Nhiều quốc gia thay đổi chính sách với người da màu

nguyễn hà,
Chia sẻ

Sau các cuộc biểu tình kéo dài 14 ngày trên khắp nước Mỹ và lan sang một số quốc gia khác, nhiều quốc gia đã có những chuyển biến trong chính sách của mình.

Bức tượng nhà buôn nô lệ Robert Milligan từng được đặt bên ngoài bảo tàng London Docklands, Anh giờ đã được gỡ xuống. Đây là một trong những động thái tích cực cho thấy thế giới đang có những thay đổi để chống lại vấn nạn phân biệt chủng tộc.

"Chúng tôi đã đi qua bức tượng này nhiều năm qua mà không hiểu rõ về lịch sử của nó. Khi tìm hiểu thì biết rằng, đây chính là người tham gia vào hoạt động buôn bán nô lệ da đen, ông ta rất giàu có nhưng sự giàu có lại là dựa vào nỗi khổ của những người nô lệ", ông John Biggs - người dân Anh nói.

Bà Amina Ali - thành viên Hội đồng quận Tower Hamlets, London, Anh cho rằng: "Dỡ bỏ bức tượng này là việc làm đúng. Tôi thấy may mắn vì mình được chứng kiến sự kiện này, nó là biểu tượng cho sự chiến thắng trước vấn đề phân biệt màu da, sắc tộc".

 - Ảnh 1.

Biểu tình tại Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Mới nhất, bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió đã bị tạm đưa ra khỏi thư viện phim của HBO Max, vì đây cũng là một bộ phim mô tả chế độ nô lệ đối với người da màu và vì thế, nó đã gặp một số chỉ trích. Quyết định này được đưa ra sau khi nhà biên kịch của phim 12 năm nô lệ kiến nghị HBO đưa Cuốn theo chiều gió ra khỏi danh sách phát.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất của HBO cho biết, họ sẽ cân nhắc việc đưa các tác phẩm nghệ thuật quay lại, khi bối cảnh xã hội và quan điểm của công chúng thay đổi tích cực về vấn đề sắc tộc.

Tại thủ đô Washington và nhiều thành phố, bang của Mỹ, các nhà lãnh đạo chính trị đang bắt đầu lắng nghe. Đã có sự đồng thuận hiếm hoi trong lưỡng đảng Mỹ khi cho rằng, cần phải cải cách lực lượng cảnh sát để đáp ứng với tình hình hiện nay.

Trước đó hôm 8/6, đảng Dân chủ đã công bố một dự luật cải cách sâu rộng lực lượng cảnh sát, do những đòi hỏi từ các cuộc biểu tình. Tiếp đến hôm 9/6, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết, họ đã lên kế hoạch giới thiệu các đề xuất cải cách của riêng mình.

 - Ảnh 2.

Không khí tuần hành tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ cuối tuần qua. Ảnh: NYT

Tại New Zealand, Cảnh sát nước này đã bỏ kế hoạch tổ chức đội tuần tra vũ trang khi dư luận lo ngại nguy cơ quân sự hóa lực lượng thực thi pháp luật. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng cho biết, bà "hoàn toàn phản đối việc mang vũ trang thường xuyên của cảnh sát" dù bà cho rằng các cuộc tuần tra là vấn đề nghiệp vụ cần phải để lực lượng cảnh sát tự quyết định cách thức.

Tại Pháp, giới chức sẽ cấm cảnh sát sử dụng động tác kẹp cổ khi bắt giữ người. Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết động tác kẹp cổ, được ông mô tả là hành vi gây áp lực lên cổ hoặc họng nghi can khi ghì họ xuống đất, là "phương pháp nguy hiểm" nên sẽ không được cảnh sát sử dụng hoặc huấn luyện cách sử dụng.

Chia sẻ