Những báu vật sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang Nhà vua Anh Charles III
Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III là dịp hiếm hoi để người bên ngoài được chiêm ngưỡng nhiều báu vật nổi tiếng của Hoàng gia Anh. Những chiếc vương miện gắn kim cương quý hiếm thường được cất trong Tháp London từ thời trung cổ.
Lễ đăng quang của Nhà vua Charles III sẽ là một sự kiện trang nghiêm với những trang phục lộng lẫy của chế độ quân chủ, những báu vật chỉ xuất hiện trong những dịp quan trọng của nhà nước.
Vương miện Thánh Edward
Chiếc vương miện đăng quang truyền thống sẽ được Tổng giám mục Canterbury đặt lên đầu Nhà vua Charles III trong lễ đăng quang. Vương miện Thánh Edward chỉ được dùng vào mục đích này.
Chiếc vương miện nặng gần 3kg, vì thế các vị vua phải có thời gian tập đội nó. Nữ hoàng Elizabeth II đội vương miện này trong lễ đăng quang năm 1953.
Vương miện Thánh Edward được làm vào năm 1661 để thay thế chiếc vương miện thời trung cổ từ thế kỷ 11, thời Edward – vị vua Anglo-Saxon cuối cùng của nước Anh.
Chiếc vương miện ban đầu đã bị phá huỷ cùng với hầu hết trang sức hoàng gia khác, sau khi Vua Charles I bị Oliver Cromwell hành quyết để bãi bỏ chế độ quân chủ năm 1649. Vương miện Thánh Edward được làm cho Lễ đăng quang của Vua Charles II sau khi hoàng gia được khôi phục năm 1660.
Dù không phải bản sao của thiết kế ban đầu, vương miện Thánh Edward có một số điểm tương đồng với vương miện trước đó, với 4 cây thánh giá và 4 bông hoa, cùng 2 chiếc gọng uốn cong. Trên đỉnh là một quả cầu và cây thánh giá, tượng trưng cho thế giới Cơ đốc giáo.
Khung vàng của vương miện được nạm đá hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, ngọc hồng lựu, đá topaz và tourmaline. Bên trong là phần làm bằng vải nhung, còn lót mũ làm bằng lông chồn.
Vương miện nhà nước Hoàng gia
Nhà vua Charles sẽ đội vương miện này khi ông rời Tu viện Westminster. Nó được làm cho Lễ đăng quang của Vua George VI năm 1937, gần giống vương miện làm cho Nữ hoàng Victoria năm 1838.
Vương miện Hoàng hậu Mary
Hoàng hậu Camilla sẽ đội vương miện Hoàng hậu Mary, một món đồ công phu được làm cho bà cố của Vua George V trong Lễ đăng quang năm 1911. Cung điện Buckhingham nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên chiếc vương miện được dùng lại kể từ thế kỷ 18, “vì sự bền vững và hiệu quả”.
Vương miện này được nạm 2.200 viên kim cương, sau đó được gắn thêm những viên kim cương Cullinan II, IV và V mà Nữ hoàng Elizabeth thường đeo như những chiếc trâm. Kim cương Cullinan được tìm thấy từ một mỏ ở Nam Phi mà Anh sở hữu vào năm 1905, hai năm sau đó được trao cho Vua Edward VII vì không ai đủ tiền mua nó.
Koh-i-noor nổi tiếng
Việc Hoàng hậu Camilla chọn đội vương miện Hoàng hậu Mary có thể vì lý do chính trị, để tránh chiếc vương miện Thái hậu có viên kim cương 105 carat nổi tiếng, thường được gọi là Koh-i-noor. Đây là một trong những viên cương lớn nhất thế giới nhưng cũng có lịch sử phức tạp.
Koh-i-noor được phát hiện tại một khu mỏ ở Ấn Độ vào thế kỷ 13. Năm 1849, một maharaja trẻ tuổi, tức người cai trị ở địa phương, buộc phải trao nó cho Anh khi tỉnh Punjab bị sáp nhập.
Một phát ngôn viên của đảng BJP cầm quyền Ấn Độ nói hồi tháng 10 năm ngoái rằng, việc sử dụng viên kim cương này sẽ đánh thức “ký ức đau buồn của quá khứ thuộc địa”.
Ngoài những chiếc vương miện, quyền trượng, quả cầu và nhẫn lấp lánh được trang sức bằng đá quý cũng sẽ là một phần không thể thiếu trong lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III ngày 6/5.