đi nơi khác kiếm ăn. Những giá phơi diêm phơi đáy dần trôi vào ký ức, đám thanh niên bọn tôi cũng đã trưởng thành. Bà Chè mất, chú Minh Cháo dọn về quê, bác Ngân với cô Quỳnh bán nhà đi mua chung cư. Chỉ còn lại nhà tôi và chú Long trụ lại con ngõ nhỏ.
Nhiều lần tôi ước ao được quay trở lại những năm tháng tươi đẹp cũ. Để được ăn bát canh rau muống sấu dầm ông bà nấu, đi vặt trộm hoa quả khắp trong khu, lội bắt cá trong con ngõ bé xíu. Được chạy chân trần trên bờ đê sông Đuống, và ngửi lại một lần mùi hồ dán năm xưa...