Nhiều trường hợp sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định nhiều trường hợp sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sáng 9-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Luật sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm.
Dự thảo luật gồm 4 nhóm chính sách lớn gồm: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Dự luật cũng quy định nhiều nội dung mới như: Sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như luật hiện hành); bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên).
Dự thảo Luật cũng sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Một điểm đáng lưu ý là quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, theo Điều 64, những trường hợp sau sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.
- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
- Người lao động hưởng lương hưu.
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Theo dự kiến, Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 6-2025). Thời gian Luật có hiệu lực từ 1-7-2026.