Những bệnh thường gặp ở chân trong mùa hè và cách xử lý đơn giản nhất
Vào mùa hè, đôi chân không chỉ dễ bị tổn thương do chọn sai giày dép, hôi chân cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều người lo lắng.
Những rắc rối thường gặp nhất với bàn chân như gót chân nứt nẻ, móng chân bị nấm, hôi chân được chuyên gia Michael Harrison-Blount lý giải và gợi ý cách xử lý hiệu quả.
Mùa hè đồng nghĩa với việc vắng bóng của những đôi giày ấm áp và những đôi bốt cao cổ. Thay vào đó là sự lên ngôi của xăng đan, tông, giày đế bằng... Nhưng tất cả những loại giày dép này lại có thể gây rắc rối cho bàn chân của chúng ta.
Chuyên gia các bệnh về chân Michael Harrison-Blount giải thích: "Mọi người thường tập trung vào những đôi giày cao gót, coi chúng là thủ phạm gây ra những vấn đề cho bàn chân. Nhưng thực ra không hẳn như vậy. Những đôi giày đế bằng hoàn toàn có thể gây tổn hại tương tự cho chân, ví dụ như làm cho ngón chân phải ép quặp vào, những khối cơ nhỏ xíu ở gót chân trở nên mệt mỏi, rệu rã và đau đớn, thậm chí có thể dẫn tới kết cục là bàn chân bị tổn thương nặng do thiếu lực đỡ chắc chắn".
Cũng theo chuyên gia Michael Harrison-Blount, giải pháp là tránh hoàn toàn những đôi giày đế quá mỏng và các thể loại dép xỏ ngón. "Bạn hãy dùng loại giày có gót cao 2-3cm. Bất cứ loại giày nào cao hoặc thấp hơn mức này đều sẽ khiến bàn chân bạn gặp phải rắc rối. Bàn chân phải làm việc khó khăn gấp 3 lần để thực hiện chức năng thông thường trong khi không có được sự hỗ trợ đúng mức của giày dép".
Vào mùa hè, đôi chân không chỉ dễ bị tổn thương do chọn sai giày dép, hôi chân cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều người lo lắng. Nhiễm trùng tăng lên, nhiễm nấm men và stress làm tăng mồ hôi. Đây là điều kiện có lợi cho vi khuẩn sản sinh gây ra mùi hôi.
Vậy phải làm sao để bảo vệ đôi chân vào mùa hè?
Giải pháp xử lý 3 tác hại do đi giày dép đế mỏng hoặc dép xỏ ngón
- Gót chân nứt nẻ: Lớp da dày và cứng ở gót chân bị nứt, gây đau đớn là một trong những vấn đề rất nhiều người gặp phải. Chuyên gia Michael lý giải: "Quá trình lão hóa phần nào chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của gót chân. Khi collagen bị đứt gãy trong da, các mô bị khô đi. Nếu bạn mang một đôi giày hở gót, gót chân sẽ rơi vào trạng thái hơi nhô ra khỏi cạnh giày dép và chính áp lực đó gây nên hiện tượng nứt nẻ".
Giải pháp: Bạn cần phải có một lịch trình chăm sóc nhất định cho bàn chân tương tự như lịch trình áp dụng cho khuôn mặt. Chuyên gia Michael gợi ý: "Để giảm lượng da khô cứng ở gót chân, thử ngâm chân trong nước ấm, trước khi kỳ cọ chân bằng đá bọt hoặc dụng cụ chà chân chuyên dụng. Sau đó, sử dụng loại kem có chứa urea bởi vì nó có tác dụng hút ẩm từ nguồn dự trữ của chính cơ thể bạn. Thực hiện 2-3 lần/tuần và vết nứt gót chân sẽ nhanh chóng biến mất".
- Móng chân mọc quặp vào trong: Đây là rắc rối gây đau đớn cho bàn chân. Chúng xảy ra khi một phần móng mọc quặp vào trong và đâm vào ngón chân. Kết cục thường gặp là chân bị viêm, đau, chảy máu, đôi khi mưng mủ do một bệnh truyền nhiễm. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng móng chân quặp, do bất cẩn khi cắt móng chân, giày dép không vừa, bàn chân đổ mồ hôi. Thậm chí, bạn có thể sở hữu bộ móng chân quặp ngay từ lúc chào đời.
