Trẻ mắc lỗi nhưng ngang bướng không chịu nhận sai - Cách nào giúp cha mẹ giải quyết vấn đề

Ứng Hà Chi ,
Chia sẻ

Đây là những cách giáo dục hiệu quả mỗi khi trẻ mắc lỗi mà cha mẹ nên tham khảo.

Nuôi dạy con khôn lớn là công việc khó bậc nhất của các bậc cha mẹ, đòi hỏi sự yêu thương, nhẫn nại, bao dung. Đặc biệt là những lúc con mắc lỗi sai, con không nghe lời, các cha mẹ đều "phát hỏa" vì con. Không ít người chia sẻ, khi con phạm lỗi, họ cảm thấy bản thân bất lực vì áp dụng mọi biện pháp mà con vẫn ương bướng, không nghe lời.

Vậy đâu là cách giúp con nhận thức lỗi sai của bản thân và biết rút kinh nghiệm cho lần sau. Quát mắng, đánh đòn, áp dụng kỷ luật "thép" có phải là cách giải quyết hiệu quả hay chỉ gây phản tác dụng? Nếu cha mẹ đang hoang mang, loay hoay thì có thể tham khảo những cách giải quyết sau.

1. Yêu cầu trẻ ngừng hành vi, rời khỏi "hiện trường" phạm lỗi

Khi trẻ phạm lỗi, việc đầu tiên nếu cha mẹ cần làm là yêu cầu trẻ rời khỏi nơi đó ngay lập tức. Đây là cách hiệu quả giúp trẻ bình ổn cảm xúc, không còn nóng giận hay tiếp tục hành vi sai trái. Sau khi rời khỏi "hiện trường", trẻ sẽ có khoảng thời gian yên lặng tự suy nghĩ về mọi việc diễn ra. Lúc này, trẻ mới đủ bình tĩnh để nhìn nhận bản thân và có cách giải quyết hợp lý.

Hơn nữa, yêu ngừng hành vi, rời khỏi "hiện trường" phạm lỗi cũng là cách giúp cha mẹ kiềm chế cảm xúc. Bởi khó có ai giữ được bình tĩnh khi thấy con mắc lỗi. Bạn có chắc là mình không quát mắng hay thậm chí là vung vài cái bạt tai dành cho con? Đòn roi cùng những lời chỉ trích chỉ khiến trẻ xấu hổ, tủi thân, ấm ức mà không hiểu mình sai ở đâu. 

Trẻ mắc lỗi nhưng ngang bướng không chịu nhận sai – Đừng lo, đây là cách giúp cha mẹ giải quyết vấn đề - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Đừng la rầy bắt lỗi, hãy để trẻ hiểu tác hại của hành vi sai trái

Khi con làm sai một việc gì đó, có phải điều đầu tiên mà cha mẹ thường làm là quát mắng con: "Tại sao con lại bất cẩn để làm vỡ đồ?", "Bài kiểm tra chẳng có gì khó mà con lại bị điểm kém như vậy?", "Cha/mẹ thất vọng vì hành động này của con"… Những lời nói buộc tội khiến trẻ tổn thương tâm lý mà đôi khi chưa biết rõ mình sai ở đâu. Thậm chí trẻ sẽ nghĩ cha mẹ không còn yêu thương mình nữa. 

Thay vì vội vàng trách móc, cha mẹ hãy để cho trẻ có khoảng lặng để tự nhìn nhận lỗi lầm. Chẳng hạn nếu trẻ làm vỡ đồ, trẻ phải hiểu nguyên nhân là do bản thân bất cẩn, không quan sát kỹ lưỡng. Hay trẻ bị điểm kém thì nguyên nhân là chểnh mảng học tập, chưa thật sự quyết tâm. Tuy nhiên, đôi khi có những lúc trẻ không hiểu mình đang sai ở đâu, lúc này cha mẹ cần chỉ ra lỗi mà trẻ mắc phải để lần sau không tái phạm.

3. Cho trẻ cơ hội được lựa chọn

Kể cả khi trẻ sai, cần bị phạt thì cha mẹ cũng không nên áp đặt hình phạt với trẻ. Thay vào đó, cha mẹ có thể cho trẻ lựa chọn giữa việc này với việc kia. Chẳng hạn bạn có thể cho trẻ lựa chọn hình phạt đứng im trong góc phòng khoảng 15 phút hoặc yêu cầu trẻ thực hiện một việc nào đó đang cấp thiết như: Dọn dẹp nhà, dọn vườn, nấu cơm… 

Để trẻ tự quyết định hình phạt là cách để trẻ tuân thủ và hoàn thiện tốt nhất. Nếu cha mẹ cứ áp đặt hình phạt thì trẻ sẽ trở nên chống đối hoặc cảm thấy ấm ức, không phục.

Trẻ mắc lỗi nhưng ngang bướng không chịu nhận sai – Đừng lo, đây là cách giúp cha mẹ giải quyết vấn đề - Ảnh 2.

Thay vì áp dụng phương pháp kỷ luật cứng nhắc, cha mẹ có thể cho con tự chọn hình phạt. (Ảnh minh họa)

4. Hãy dạy con lỗi sai là một phần tất yếu của cuộc sống

Người lớn thường nói với nhau rằng: "Thất bại là mẹ thành công", vậy khi trẻ mắc lỗi cũng thế. Thay vì dọa nạt, hãy cùng trẻ trò chuyện, giải thích để trẻ hiểu vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ biết được tại sao mình nên làm như thế này mà không phải thế kia. Và lần sau, trẻ sẽ không lặp lại hành vi sai lầm nữa. 

Chẳng hạn như ở bài kiểm tra một tiết, trẻ bị điểm kém, cha mẹ không nên la rầy, trách móc. Thay vào đó, hãy giúp trẻ nhìn lại lỗ hổng kiến thức và có phương pháp khắc phục như: Hỏi lại thầy cô, bạn bè, đi học thêm… Chắc chắn sau một thời gian, trẻ sẽ tiến bộ rõ rệt và nâng cao được điểm số. 

Cha mẹ hãy cứ cho trẻ cơ hội "làm sai" nhé! Bạn sẽ cảm thấy thật ấm lòng khi nhìn con nhận thử thách một cách nghiêm túc và sẽ tự nhủ: "Con lớn thật rồi, con đã biết cách đối diện khó khăn, đứng lên sau vấp ngã". 

Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu tính cách con mình để có phương pháp giáo dục phù hợp. Hãy coi trẻ là người bạn đồng hành để sẻ chia và thấu hiểu. Chắc chắN trẻ sẽ ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, không còn tỏ ra chống đối, ngang bướng khi mắc lỗi. 

Chia sẻ