Nhiều sĩ tử hoang mang trước đề xuất mới của Bộ GD-ĐT, chưa vào năm học mà đã nghe nhiều tin "sét đánh ngang tai"
Bạn nghĩ sao về chủ đề này?
Mới đây, tại Hội nghị Giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào sáng 9/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những quan điểm về vấn đề tuyển đại học sớm. Theo đó, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ phổ thông đến đại học.
"Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định.
Ngoài ra, việc này còn có nguy cơ khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Bộ trưởng nhấn mạnh các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm. Việc tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều tiết.
Cũng chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm. Hiện nhiều trường xét tuyển trước khi năm học kết thúc cả một học kỳ, thí sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung.
Đề xuất này khiến học sinh, đặc biệt là các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau quan tâm. Trên các trang mạng xã hội, nhiều bài đăng về chủ đề này được đăng tải cùng với vô vàn ý kiến đồng tình - phản đối khác nhau.
Xét tuyển sớm là cách đa dạng hóa cơ hội vào các trường đại học, giảm thiểu áp lực cho học sinh
Nhiều sĩ tử cho rằng, việc xét tuyển sớm tạo nhiều điều kiện hơn các bạn học sinh bước chân vào cánh cổng đại học mà bản thân yêu thích. Các bạn cũng phải học tập, nỗ lực rất nhiều để đáp ứng các tiêu chí trong từng phương thức xét tuyển sớm. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển sớm ở các trường đại học top không hề đơn giản chút nào, thí sinh phải đi kèm với nhiều điều kiện khác.
- Mình là sĩ tử 2k7 năm sau thi đại học, mình đang ôn luyện IELTS để đăng ký xét tuyển sớm vào các trường năm sau. Nghe tin hoang mang vô cùng, như sét đánh ngang tai luôn, không biết nên học tiếp hay như thế nào.
- Không nên bỏ xét tuyển sớm mà nên kết hợp nó với các điều kiện về điểm thi. Như cháu mình đỗ xét tuyển sớm FTU rồi vẫn có yêu cầu đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp môn đó. Mà điều kiện xét tuyển sớm FTU có phải dễ đâu chứ. Mình nghĩ đây là phương pháp hay, giảm áp lực mà không bị dễ quá.
- Ôn luyện để đăng ký thi xét tuyển sớm thì cũng đánh đổi nhiều mà. Thứ nhất là tiền học trung tâm, tiền thi, tiền sách; Thứ hai là thời gian. Như mình thi thi đánh giá năng lực cuối tháng 4 xong mới quay lại ôn luyện THPT tiếp nhé, mà chưa kể đến điểm không cao thì thôi hỏng.
- Để đỗ xét tuyển sớm, đặc biệt là vào các trường top thì cũng là cả một quá trình học tập đấy chứ. Học bạ phải chú ý, "làm đẹp" từ năm lớp 10, đánh giá năng lực hay chứng chỉ khác cũng phải mất thời gian tiền bạc mới có, chứ đâu phải chớp mắt cái có luôn đâu.
- Đơn cử như việc xét học bạ đi, mình thấy hình thức này, các bạn học ở chuyên hay là học sinh giỏi sẽ rất có lợi thế. Thật ra xét về mặt bằng chung, các bạn học sinh chuyên cũng phải như thế nào đấy mới đỗ được vào chuyên. Hơn nữa, không thầy cô nào không muốn trò mình gặp thuận lợi cả. Cũng có nhiều bạn học trường thường cày ngày cày đêm để học bạ của mình đẹp, sao chúng ta không nhìn vào đó? Tóm lại, mình thấy đây vẫn là một phương án tốt.
- Kì thi đại học bên Trung Quốc khắc nghiệt nhất thế giới vì số lượng thí sinh khủng, cộng với việc bên đó hầu như là không có phương thức xét tuyển sớm (chỉ mấy bạn giành được giải quốc gia, quốc tế gì đó mới được vào thẳng). Điều này dẫn đến thi đại học bên đó như một trò chơi một mạng, dồn toàn lực vào học ngày học đêm. Thế nên nhiều bạn rất áp lực, căng thẳng dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, mình nghĩ nên có xét tuyển sớm để giảm bớt áp lực thi đại học cho nhiều thí sinh.
Nên siết chặt lại hình thức xét tuyển sớm để tạo công bằng cho tất cả thí sinh
Ở một diễn biến khác, cũng có một bộ phận cộng đồng mạng cho rằng việc cân nhắc siết chặt hình thức xét tuyển sớm là điều cần thiết để tránh tiêu cực, tạo công bằng cho tất cả học sinh. Không phải ai cũng có điều kiện học tập, ôn thi các chứng chỉ IELTS, SAT hay các kỳ thi Đánh giá năng lưc, Đánh giá tư duy... Việc tuyển quá nhiều học sinh bằng hình thức xét tuyển sớm vô hình trung sẽ giảm chỉ tiêu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn vì thế cũng tăng lên cao.
- Mình hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Bộ. Các bạn sợ cái gì mà cứ phải xét tuyển sớm? Nếu cả nước chuyển qua lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT thì kiểu gì các trường đại học chẳng tăng chỉ tiêu, điều đó cũng đồng nghĩa là điểm chuẩn giảm. Những ai có thực lực sẽ vẫn vào được đại học mà. Chính hình thức xét tuyển sớm khiến cho nhiều học sinh bỏ bê kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí bây giờ các hình thức như IELTS, xét học bạ... mình thấy nhiều tiêu cực lắm.
- Mình thấy bỏ hình thức xét tuyển sớm sẽ công bằng hơn nhiều bởi không phải ai cũng có điều kiện để ứng tuyển vào các phương thức xét tuyển sớm khác. Ví dụ như không có kinh tế để luyện và thi IELTS, SAT... Điều này tương tự như kì thi Đánh giá năng lực hay Đánh giá tư duy... Còn về việc gây xao nhãng học tập trong giai đoạn cuối thì đúng là có. Nhưng cũng có nhiều bạn xét tuyển sớm rồi vẫn cố ôn tốt nghiệp để vào mấy cái ngành mong muốn hơn.
- Mình từng xét tuyển vào các trường bằng hình thức xét học bạ và mình thấy nó bất công thật nha. Thôi bỏ xét học bạ là được rồi.
- Mình thấy xét tuyển sớm có nhiều tiêu cực lắm, mong Bộ sẽ siết chặt, quản lý lại vấn đề này để tạo công bằng cho tất cả thí sinh.
Bạn nghĩ sao về chủ đề này?