Giải pháp: Kỹ thuật cắt móng chân chính là vấn đề chủ chốt ở đây. Chuyên gia Michael khuyên: "Không bao giờ sử dụng kéo, bởi kéo làm nứt móng. Đồng thời tránh cắt móng quá ngắn. Hãy cắt thẳng theo chiều ngang đầu móng và lượn nhẹ theo hình dáng móng". Việc cắt móng chân quá ngắn sẽ khiến da mọc phủ lên móng. Nếu bạn có một móng chân mọc quặp vào trong bị nhiễm trùng hay đau nhức, hãy tới gặp bác sĩ hoặc chuyên gia các bệnh về chân.
- Móng chân nhiễm nấm: Đó là hiện tượng khi móng chân dày, có màu vàng, dễ gãy, thậm chí bốc mùi khó chịu. Nhiễm trùng nấm móng thường khởi đầu như một chứng nhiễm trùng da, ví dụ bàn chân của vận động viên. Chuyên gia Michael cho biết: "Các bào tử nấm trong phần da chết có thể nằm im, không hoạt động trong vòng vài ngày. Điều này đồng nghĩa với việc chúng rất dễ lây nhiễm. Nếu có một vết nứt trên móng, nhiễm trùng sẽ lan rộng từ da tới móng".
Giải pháp: Điều trị từ sớm nhiễm trùng nấm móng là việc vô cùng cần thiết. Nếu bạn để quá muộn, việc xử lý sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chuyên gia Michael khẳng định: "Ban đầu, bệnh nhiễm trùng trông sẽ giống như một lớp bột phấn rôm trên đầu móng. Sử dụng loại sơn móng kháng nấm mua tại hiệu thuốc nếu bạn phát hiện bệnh sớm".
Nếu bệnh nhiễm trùng đã phát, một chuyên gia các bệnh về chân sẽ khoan những lỗ nhỏ xíu trên móng để cho phép thuốc kháng nấm thấm vào. Nếu tình hình thực sự xấu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng nấm cho bạn.
5 cách đơn giản loại bỏ mùi hôi chân
Tạp chí Bright Side đã thu thập được một số lời khuyên giúp bạn thoát khỏi tình trạng mồ hôi chân gây ra mùi hôi khó chịu, bạn hãy lựa chọn những cách mà mình có thể làm nhé.
- Loại bỏ nơi trú ngụ của vi khuẩn: Hầu hết các vi khuẩn gây ra mùi hôi đều ẩn nấp dưới móng tay và vùng da cứng. Đừng quên làm sạch lòng bàn chân của bạn bằng đá bọt khi rửa chân và chăm sóc móng bằng cách cắt ngắn chúng.
- Lau sạch giữa các ngón chân sau khi rửa: Sau mỗi lần tắm hay rửa chân, bạn cần lau sạch cả bàn chân lẫn kẽ giữa các ngón chân bằng một khăn sạch. Sự ẩm ướt giữa các ngón chân có thể chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra nấm.
- Ngâm chân với nước trà mỗi ngày: Các chất tannin có trong lá trà sẽ diệt vi khuẩn và làm giảm mồ hôi hiệu quả. Bạn có thể chuẩn bị 3 muỗng cà phê trà ủ trong 1 lít nước nóng, sau đó pha thêm nước lạnh và ngâm chân trong 15-30 phút.
- Dùng dấm táo để vệ sinh chân: Dấm táo cũng sẽ giúp loại bỏ mùi chân rất tốt. Bạn cần trộn 0,5 lít dấm với 200ml nước ấm. Ngâm một miếng gạc trong dung dịch này và bôi lên bàn chân trong 20 phút. Sau đó để da khô tự nhiên.
- Khử trùng giày: Lau kĩ bên ngoài giày, ngâm lót giày và dây giày vào dung dịch chlorhexidine (khử trùng), lau bên trong giày bằng bông gòn ngâm trong chlorhexidine, sau đó để cho giày khô... Làm thường xuyên như vậy sẽ hạn chế tình trạng ra mồ hôi và hôi chân. Tốt nhất, bạn nên có ít nhất 2 đôi giày để thay đổi.
Nếu bàn chân của bạn không chỉ có mùi khó chịu mà còn bắt đầu ngứa và bong da, hãy đi khám bác sĩ. Đây có thể là các triệu chứng của giun móc, nhiễm trùng, hoặc bệnh nấm (một căn bệnh do nấm ký sinh trùng gây ra). Nếu bạn đi khám và chữa sớm thì sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm.
(Nguồn: Mirror/Brights)