Những bữa cơm kiểu này khiến người Việt mắc bệnh đại tràng ngày một tăng
Cách ăn uống, lựa chọn thực phẩm không thích hợp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gia tăng căn bệnh viêm đại tràng mãn tính ở Việt Nam.
Rau rửa qua loa
Theo thống kê Việt Nam có khoảng 4 triệu người bị viêm đại tràng mãn tính và con số ngày đang ngày một tăng.
Lý giải về nguy cơ tăng bệnh lý viêm đại tràng mãn tính GS. Hoàng Công Đắc, Chuyên gia tiêu hóa, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay viêm đại tràng có liên quan tới chế độ ăn uống hiện nay của người Việt. Do chế độ ăn không đảm bảo hợp vệ sinh, thực phẩm không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm gây ra loạn khuẩn tiêu hóa.
Nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng hiện hữu trong từng bữa ăn của người Việt đặc biệt người thường xuyên ăn cơm hộp. Thức ăn đường phố, chế biến sẵn nếu vệ sinh ăn uống không đảm bảo, thức ăn nhiễm hóa chất, không rửa tay trước khi ăn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
"Một số người có thói quen thích ăn đồ sống (rau sống, gỏi) có nguy cơ nhiễm giun sán cao do rửa rau qua loa. Khi bị nhiễm giun sán gây ra loạn khuẩn và viêm đại tràng cấp. Viêm đại tràng một lần không điều trị đúng có thể tái phát các lần tiếp theo. Nếu tái phát kéo dài sẽ trở thành mãn tính ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh", GS. Đắc khuyến cáo.
Thịt bị nhiễm khuẩn, vi trùng
Ăn thức ăn hàng quán có nguy cơ bị mắc viêm đại tràng nếu chế biến và thực phẩm không đảm bảo, ảnh minh họa.
Thịt là thực phẩm không thể thiếu trên mâm cơm của người Việt. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn thịt đều được mua ngoài chợ bày bán cả ngày nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn là không tránh khỏi.
"Quá trình giết mổ không đúng quy trình khiến cho thịt bị nhiễm vi khuẩn ngay từ khâu đầu tiên. Nhiễm vi khuẩn chồng vi khuẩn khi thịt được vận chuyển bằng xe máy không che chắn bảo quản trên đường. Quá trình bày bán tại chợ thịt lợn thêm một lần nữa bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn.
Khi đến tay người tiêu dùng thịt có thể bị ôi (hỏng) do vi khuẩn nhân lên và nếu ăn có thể gây viêm đại tràng", GS. Đắc nói.
Ngoài ra, các thực phẩm trôi nổi không có kiểm định sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Phòng bệnh viêm đại tràng bằng cách lựa chọn thực phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ.
GS Đắc cho biết người Việt thường có thói quen lưu cữu đồ ăn thừa trong tủ lạnh. Việc lưu cữu đồ ăn đi ăn lại khiến cho thực phẩm dễ biện nhiễm vi khuẩn và có thể gây bệnh. Nên nấu thức ăn vừa đủ ăn, ăn hết từng bữa. Không nên lạm dụng tủ lạnh để bảo quản và lưu cữu thức ăn.
Viêm đại tràng vì sao dễ tái phát
Viêm đại tràng ngoài nguyên do ăn uống còn do yếu tố stress. Những rối loạn thần kinh ảnh hưởng trực tiếp tới đại tràng.
Triệu chứng bệnh nhân thường đau quặn bụng dữ dội, đánh hơi nhiều, phân có nhầy máu. Viêm đại tràng nếu điều trị đúng sau 7 ngày sẽ hết, điều trị không đúng viêm mãn tính.
Theo GS. Đắc người bị viêm đại tràng cần lưu ý thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ muội, ôi thiu. Cần chú ý những thức ăn dễ gây dị ứng rất dễ nhầm với ngộ độc thức ăn (tôm, cua). Luôn lưu ý rửa sạch tay trước khi ăn.
Ăn uống cần chú ý hạn chế ăn nhiều mỡ, đạm có thể gây ra tiêu chảy. Kiêng rượu,bia chất kích thích, chua cay, giấm ớt, lạnh dễ gây viêm đại tràng. Người bị viêm đại tràng mãn tính phải điều trị suốt đời, uống phải rất giữ gìn.
"Biến chứng sinh học của viêm đại tràng mãn tính niêm mạc ruột bị bào mòn, loạn khuẩn tiêu chảy kéo dài như vậy cơ thể sẽ không hấp thu được các chất dinh dưỡng gầy yếu, mệt mỏi. Viêm mãn tính có thể hình thành các ổ viêm hoặc nhiễm amip tạo thành nang và tạo thành những khối ung thư hóa", GS. Đắc lưu ý.
Khi có những vấn đề về tiêu hóa cần phải đi khám sớm để điều trị kịp thời, loại trừ nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng.