Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 trở nặng vì chủ quan, bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine để phòng ngừa
Có những bệnh nhân tái nhiễm đến lần thứ 3, thậm chí có bệnh nhân còn chủ quan do nghĩ rằng đã mắc Covid-19 rồi thì mình sẽ không mắc nữa, hoặc có mắc thì cũng nhẹ hơn.
Nhiều bệnh nhân từng mắc COVID-19 chủ quan
Ths.BS Nguyễn Trọng Hưng – Khoa điều trị viêm đường hô hấp cấp cho biết, thời điểm này bệnh nhân nhập viện do mắc COVID-19 không tăng (tại khoa hiện đang có 20 bệnh nhân). Tuy nhiên, các bệnh nhân COVID-19 nhập viện có tình trạng sức khỏe nặng hơn so với trước.
Bệnh nhân Covid-19 trở nặng, BS khuyến cáo tiêm phòng
Theo BS Hưng, bệnh nhân trở nặng thuộc các đối tượng chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, bệnh lý nền có nguy cơ (như người cao tuổi, có bệnh nền chạy thận, suy gan, ung thư…), trong số này có những bệnh nhân tái nhiễm đến lần thứ 3, thậm chí có bệnh nhân còn chủ quan do nghĩ rằng đã mắc Covid-19 rồi thì mình sẽ không mắc nữa, hoặc có mắc thì cũng nhẹ hơn.
Bác sĩ Hưng cũng lưu ý, đa số các bệnh nhân còn trẻ khi mắc Covid-19 và tái nhiễm thì không đáng lo ngại về tình trạng sức khỏe, nhưng đối với người cao tuổi thì rất đáng quan tâm.
Tại bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân tuổi già mắc Covid-19 đến lần thứ 3 với biểu hiện nặng, trong khi đó ở những lần trước những bệnh nhân này có thể tự theo dõi tại nhà và không có tình trạng suy hô hấp.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, đối với những bệnh nhân đã mắc Covid-19 rồi, thì vẫn phải đảm bảo 2K (khoảng cách và khẩu trang), tiêm vaccine xin phòng Covid-19 và đối với những người chưa tiêm vaccine thì cũng nên tuân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 là giải pháp tốt nhất đối với người mắc bệnh nền
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện điều trị đều chưa tiêm mũi 4 vaccine COVID-19, mà đa phần đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản và mũi 3 (trừ trường hợp trẻ sơ sinh chưa có vaccine và người tuổi cao bị hạn chế vận động).
Những người có bệnh lý nền khi nhiễm COVID-19 dễ khiến bệnh trở nặng khó kiểm soát, thời gian điều trị lâu hơn do cơ thể suy giảm giảm miễn dịch, đáp ứng kém với thuốc điều trị, thời gian thanh thải virus cũng lâu hơn, do vậy việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 ở nhóm đối tượng này là vô cùng cần thiết.
Vì vậy, người dân nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ các mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo để bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt là nhóm có bệnh nền, cao tuổi.
Những người trên 50 tuổi, có bệnh nền (suy gan, thận, ung thư, HIV…), béo phì… nên tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 để bảo vệ bản thân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh với các biến thể biến đổi không ngừng.
"Khi chúng ta đã chấp nhận sống chung với dịch thì nguy cơ lây nhiễm không thể tránh khỏi. Vấn đề cần quan tâm là nhiễm bệnh nhưng có nặng hay không, hệ thống y tế phải làm sao đảm bảo điều trị tốt nhất cho những trường hợp nặng, có chỉ định nhập viện.
Hiện nay, ngoài việc tiêm vaccine không có phương pháp nào phòng ngừa dịch COVID-19. Vaccine sẽ bảo vệ cho những người thuộc nhóm nguy cơ khiến bệnh không trở nặng. Do vậy tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 là cần thiết đối với mọi người", bác sĩ khuyến cáo.
Trước đó, Bộ Y tế ban hành văn bản Số 3309/BYT-DP về việc hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19, theo đó các đối tượng cần tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vaccine COVID-19 gồm: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
- Loại vaccine: vaccine mRNA (vaccine Pfizer hoặc Moderna); vaccine AstraZeneca; vaccine cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1);
- Khoảng cách: ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).
- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.