Nhóm bạn trẻ phục dựng ảnh chân dung 13 liệt sĩ ở "tọa độ lửa" Truông Bồn
Sau hơn một tháng xuyên đêm, nhóm bạn trẻ đã phục dựng 14 bức ảnh gồm 13 liệt sĩ thanh niên xung phong và một nhân chứng sống ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Nghệ An.
Vượt chặng đường hơn 300km từ thủ đô Hà Nội về Khu di tích Quốc gia Truông Bồn, ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), nhóm Team Lee đã trao tặng những bức ảnh phục chế màu của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong và một nhân chứng sống cho Ban Quản lý Khu di tích.
|
Anh Phùng Quang Trung, phụ trách và quản lý công việc nhóm Team Lee cho biết, qua sách báo, biết đến Truông Bồn là vùng đất linh thiêng, nơi in dấu bước chân sục sôi chiến đấu của hàng chục vạn thanh niên xẻ núi, san lấp hố bom cho xe vào tiền tuyến, tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317. Cả nhóm đã quyết định phục dựng ảnh chân dung của các liệt sĩ.
“Sau khi hoàn thiện, gửi tặng 10 bức ảnh các liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vào tháng 8 vừa qua, nhóm đã lên ý tưởng phục chế chân dung các liệt sĩ thanh niên xung phong ở Truông Bồn. Được sự giúp đỡ của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn về tư liệu, hình ảnh, nhóm bắt đầu thực hiện sau dịp lễ Quốc khánh 2/9”, anh Trung nói.
Mặc dù mỗi người trong nhóm còn có công việc chính nhưng hằng ngày nhóm vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để tập hợp, cùng nhau thực hiện việc phục dựng ảnh. Trung bình mỗi bức ảnh mất khoảng 6 giờ chỉnh sửa, nhưng có những bức ảnh khó, mất 2-3 ngày mới xong. Do ảnh cũ, nhiều chi tiết mờ nên nhóm thường phải làm xuyên đêm. Khó nhất là khi nhận những bức ảnh bay màu, cũ mờ, rách nát, không rõ chi tiết. Các thành viên phải liên tục bàn bạc, góp ý chỉnh sửa với mong muốn bức ảnh thể hiện được đúng chân dung, thần thái của các liệt sĩ.
“Trong quá trình thực hiện, cả nhóm gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, ảnh vẽ ngày xưa cũng bị lỗi, có những tấm ảnh rất mờ, có tấm không đúng với tỷ lệ chuẩn và cả nhóm đã phải trao đổi rất nhiều để hoàn thiện. Nhờ có tư liệu cùng sự miêu tả kỹ càng của Ban quản lý di tích, chúng tôi có thể khắc họa chân dung của các chiến sĩ một cách chân thực nhất”, anh Trung nói.
Trực tiếp mang những bức ảnh phục chế tới Khu di tích lịch sử Truông Bồn và gặp nhân chứng sống là bà Trần Thị Thông (76 tuổi), nhóm bạn trẻ không giấu được niềm xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ.
Khi nhìn thấy chân dung những đồng đội của mình hy sinh cách đây đã 54 năm được phúc chế có màu, rõ từng cử chỉ, nét mặt, toát lên sức sống mãnh liệt của tuổi mười tám, đôi mươi, bà Thông rưng rưng xúc động. Bà sờ từng tấm ảnh bật khóc khi nhận xét các bức ảnh rất giống và đẹp.
Nhóm Team Lee gồm 7 thành viên, là những bạn trẻ có chung niềm đam mê chỉnh sửa ảnh và chuyên phục chế những bức ảnh liệt sĩ miễn phí. Tính đến nay, nhóm đã phục dựng và gửi tặng trên 200 bức ảnh chân dung liệt sĩ tới các nhân thân, gia đình.
“Thông điệp từ trước đến nay của nhóm là tri ân và biết ơn các thế hệ đi trước, hiểu được giá trị của sự hòa bình. Và hơn hết là hy vọng những bạn trẻ làm nghề ảnh trên cả nước cùng tham gia, như một hành động tri ân các anh hùng liệt sĩ”, anh Trung chia sẻ.
Ông Phan Trọng Lộc, giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết: “Nhân dịp kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn, nhóm Team Lee đã phục chế ảnh màu của 13 liệt sĩ hy sinh ngày 31/10/1968 để trao tặng cho Khu di tích. Bằng tất cả niềm tâm huyết và lòng biết ơn, nhóm đã góp phần làm chân thực, sắc nét hơn hình ảnh tuổi thanh xuân của các cô gái, chàng trai thanh niên xung phong Truông Bồn năm ấy, chúng tôi rất xúc động. Sau khi dâng ảnh lên mộ của từng liệt sĩ và làm lễ, đơn vị đã treo tại phòng truyền thống của Khu di tích để người dân có thể chiêm ngưỡng chân dung của các anh, chị, qua đó có thêm tư liệu giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước”.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km trên dãy núi Thung Nưa chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, có vị trí đặc biệt quan trọng trên cung đường 15A. Không quân Mỹ đã dồn lực đánh phá ác liệt biến Truông Bồn trở thành “tọa độ chết”.
Rạng sáng 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Họ ra đi khi chỉ còn ít giờ nữa không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc.