Nhìn vào dấu hiệu này của miệng, bạn có thể biết mình mang thai hay bị ung thư
Đôi môi bị nứt nẻ hay lợi bị viêm - những dấu hiệu ở miệng này sẽ báo cho bạn biết những vấn đề sức khỏe đôi khi nghiêm trọng, mà bạn không nên bỏ qua.
Môi nứt nẻ
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng chế độ ăn của mình cân bằng, rất dễ để bị thiếu hụt những dưỡng chất quan trọng. Và trong một số trường hợp, những thiếu hụt đó thể hiện ra ở đôi môi. Cath Collins, chuyên gia về chế độ ăn tại Bệnh viện Thánh George, London, cho biết: "Nếu môi bạn đột nhiên bị khô hay xuất hiện những vết nứt nẻ gây đau ở khỏe miệng, bạn có thể đang thiếu sắt, kẽm, vitamin B3 hay vitamin B6".
Giải pháp có thể rất đơn giản là thêm một chút thịt đỏ vào chế độ ăn của bạn. Thịt đỏ là nguồn cung cấp phong phú cả sắt và kẽm. Bạn cũng có thể tìm thấy sắt, kẽm, vitamin B trong các thực phẩm như cá hồi, trứng, rau lá xanh.
Để an tâm, hãy lên lịch hẹn khám với bác sĩ đa khoa. Xét nghiệm sẽ được tiến hành để xác nhận bạn có đúng bị thiếu hụt dưỡng chất hay không.
Chảy máu lợi
Tiến sĩ Reena Wadia, chuyên gia nướu lợi tại Phòng khám RW Perio, London, khẳng định, đây không phải hiện tượng bình thường: "Chảy máu giống như một hồi chuông cảnh báo. Đó là cách cơ thể nói với bạn rằng có gì đó không ổn xảy ra. Chảy máu lợi sau khi đánh răng hoặc vệ sinh răng bằng chỉ tơ nha khoa là dấu hiệu đầu tiên của bệnh về lợi.
Miệng kết nối với phần còn lại của cơ thể. Và hiện đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa bệnh về lợi với một số vấn đề sức khỏe nói chung như tiểu đường, tim mạch và thận".
Viêm lợi
Nếu bình thường, bạn luôn tự hào về sức khỏe răng miệng của mình, nhưng bỗng để ý thấy lợi bị viêm và cháy máu, đó có thể là dấu hiệu bạn mang thai (tất nhiên, nếu bạn là phụ nữ).
Tiến sĩ Wadia giải thích: "Viêm lợi rất phổ biến trong thai kỳ bởi những thay đổi do hormone khiến lợi trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng hơn và sưng lên".
Răng phẳng dẹt hơn do bị mài mòn
Tật nghiến răng thường do hàm nhỏ không hỗ trợ đường thở gây ra, phổ biến ở nữ hơn so với nam. Tiến sĩ Beata O'Donoghue, chuyên gia tư vấn giấc ngủ tại The London Clinic, lý giải: "Sự kết hợp không tương xứng này dẫn tới hội chứng kháng đường thở trên. Nghĩa là người bệnh liên tục rơi vào trạng thái giấc ngủ bị ngắt quãng khi não nhận được tín hiệu đường thở cần phải mở ra". Kết quả là hệ thần kinh giao cảm - chế độ sinh tồn của cơ thể - được kích hoạt, từ đó giải phóng adrenalin, đưa cơ thể vào trạng thái căng thẳng và nghiến răng.
Giải pháp bao gồm băng dán thông mũi, các bài tập thở trước khi đi ngủ và thiền.
Trong các trường hợp khác, nghiến răng có thể do stresss. Dụng cụ bảo vệ hàm (mouthguard) có thể giúp bảo vệ răng khi bạn ngủ.
Răng bị nứt, vỡ, bong tróc men
Người lớn tuổi phải đối mặt với nguy cơ răng bị rạn nứt, gãy vỡ. Nhưng tình trạng xói mòn răng này là hậu quả không thể tránh khỏi của lão hóa.
"Răng bị hủy hoại và thưa dần có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Nó thường do axit dâng lên từ dạ dày và bào mòn men răng", Giáo sư Alastair Forbes, chuyên gia dạ dày - ruột, cho biết. Bệnh trào ngược dịch vị axit dạ dày - thực quản là hậu quả của hàng rào bị lỗi nối giữa dạ dày và thực quản. 10-30% dân số mắc bệnh này, thường gặp ở những người béo phì và cao tuổi. Nghiên cứu cho thấy nó có mối liên hệ với nguy cơ mắc ung thư vòm họng, hạch hạnh nhân và xoang.
Lợi bị loét, đau
Nguyên nhân có thể đơn giản là ăn đồ gì nóng hoặc có cạnh sắc, đánh răng quá mạnh. Nhưng khi một vết loét hở trong miệng không biến mất sau 1-2 tuần, bạn nên đi khám bởi đó có thể là dấu hiệu ung thư miệng.
Ung thư miệng có tỷ lệ sống sốt thấp, khoảng 35% nhưng chủ yếu là do các trường hợp được phát hiện quá muộn. Graham Merrick, bác sĩ phẫu thuật hàm mặt tại Bệnh viện Musgrove Park, tiết lộ: "Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư miệng cao gấp 6 lần. Nhưng 1/4 ca ung thư miệng cũng xuất hiện ở người không hút thuốc lá".
Các khối u loét miệng nghi ung thư có xu hướng là những vết lở thương có viền trắng hoặc đỏ (hoặc viền trắng và đỏ). Chúng có thể ẩn mình bên dưới lưỡi, ở vị trí rất khó nhìn thấy.
Lợi to
Các loại thuốc thường dùng để điều trị bệnh cao huyết áp hay động kinh có thể khiến lợi trở nên quá khổ do sự hiện diện của mảng bám – theo Tiến sĩ Wadia. "Thông thường, nha sĩ hay chuyên gia về lợi sẽ kết hợp với bác sĩ đa khoa của bạn để thay thế loại thuốc sao cho không dẫn tới tác dụng phụ gây khó chịu này. Quan trọng là nhận biết tình trạng này bởi lợi quá khổ rất khó làm sạch và nó cũng sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về lợi".
Nguồn: Mirror