Nhói lòng khi con trai dặn tôi rằng: “Mẹ đừng cho bố biết nhé!”

Tạ Thu Thắm,
Chia sẻ

Bố lẽ ra phải là người bạn thân nhất của con trai, được con tin tưởng trao gửi nhiều tâm sự, nhưng chồng và con trai tôi thì ngược lại, cả hai giống như một con thú sơ sinh và người huấn luyện tàn nhẫn.

Vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố học tập và lập nghiệp. Chúng tôi đến với nhau do sự mai mối vun vén của bạn bè và gia đình. Bởi vì anh thì lầm lỳ, không biết "tán gái", còn tôi thì quá bận bịu ở trung tâm nghiên cứu, ở đó đều đều là người đã có gia đình nên cơ hội quen biết đàn ông rất khó. Vì thế khi được giới thiệu, chúng tôi cũng nhanh chóng xác định quen biết để tiến tới hôn nhân. Và đám cưới diễn ra chỉ sau 4 tháng kể từ ngày chính thức hẹn hò.

Sau khi cưới nhau về, chúng tôi đối xử với nhau có chút khách khí vì cả hai vẫn chưa quen với nhau lắm. Cảm giác giống như lấy chồng thời xưa vậy, về làm vợ chồng rồi mới tìm hiểu nhau. Và tôi nhận ra anh là người rất gia trưởng, nghiêm khắc và sạch sẽ quá mức. Thật sự thì tôi cũng là người chăm chỉ chịu khó nên có thể thích nghi theo anh được, nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi.

Tôi muốn được lười biếng thư giãn ở nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng anh thì luôn áp dụng mọi thứ chuẩn mực vào cả cuộc sống hôn nhân và không gian gia đình. Chẳng hạn tôi không được phép nằm ườn ở ghế sô pha phòng khách để xem phim. Muốn nằm thì vào giường, muốn xem phim ngoài phòng khách thì phải ngồi ngay ngắn. Muốn ăn thì xuống bếp, tuyệt đối không ăn vặt trên phòng khách hoặc trong phòng ngủ.

Nhói lòng khi con trai dặn tôi rằng: “Mẹ đừng cho bố biết nhé!” - Ảnh 1.

Tôi nhận ra anh là người rất gia trưởng, nghiêm khắc và sạch sẽ quá mức. (Ảnh minh họa)

Trong nhà không bao giờ được chứa mì tôm hay bánh ngọt, chỉ có ít hoa quả, và hoa quả thì phải mua đúng trong siêu thị, có nhãn mác. Đây là tôi đúc rút ra từ những lần bị anh vứt thùng rác các loại đồ ăn tôi mua về không hợp ý anh.

Rồi tôi sinh con trai, cuộc sống càng nặng nề khó thở hơn. Ở cữ mà tôi vẫn phải luôn sạch sẽ gọn gàng. Con tè ra cái tã nào là phải đi giặt ngay. Đồ đạc của con để đúng vào tủ của con, không được để bất kỳ thứ gì của con ra phòng khách, kể cả bình sữa đang uống, trong khi nhà tôi chẳng mấy khi có khách.

Con lên 2 tuổi đã bị anh rèn đến mức lớn lên trong nước mắt. 2 tuổi mà anh bắt con tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, tự đi tất… Không làm được, anh sẽ phạt. Khi nhỏ thì anh phạt không cho ăn sữa chua hoặc uống nước cam (hai thứ con rất thích), lớn hơn chút thì anh phạt bằng roi vọt.

Con bị đánh roi đầu tiên vào năm 4 tuổi, trong một lần ăn cơm tuột tay đánh rơi làm bát vỡ. Chồng tôi không nói gì, dùng luôn chiếc đũa anh cầm để vụt vào tay con. Xót con, tôi can ngăn liền bị anh chỉ thẳng vào mặt. Anh bảo: "Láo, tôi đang dạy con mà cô can ngăn thì có tác dụng gì? Sau này mỗi lần nó hư nó đều chờ mẹ nó bênh thì làm sao nên người, để rồi lớn nó hư hỏng thì lỗi thuộc về ai? Cô có gánh được không?".

Tôi điếng người. Từ đó về sau, cứ mỗi lần anh đánh phạt con, tôi đều chỉ nuốt nước mắt vào trong. Anh bảo, một người đánh, một người bênh thì nó chỉ căm ghét người đánh và ỉ lại vào người bênh. Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi thấy nhiều lỗi lầm của con không đáng bị phạt đòn roi nhưng anh vẫn thẳng tay đánh con. Từ việc bỏ quên bút khi mới đi học, cô giáo gọi về nhắc phụ huynh rằng con đùa nhau với bạn bị rách sách… anh đều dùng roi vọt để nói chuyện với con, để "rèn con vào khuôn khổ". Anh cấm tôi "nhúng tay" vào việc dạy con vì anh nói: "Mẹ chỉ làm hư con chứ chẳng dạy được nên người".

Nhói lòng khi con trai dặn tôi rằng: “Mẹ đừng cho bố biết nhé!” - Ảnh 2.

Hôm qua, tôi thấy con đứng khóc một mình, trên tay là giấy mời phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Giờ thằng bé trở nên rất nhút nhát, bị bạn bè bắt nạt nhưng con không dám nói với ai, vì sợ bố đánh. Bố sẽ quy rằng do con nghịch ngợm, do con như thế nào thì mới bị bạn bè bắt nạt. Kể cả việc con không theo kịp lớp nâng cao, con cũng không dám nói mà cứ cố gắng đuổi theo, càng đuổi càng đuối.

Hôm qua, tôi thấy con đứng khóc một mình, trên tay là giấy mời phụ huynh. Con bảo con không dám đưa cho bố vì có thể bố sẽ đánh con chết. Đó là giấy cô giáo mời riêng phụ huynh tới trao đổi về việc bài kiểm tra vừa rồi, con tôi đứng cuối lớp với 2 điểm 7, 1 điểm 8.

Sự kỳ vọng của chồng tôi vào con quá cao khiến con bị áp lực nặng nề. Tôi nói với con rằng tôi sẽ đi họp và tôi sẽ viết đơn xin chuyển con qua lớp khác. Con đã dặn đi dặn lại tôi rằng: "Có thật không hả mẹ, mẹ đừng cho bố biết nhé! Mẹ tuyệt đối không được để bố biết, bố biết là con chết đấy".

Giờ tôi đang đồng lõa với con để giấu chồng. Con tôi đã chẳng có tuổi thơ như tôi khi còn nhỏ. Làm sao để con tôi có thể được tự do vui chơi, được thoải mái tư tưởng, được phát triển khả năng theo hướng con yêu thích, mới là điều tôi mong muốn hơn là thành tích học tập đứng đầu lớp. Tôi cũng đang băn khoăn với câu hỏi như thế nào để thuyết phục chồng tôi đây? Mong mọi người cho tôi lời khuyên.

Chia sẻ