Nhật Bản: Tranh cãi về việc coi tiếng cười nói, chơi đùa của trẻ em là tiếng ồn

Vân Anh,
Chia sẻ

Kiến nghị của Chính quyền thủ đô Tokyo về việc loại bỏ “âm thanh trẻ em” khỏi pháp lệnh quy định tiếng ồn đang gây nhiều tranh cãi tại Nhật Bản.

Theo đó, ngày 18/2 vừa qua, Tokyo đã đệ trình dự luật sửa đổi Pháp lệnh nhằm loại bỏ những âm thanh của trẻ em dưới độ tuổi tiểu học ra khỏi các quy định về tiếng ồn hiện nay.

Ngay lập tức, đã có nhiều tranh cãi xảy ra xoay quanh một vấn đề duy nhất: Liệu tiếng nói của trẻ có được coi là tiếng ồn để cấm?

Một số người cho rằng, âm thanh của trẻ em rất ồn ào và phải hạn chế trong cuộc sống này. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ người dân ủng hộ việc loại bỏ âm thanh trẻ em ra khỏi các pháp lệnh tiếng ồn, đồng nghĩa với việc, tiếng nói, tiếng chơi đùa, các hoạt động vui chơi giải trí liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không bị cấm đoán.

Một hiệu trưởng trường học tại Tokyo cho biết: “Ngay khi bị người dân xung quanh khiếu nại ồn ào, chúng tôi đành phải giảm âm lượng xuống. Trước mỗi lần tổ chức sự kiện, lễ hội thể thao, trường đều phải gửi giấy thông báo và kêu gọi sự cảm thông từ người dân”.

Nhật Bản: Tranh cãi về việc coi tiếng cười nói, chơi đùa của trẻ em là tiếng ồn 1
Âm thanh của trẻ em Nhật Bản hiện đang bị coi là một tiếng ồn cần phải hạn chế, cấm đoán.

Trong khi đó, Trường trung học Nerima Ward, Tokyo, nhận được đơn khiếu nại rằng: Tiếng nói của các em học sinh khi tập trung tại các câu lạc bộ vào sáng sớm gây ồn ào, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. 

Một trường trung học khác tại Tokyo phải xây tường cách âm cao 2,5 mét để đảm bảo yên tĩnh. Thậm chí, một trường tiểu học còn bị phàn nàn gây ồn ào do tiếng giáo viên dạy học quá to.

Năm 2010, Pháp lệnh môi trường tại khu đô thị Tokyo đã được ban hành, quy định không ai được phép tạo ra tiếng ồn vượt quá âm lượng cho phép trong Pháp lệnh và các văn bản có liên quan.

Tại nhiều nơi, ví dụ Nerima Ward, người dân cho rằng, tiếng nói của trẻ em cũng phải được coi là tiếng ồn dựa trên pháp lệnh và phải được cấm. Trong suốt nhiều năm qua, rất nhiều người dân coi những âm thanh của trẻ em là tiếng ồn và liên tục khiếu nại các trường học vì gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Nhật Bản: Tranh cãi về việc coi tiếng cười nói, chơi đùa của trẻ em là tiếng ồn 2
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu trẻ em không được tự do vui chơi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của các em.

Còn theo dự thảo mới đây của chính quyền Tokyo, tất cả âm thanh được tạo ra bởi trẻ em dưới 6 tuổi cũng như các âm thanh do những cơ sở, cơ quan chăm sóc trẻ sẽ không được coi là tiếng ồn. Điều đó có nghĩa là tiếng nói, tiếng bước chân của trẻ, âm thanh từ các nhạc cụ của trẻ; âm thanh từ các trung tâm chăm sóc, trường mẫu giáo… sẽ không được coi là tiếng ồn và không ai được khiếu nại những âm thanh từ trẻ em.

Phía thành phố cũng sẽ đối thoại với người dân để xác định cụ thể: Liệu các âm thanh của trẻ em có vượt quá giới hạn cho phép hay không để từ đó tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp.

Trong dự luật cũng nêu rõ, việc gỡ “âm thanh của trẻ em” ra khỏi các quy định về tiếng ồn là điều nên làm bởi vì  “vui chơi là điều cần thiết đối với trẻ em nhỏ, do đó, việc gây ra âm thanh là không thể tránh khỏi”.

Theo khảo sát tại 49 khu dân cư trên khắp Tokyo về dự thảo thì có 3 khu ủng hộ phải coi âm thanh của trẻ em là tiếng ồn và xử lý đúng theo Pháp lệnh đề ra. Dân cư của 10 khu khác cũng đồng ý phải có quy định về âm thanh của trẻ nhưng quy định đó nên được nới lỏng, không nên chặt chẽ như trong pháp lệnh hiện hành. 13 khu khác bày tỏ đồng ý với dự thảo, loại bỏ âm thanh của trẻ em ra khỏi pháp lệnh.

Còn về phía người dân, trong 134 ý kiến gửi về Chính quyền Tokyo, có 79 ý kiến ủng hộ dự thảo. Họ cho rằng, giọng nói rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ cả về tinh thần và vật chất. Sự suy giảm khả năng sáng tạo của trẻ hiện nay, một phần là vì các em không thể tự do vui chơi.

Tuy nhiên, cũng có 45 ý kiến phản đối dự thảo vì cho rằng: “Không thể chịu nổi những tiếng nói the thé của trẻ em” hoặc “ những người làm việc ca đêm không thể nào có giấc ngủ ngon vào ban ngày”.

 Theo AsiaOne
Chia sẻ