Những bức ảnh đáng sợ này chắc chắn sẽ khiến bạn nghĩ lại nếu trót lỡ đeo lens khi đi ngủ
Đeo kính áp tròng đi ngủ thực sự có thể khiến đôi mắt của bạn phát bệnh, thậm chí mù lòa không thể cứu vãn.
Loét giác mạc do nhiễm trực khuẩn mủ xanh do đeo kính áp tròng đi ngủ
Lấy kính áp tròng vào mỗi cuối ngày đối với nhiều người có thể là một thách thức không nhỏ. Điều này khiến bạn có thể cảm thấy nản chí với việc tháo lens sau một ngày dài mệt mỏi. Nhiều người thậm chí bỏ quên kính áp tròng và cứ thế đi ngủ. Nhưng bạn có biết, đeo kính áp tròng đi ngủ thực sự tồi tệ hơn tưởng tượng rất nhiều.
Phòng khám Vita Eye ở Bắc Carolina đã làm rõ điều này bằng cách đăng ảnh lên Facebook về những gì có thể xảy ra khi bạn không tháo kính áp tròng trước khi đi ngủ. Những hình ảnh đáng lo ngại cho thấy mắt của bệnh nhân bị nhiễm khuẩn Pseudomonas hay loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh. Vi khuẩn Pseudomonas "ăn mòn giác mạc mạnh mẽ chỉ trong vài ngày, để lại đôi mắt trắng dã do hoại tử, mô chết sau khi thức dậy", bài đăng của Phòng khám Vita Eye cho hay.
Những hình ảnh đáng lo ngại cho thấy mắt của bệnh nhân bị nhiễm khuẩn Pseudomonas hay loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh.
Các vết loét giác mạc do nhiễm trực khuẩn mủ xanh này "là kết quả trực tiếp của việc ngủ qua đêm vẫn đeo kính áp tròng". Bài viết nhận định, vi khuẩn Pseudomonas "là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những bệnh ở mắt và đặc biệt nhiễm khuẩn này, người bệnh có nguy cơ bị mù lòa cực nhanh".
Patrick Vollmer, bác sĩ nhãn khoa đã điều trị cho bệnh nhân trong bài viết cho biết, ông đã điều trị bệnh này cho 3 trường hợp trước đó tại phòng khám của mình. Ông kêu gọi mọi người cần hết sức cẩn trọng khi đeo kính áp tròng đi ngủ.
Lấy kính áp tròng vào mỗi cuối ngày đối với nhiều người có thể là một thách thức không nhỏ.
Những rủi ro do đeo kính áp tròng khi đi ngủ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích. Bạn chỉ mất chút thời gian để lấy kính áp tròng ra khỏi mắt nhưng chỉ cần bỏ qua vài phút này mỗi tối và ngủ qua đêm, thiệt hại nặng nề mà bạn phải đối mặt sẽ rất khó khắc phục. Giới chuyên gia mong muốn bạn có thể xem những hình ảnh này và nhắc nhở bản thân, gia đình hoặc bạn bè cần phải nắm rõ việc sử dụng kính áp tròng đúng cách.
May mắn là bệnh nhân trên không bị mù lòa. BS Patrick Vollmer cho biết, sau khi dùng thuốc kháng sinh tăng cường suốt ngày đêm và gần đây là thuốc giảm sẹo vĩnh viễn, sức khỏe mắt của bệnh nhân này được cải thiện mạnh mẽ.
Viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh cũng có thể do việc không đảm bảo vệ sinh khi trang điểm và tẩy trang vùng mắt. Do đó, nếu bạn nghi ngờ về một loại mascara nào đó, hoặc để quá lâu trong tủ tốt nhất nên vứt bỏ ngay.
Nguyên tắc quan trọng hàng đầu khi đeo kính áp tròng
Giới chuyên gia nhận định, đúng là thật dễ dàng để bạn thiếp vào giấc ngủ đến sáng sau một ngày làm việc vất vả, nhanh chóng quên việc cần tháo lens trước khi ngủ. Nhưng ngay cả khi bạn quá mệt mỏi để rời khỏi chiếc giường nằm hay đi văng yêu quý, hãy nhớ đôi mắt bạn có thể ra sao khi nhìn thấy vào gương trong sáng hôm sau.
Ngay cả khi bạn quá mệt mỏi để rời khỏi chiếc giường nằm hay đi văng yêu quý, hãy nhớ đôi mắt bạn có thể ra sao khi nhìn thấy vào gương trong sáng hôm sau.
Theo BS Đặng Văn Quế (PGĐ Bệnh viện mắt Quốc tế DND), muốn đặt kính áp tròng vào mắt cần đảm bảo đôi bàn tay sạch sẽ. Dụng cụ, phương tiện, dịch ngâm kính áp tròng cũng phải luôn luôn đảm bảo vệ sinh. "Nếu không khả năng bị nhiễm trùng là rất lớn, phụ thuộc vào thời gian, mức độ đảm bảo vô trùng nhiều hay ít", BS Quế nói.
Nguyên tắc khi sử dụng kính áp tròng là buổi sáng lắp vào mắt, buổi tối tháo ra. Tùy từng loại kính áp tròng có thể sử dụng được 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm. Khi không sử dụng phải được đặt vào hộp bảo quản để đảm bảo vô trùng.
"Bản chất của kính áp tròng là silicon nên khi đi bơi, đi tắm bắt buộc phải tháo kính ra. Vì môi trường ẩm ướt rất dễ khiến kính áp tròng bị thoái hóa, gây nhiễm trùng mắt. Không ngoại lệ, việc để quên kính áp tròng qua đêm cũng là điều cấm kỵ", chuyên gia khoa Mắt khẳng định.