Nhiều dịch bệnh đang hoành hành tỉnh miền núi Gia Lai
Ngoài việc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị và người dân Gia Lai đang phải đối mặt với bệnh tay chân miệng, bạch hầu.
Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp
Ngày 28/7, ông Đinh Hà Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, ngành y tế Gia Lai vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với bạch hầu. Theo đó, 1 ca ở làng Blo Dung (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) và 1 ca tại làng Phung (xã Biển Hồ, TP Pleiku).
Như vậy, đến ngày 28/7, Gia Lai có 30 trường hợp dương tính với bạch hầu (1 trường hợp tử vong), 20 ca đã được điều trị khỏi bệnh, trường hợp còn lại sức khỏe tiến triển tốt. Những ca dương tính với bạch hầu xuất hiện tại 8 xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai (5 xã thuộc huyện Đắk Đoa, 2 xã thuộc huyện Ia Grai, và xã Biển Hồ, TP Pleiku).
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai tiếp tục khoanh vùng, cách ly ca dương tính với bạch hầu, phun khử khuẩn vùng dịch...đẩy lùi dịch bệnh này.
16 ca trường hợp bị tay chân miệng
UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa phát đi Công văn số 1522 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng. UBND tỉnh Gia Lai khuyến cáo, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhóm tuổi hay gặp nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi, bệnh do vi rút EV71 gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. UBND dẫn số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 10,7 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 6,6 nghìn trường hợp nhập viện (không có tử vong). Tại Gia Lai, từ đầu năm 2020 đến nay có 16 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (không có tử vong) tại 7/17 huyện, thị xã, thành phố.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Y tế Gia Lai chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở các cơ sở khám chữa bệnh tại cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hoá chất, bố trí giường bệnh, chuẩn bị nhân lực phù hợp sẵn sàng phòng chống dịch.
UBND tỉnh Gia Lai cũng giao Sở GD&ĐT Gia Lai chỉ đạo các cơ sở giáo dục – đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non tăng cương tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chú trọng giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay cho trẻ em, người chăm sóc trẻ…
Xét nghiệm những ai từ Đà Nẵng về Gia Lai
Ngày 28/7, ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, ngành y tế Gia Lai sẽ cách ly, thực hiện khám, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 những người từ Đà Nẵng về Gia Lai. Ông Hải thống kê, từ ngày 14/7 đến nay, hàng nghìn người từ Đà Nẵng về Gia lai (khoảng 10 người từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng), ngành y tế đang tiến hành khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm trong ngày hôm nay. Ngoài ra, ông Hải nói, những người nước ngoài đến tỉnh Gia Lai trong thời gian gần đây cũng được xét nghiệm.
Đại diện ngành y tế Gia Lai, ông Hải khuyến cáo, những ai trở về từ Đà Nẵng có biểu hiện ho, sốt thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Cùng với đó, để chống dịch hiệu quả, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này phối hợp với các địa phương khu vực biên giới, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên tuyến biên giới với Campuchia, nhất là tại các đường mòn, lối mở, cửa khẩu…