Nhiều nước châu Á đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19

Nguyễn Hằng - Trang Nhung- Hữu Chiến,
Chia sẻ

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trên thế giới, một số nước tại châu Á đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 14/3, Cơ quan Phát triển vùng đô thị Manila tại Philippines thông báo nhà chức trách sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại khu vực này, bắt đầu từ ngày 15/3 như một biện pháp cách ly cộng đồng để dập dịch COVID-19. Tính đến sáng cùng ngày, Philippines đã ghi nhận 6 ca tử vong và tổng cộng 64 ca mắc bệnh COVID-19.

Nhiều nước châu Á đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại tòa thị chính ở thành phố Marikina, Philippines, ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Chính phủ Campuchia đã quyết định tạm thời đóng cửa Trường Quốc tế Canada (CIS) ở Đảo Koh Pich (Phnom Penh) và cách ly theo dõi sức khỏe của giáo viên cũng như học sinh của trường này trong 14 ngày.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một nhân viên người Canada làm việc cho CIS được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm hai trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này lên con số 7. Cơ quan này cũng cho hay Campuchia sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước Italy, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ trong vòng 30 ngày để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Quyết định này có hiệu lực để từ ngày 17/3.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Tổng thống nước này Joko Widodo ngày 13/3 quyết định lập một nhóm phản ứng nhanh nhằm điều phối các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Việc thành lập nhóm phản ứng nhanh được thực hiện theo Sắc lệnh Tổng thống số 4/2019 về nâng cao khả năng ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với bệnh dịch hạch, các đại dịch toàn cầu, các vấn đề an ninh hạt nhân, sinh học và hóa học.

Nhóm phản ứng nhanh trên do Giám đốc Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) Doni Monardo đứng đầu và quy tụ các đại diện Bộ Y tế, Quân đội Indonesia (TNI), Cảnh sát Quốc gia, và được giao nhiệm vụ theo dấu các trường hợp mắc bệnh. Nhóm này cũng chịu trách nhiệm theo dõi việc giám sát và cách ly các trưởng hợp bệnh nghi ngờ, đồng thời phối hợp với các bên liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Chính phủ Indonesia cũng đã chỉ định tổng cộng 359 bệnh viện trên khắp cả nước tham gia chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19. Tổng thống Joko Widodo cho biết ngoài 132 bệnh viện đã được chỉ định trước đó, Chính phủ Indonesia đã lựa chọn thêm 109 bệnh viện của quân đội, 53 bệnh viện của cảnh sát, và 65 bệnh viện của các doanh nghiệp nhà nước.

 - Ảnh 8.
Chia sẻ