Những câu cha mẹ không nên nói khi lì xì mừng tuổi cho con: Câu chữ tưởng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng tới tâm lý trẻ ngày năm mới
Giáo dục trẻ không chỉ là việc dạy bảo con cái mà ngay cả lời ăn tiếng nói và hành động của chính cha mẹ cũng cần cẩn trọng. Tết này, khi lì xì cho con, các bậc phụ huynh hãy thử thay đổi một chút trong từ ngữ để trẻ được vui hơn.
Lì xì là một điều không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân Việt Nam và đã trở thành phong tục lâu đời. Do đó, cứ mỗi khi đến dịp xuân về, trẻ nhỏ sẽ vô cùng háo hức chờ đợi cha mẹ và người thân phát tiền mừng tuổi.
Song, đôi khi vì quá vô tư, khi lì xì cho con, cha mẹ lại có cách nói chưa phù hợp gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Điều này lâu dần sẽ hình thành nên tính cách, thậm chí làm trẻ không còn vui vẻ nữa. Vậy, cha mẹ nên tránh nói với con điều gì?
Con còn nhỏ không biết tiêu tiền, để bố mẹ cầm cho
Nhiều bố mẹ thấy con được người khác mừng tuổi thường nói "Con không biết tiêu tiền để bố mẹ giữ cho''. Câu nói xuất phát từ lo lắng của cha mẹ rằng con còn nhỏ, có thể sử dụng tiền một cách tùy tiện hoặc bất cẩn làm mất. Tuy nhiên, nói như vậy có thể làm tổn thương trái tim trẻ nhỏ và dán nhãn "con không quản lý được tiền".
Đứa trẻ thường nảy sinh hai cảm xúc tiêu cực. Nổi loạn vì nghĩ mình bị cha mẹ tước đoạt quyền lực tài chính hoặc thất vọng vì không được tôn trọng do bị cha mẹ trực tiếp phủ nhận khả năng quản lý tài chính.
Với con trẻ, kỹ năng quản lý tài chính cần được trau dồi ngay từ nhỏ. Thay vì kiểm soát tiền, cha mẹ nên dạy con cách phân bổ tiền một cách khoa học, hợp lý.
Nhận tiền mừng tuổi là con phải ngoan ngoãn, lễ phép nhé
Cơ chế khen thưởng này tưởng hiệu quả nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho trẻ. Đầu tiên, cha mẹ cho con một gợi ý: mọi thứ mình làm đều có mục đích. Sự vâng lời, ngoan ngoãn của mình là để được thưởng, chứ không phải trong lòng chúng nghĩ cần phải thế.
Nếu dạy theo kiểu này, theo thời gian, trẻ dần hình thành chủ nghĩa thực dụng, ham vật chất và hành động theo sự điều khiển của tiền.
Nói như vậy là cha mẹ cũng đang ám chỉ với con rằng tình yêu họ dành cho con là tình yêu có điều kiện, "con ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ học hành thì sẽ thưởng". Trẻ cảm thấy rằng mình chỉ có thể được yêu thương khi ngoan ngoãn và học giỏi.
Các chuyên gia cho rằng bản thân tiền mừng tuổi là lời chúc tốt đẹp của người lớn đến trẻ nhỏ, không phải công cụ giáo dục và so sánh vật chất. Khi mừng tuổi cho con, hãy quay về với bản chất của nó, là tấm lòng yêu thương con trẻ. Như vậy, không chỉ trẻ không bị tổn thương, mà người lớn cũng không quá nặng nề về khoản tiền nên mừng nhiều hay ít.
Bên cạnh chú ý về ngôn ngữ, việc hướng dẫn và định hướng giúp con tiết kiệm tiền lì xì một cách hợp lý, khoa học và tránh đi những tiêu pha hoang phí cũng vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp các bé thêm ý thức được cách chi tiêu và quản lý tiền của mình.
Dạy trẻ sử dụng tiền đúng cách và tự quyết định tiền của mình
Đối với một số phụ huynh tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, việc dạy trẻ quản lý về tài chính ngay từ nhỏ là một trong những điều phổ biến và khá quan trọng. Sớm dạy trẻ hiểu và xây dựng kế hoạch sử dụng một cách hiệu quả sẽ giúp các bé có thể tự quyết định về các khoản chi cần thiết nhằm tránh lãng phí.
Từ đó, cha mẹ Việt có thể tham khảo phương thức trên để trò chuyện, hướng dẫn bé quản lý tiền khi nhận được tiền lì xì vào dịp đầu năm mới.
Đối với những trẻ ở độ tuổi từ 8 tuổi trở lên, hãy khuyến khích con biết cách tiết kiệm để có thể mua những món đồ cần thiết phục vụ cho học tập, hay sử dụng trong đời sống thường ngày. Điều này sẽ giúp ích cho các bé có được tính tự lập, duy trì thói quen lên kế hoạch chi tiêu cho tương lai.
Mở tài khoản tiết kiệm
Đối với những đứa trẻ nhận được khá nhiều tiền lì xì, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc và gợi ý cho trẻ về việc mở một tài khoản tiết kiệm. Điều này sẽ giúp con có thể giữ được khoản tiền và sau này có thể sử dụng khi cần đến. Bên cạnh đó, các trẻ sẽ thêm phần hào hứng bởi cảm giác mình đang dần trưởng thành, có ý kiến nhất định trong việc chi tiêu của cá nhân.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em, việc cha mẹ thường xuyên hỏi ý kiến của con cũng như cùng đưa ra nhiều giải pháp trước khi có quyết định cuối cùng sẽ khiến các bé cảm thấy mình được tôn trọng, tự có chính kiến và đưa ra quan điểm mà không bị áp đặt phải theo ý kiến của cha mẹ.
Việc khéo léo điều chỉnh thái độ của con, hay cách dạy dỗ tinh tế của phụ huynh sẽ giúp các bé tự tin, quyết đoán khi gặp bất cứ trở ngại nào trên bước đường sau này.