Những ai được đi xe buýt ở Hà Nội sau ngày 21/9?

PHI LONG,
Chia sẻ

Sở GTVT Hà Nội cũng đưa ra các tiêu chí "thẻ xanh Covid" và "thẻ vàng Covid" để tái khởi động dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9.

Để sẵn sàng kích hoạt lại dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9, Sở GTVT đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.

Những ai được đi xe buýt ở Hà Nội sau ngày 21/9? - Ảnh 1.

Dự kiến, sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ được hoạt động trở lại.

Sở GTVT Hà Nội sẽ đưa ra các tiêu chí yêu cầu về mức độ an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo từng giai đoạn khác nhau. Bộ tiêu chí là cơ sở để các đơn vị vận tải triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia hoạt động vận tải bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý đánh giá mức độ an toàn của các đơn vị vận tải.

Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện, Sở GTVT đang xây dựng dự thảo về tổ chức giao thông từng giai đoạn và tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải.

Đơn vị đang thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, tập trung xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh theo các hướng dẫn liên quan của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Đối với hành khách, cần thực hiện nghiêm túc thông điệp "5K", khai báo y tế điện tử thông qua mã QR (chỉ khai báo y tế bằng giấy theo mẫu tờ khai của Bộ Y tế khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử). Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong suốt chuyến đi và chủ động khai báo nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

“Công an TP. Hà Nội đang xây dựng triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại 23 chốt kiểm soát để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện lưu thông”, ông Long cho biết.

Đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên phục vụ tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cả trước, trong và sau khi kết thúc thời gian làm việc theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội.

Những ai được đi xe buýt ở Hà Nội sau ngày 21/9? - Ảnh 2.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tuần này sẽ hoàn thiện phương án đưa vào vận hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau ngày 21/9.

Sở GTVT Hà Nội cũng đưa ra các tiêu chí "thẻ xanh Covid" và "thẻ vàng Covid" để tái khởi động dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9.

Cụ thể, "thẻ xanh Covid" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm mũi vaccine thứ hai được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm 1 mũi vaccine (đối với các loại vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi như vắc xin Janssen của Johnson & Johnson) được 14 ngày và không quá 12 tháng; người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

"Thẻ vàng Covid" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng các điều kiện là đã tiêm 1 mũi đối với vaccine có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày.

Đối với các cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (sổ sức khỏe điện tử) có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan như: giấy chứng nhận tiêm chủng bảo đảm điều kiện của thẻ xanh/thẻ vàng.

Với tiêu chí về lộ trình, Sở GTVT Hà Nội cho biết, các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Các tuyến buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Về thời gian khôi phục lại hoạt động xe buýt, dự kiến chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội (kể từ 0h ngày 21/9 đến hết ngày 5/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) và hành khách phải có "thẻ xanh Covid" hoặc "thẻ vàng Covid" và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

Những ai được đi xe buýt ở Hà Nội sau ngày 21/9? - Ảnh 3.

Đối tượng đi xe buýt phải đáp ứng được các tiêu chí "thẻ xanh Covid" và "thẻ vàng Covid".

Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có "thẻ xanh Covid" hoặc "thẻ vàng Covid" và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 80% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

Trong giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có "thẻ xanh Covid". Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách.

Về tiêu chí tần suất hoạt động sau 21/9, ông Long cho biết, căn cứ tình hình thực tế công tác phòng chống dịch, Sở GTVT sẽ đưa ra phương án xe buýt hoạt động 50% công suất (trên xe không chở quá 50% hành khách theo số ghế), sau 15 ngày sẽ có tính toán để điều chỉnh lại công suất này.

Với tiêu chí về lộ trình, các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Các tuyến buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

"Do có tính kết nối mạng, liên tuyến nên xe buýt cần có không gian rộng để hoạt động. Trong phương án đưa xe buýt vào hoạt động, chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chí để buýt có thể chạy liên vùng để đạt hiệu quả hoạt động, đồng thời vẫn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch", ông Long thông tin.

Trước đó, trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, để thống nhất phương án tổ chức vận tải trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực GTVT để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động.

"Phương án tổ chức giao thông lần này sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương. Sau khi thống nhất, các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không được tạo ra bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Ông Lê Đình Thọ cũng yêu cầu các Sở GTVT phải sẵn sàng phương án góp ý vào kế hoạch của Bộ. Trong đó, phải chú trọng xây dựng phương án tổ chức giao thông kết nối với các ga, bến cảng, bến xe và cảng hàng không, tổ chức giao thông đối với các phương tiện cá nhân.

"Đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt hơn nữa hiện tượng các phương tiện có giấy nhận diện ưu tiên để chở người và hàng hóa trái phép, phải có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp, lái xe cố tình vi phạm", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói./.

Chia sẻ